Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 07/05/2024 | 01:29

Thứ ba, 07/05/2024 | 01:29

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:36 ngày 20/08/2020

Kịp thời chuyển đổi số, xuất khẩu gỗ liên tục khởi sắc

Nhờ nhanh chóng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào tiếp thị và sản xuất nên ngành xuất khẩu gỗ Việt đã đạt tăng trưởng dương trong các tháng qua. Nhiều doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ còn cho biết, trong các tháng còn lại của năm đang có nhiều khởi sắc hơn vì nhiều nước tiếp tục đàm phán đơn hàng dài hạn cho doanh nghiệp Việt.
Tăng trưởng dương trong khó khăn
Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt 6,09 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ 2019 tăng 17,1%). Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 4,44 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 19,4%).
Có thể thấy, mức tăng trưởng của xuất khẩu gỗ chậm lại so với năm 2019 song theo đánh giá của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), trong bối cảnh đại dịch như hiện nay đây là sự nỗ lực lớn của toàn ngành. Đáng mừng hơn, kể từ đầu tháng 7 tới nay nhiều thị trường nhập khẩu gỗ đã dần gỡ bỏ các hạn chế giãn cách nên các đơn hàng của doanh nghiệp trong tháng 7 đã tăng vọt, kéo kim ngạch tháng này đạt 1,05 tỷ USD, tăng 20,7% so với tháng 7/2019. Như vậy, tới thời điểm này gỗ là một trong số ít những ngành hàng đạt mức tăng trưởng dương, bất chấp dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp.

Doanh nghiệp gỗ đang nhận các đơn hàng mới dài hạn với khách hàng từ các nước EU
Ông Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển SX-TM Sài Gòn (SADACO) - cho biết, nếu như trong thời gian từ đầu năm đến cuối tháng 4, SADACO phải hoạt động cầm chừng thì sau giãn cách nhiều tín hiệu lạc quan đã đến. Cụ thể gần đây công ty bắt đầu nhận được các đơn hàng từ Mỹ và EU. Ngoài ra một số đơn hàng dài hơi sản xuất cho đến giữa năm 2021 cũng đã được SADACO ký kết. “Việc có được các đơn hàng thời điểm này là cho thấy nhu cầu về đồ gỗ nội thất vẫn được tiêu thụ tốt”, ông Mạnh nhận xét.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu gỗ trong năm 2020, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch HAWA - cho rằng, dịch bệnh từ đầu năm ảnh hưởng không nhiều đến khâu xuất khẩu của ngành gỗ. Dù dịch bệnh hoành hành, nhưng các đơn hàng đồ gỗ ngoài trời và đồ gỗ nội thất từ các nước Mỹ, và thị trường EU vẫn được ký đều đặn.
Vị đại diện của HAWA cho biết, đến hiện tại có thể nói xuất khẩu đã phục hồi được khoảng 70%. Điều này không chỉ đến từ sự nỗ lực của doanh nghiệp trong đàm phán mở thị trường mà còn từ tín hiệu lạc quan mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mới có hiệu lực vào ngày 1/8 vừa qua. Theo đó, ngay khi có hiệu lực, EVFTA đã giúp doanh nghiệp được hưởng thuế suất 0% đồng thời có thể tiếp cận nguồn máy móc hiện đại của các nước EU để ứng dụng vào sản xuất.
Nhanh chóng bắt nhịp chuyển đổi số
Để có kết quả trên thì ngay từ hồi đầu năm khi mới bùng phát dịch, HAWA đã lập tức có những điều hướng phù hợp với tình hình cho các doanh nghiệp trong ngành. Cụ thể là hoãn các hội chợ, triển lãm thường niên và thực hiện chuyển đổi số để hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng lên sàn thương mại điện tử. Theo đó, hồi tháng 3 năm nay, HAWA đã cùng Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA) và Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) ký kết hợp tác với FPT để xây dựng chuyển đổi số cho ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Sau cú bắt tay trên, gần đây HAWA đã ra mắt nền tảng triển lãm trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam với tên gọi HOPE. Đây là nền tảng triển lãm trực tuyến đầu tiên phục vụ cho