Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 05:37

Thứ hai, 06/05/2024 | 05:37

Chính sách

Cập nhật lúc 20:15 ngày 13/08/2020

Bộ Công Thương hướng tới mục tiêu cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo chiều sâu

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng giai đoạn 2021 – 2030 của Bộ Công Thương diễn ra ngày 06 tháng 8 năm 2020, ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đã chia sẻ về tình hình cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) của Bộ Công Thương giai đoạn 2011 – 2020.
Theo ông Trần Việt Hòa, các hiệp định thương mại tự do đã tạo điều kiện cho hoạt động thương mại quốc tế phát triển nhanh chóng. Do đó, cải cách hoạt động KTCN là xu hướng chung của các nước trên thế giới.
Trong mô hình KTCN của Việt Nam, các chủ thể liên quan đến mô hình KTCN bao gồm: 1. Cơ quan quản lý nhà nước: (i) Bộ quản lý chuyên ngành; (ii) Cơ quan hải quan; 2. Tổ chức đánh giá sự phù hợp; 3. Doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hoặc cung cấp dịch vụ logistics.
Thực tiễn hiện nay đòi hỏi cần phải cải cách hoạt động KTCN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Quá trình cải cách KTCN cũng cần có những đánh giá, giải pháp và nhiệm vụ đối với các chủ thể tham gia vào hoạt động KTCN và các quan hệ hành chính, dân sự của các chủ thể này.
Triển khai thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành được Chính phủ, Thủ trướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện với các mục tiêu và chỉ tiêu có định lượng. Giải pháp triển khai từ những nhiệm vụ cụ thể giao cho các Bộ, ngành đến nhiệm vụ tổng thể dài hạn như từng bước thay đổi căn bản các nguyên tắc quản lý trên cơ sở sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống quản lý của hải quan và các bộ ngành. Tiêu biểu đó là các Nghị quyết 19, Nghị quyết 02, Nghị định 15/2018/NĐ-CP, Nghị định 85/2019/NĐ-CP của Chính phủ và nhiều Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương)
Hiện nay, Bộ Công Thương quản lý về KTCN trong lĩnh vực: An toàn thực phẩm, Chất lượng sản phẩm hàng hóa & Hiệu suất năng lượng. Trên cơ sở phân tích những thuận lợi, khó khăn nêu trên, giải pháp cải cách KTCN của Bộ Công Thương đó là:
  • Quyết liệt: Được lãnh đạo Bộ quan tâm, thường xuyên chỉ đạo
  • Giải pháp tổng thể & nhiệm vụ cụ thể theo quan điểm:
  • Đối với các cơ quan, tổ chức: Rà soát chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của cơ quan, tổ chức đảm bảo tuân thủ sự thống nhất, đồng bộ về cơ sở pháp lý.
  • Đối với các sản phẩm, hàng hóa: Đánh giá vai trò của hoạt động KTCN trong tổng thể các biện pháp quản lý của nhà nước đối với hoạt động sản xuất, lưu thông, kinh doanh và sử dụng hàng hóa của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
  • Áp dụng những nguyên tắc quản lý rủi ro để thường xuyên rà soát, đánh giá và kịp thời điều chỉnh danh mục các mặt hàng thực hiện KTCN thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương
  • Đồng bộ trong cả hai lĩnh vực KTCN & QLCN: thông qua các hoạt động
  • Cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính;
  • Hiện đại hóa hành chính và xã hội hóa công tác KTCN;
  • Thông tin và truyền thông.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trao Bằng khen cho các đơn vị thuộc Bộ có nhiều thành tích trong công tác CCHC Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2020, trong đó có Vụ Khoa học và Công nghệ
Trên cơ sở các giải pháp nêu trên, Bộ Công Thương đã triển khai các nhiệm vụ cụ thể đó là:
- Đối với các đơn vị trong Bộ Công Thương: (i) Xây dựng, ban hành văn bản QPPL cắt giảm danh mục KTCN, điều chỉnh chính sách quản lý phù hợp với tình hình mới; (ii) Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để làm cơ sở cải cách công tác KTCN; (iii) Tách biệt đối tượng và phạm vi giữa “kiểm tra chuyên ngành” và “quản lý chuyên ngành” để xác định những giải pháp, nhiệm vụ phù hợp.
Bộ Công Thương được Chính phủ phân công quản lý hoạt động xuất nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng. Danh mục các mặt hàng này được thực hiện theo các Hiệp định, cam kết và điều ước quốc tế song phương, đa phương mà Việt Nam là thành viên tham gia ký kết.
- Đối với cơ quan hải quan, Bộ Công Thương đã phối hợp trong nhiều nhiệm vụ, cụ thể đó là: (i) Triển khai nhiều thủ tục hành chính về quản lý hoạt động xuất nhập khẩu theo Cơ chế Một cửa quốc gia; (ii) Công bố công khai danh mục các mặt hàng kèm theo mã HS (chi tiết đến 8 số) phải KTCN thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương; (iii) Tích cực và chủ động tham gia nhiệm vụ liên quan đến cải cách KTCN trong các dự án về thuận lợi hóa thương mại do Tổng cục hải quan, Bộ Tài chính triển khai thực hiện.
Các nhiệm vụ này nhằm từng bước giải quyết những khó khăn trong cơ chế chia sẻ thông tin phục vụ công tác quản lý về KTCN.
- Đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp: (i) Xã hội hóa một số nhiệm vụ của cơ quan kiểm tra nhà nước về KTCN trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thông qua tổ chức đánh giá sự phù hợp; (ii) Tăng số lượng chỉ định/cấp giấy đăng ký hoạt động và kiểm tra tổ chức đánh giá sự phù hợp; (iii) Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp được cấp phép, chỉ định.
Các nhiệm vụ này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đồng thời đảm bảo hiệu lực của quản lý nhà nước đối với KTCN
- Đối với cộng đồng doanh nghiệp: (i) Tích cực đối thoại trực tiếp với các hiệp hội, doanh nghiệp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc về KTCN; (ii) Đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông; (iii) Thiết lập nhiều hình thức giải đáp kịp thời doanh nghiệp về công tác KTCN.
Các nhiệm vụ này nhằm từng bước thay đổi nhận thức của doanh nghiệp đối với hoạt động KTCN và suy rộng ra là ý thức chủ động tìm hiểu, chấp hành quy định pháp luật.
Như vậy, cách tiếp cận của Bộ Công Thương trong công tác cải cách KTCN là cách tiếp cận tổng thể được thực hiện từng bước phù hợp với điều kiện thực tế về tổ chức bộ máy, cơ sở pháp lý, cũng như điều kiện cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cho việc đảm bảo triển khai.
Các kết quả đạt được trong cải cách KTCN trong giai đoạn vừa qua không chỉ thể hiện qua các số liệu báo cáo của Bộ Công Thương mà còn được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận trong "Báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu” do VCCI, TCHQ và USAid thực hiện, trong các số liệu thống kê của của Tổng cục hải quan. Những kết quả này là minh chứng sinh động về kết quả mà Bộ Công Thương đã đạt được giai đoạn vừa quan trong cải cách KTCN.
Trên cơ sở phân tích hiện trạng hoạt động kiểm tra chuyên ngành và kế thừa kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, định hướng cải cách hoạt động KTCN của Bộ Công Thương trong thời gian tới sẽ được triển khai thực hiện theo chiều sâu.
Theo đó, Bộ Công Thương giao từng nhiệm cụ thể cho các đơn vị trong Bộ. Trong đó Vụ KHCN làm đầu mối tổ chức triển khai các giải pháp và nhiệm vụ, Cục Xuất nhập khẩu là đầu mối tổng hợp triển khai công tác KTCN của Bộ theo cơ chế Một cửa quốc gia và cải cách hoạt động quản lý chuyên ngành. Các đơn vị khác thuộc Bộ tham gia hoạt động cải cách KTCN theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương
lên đầu trang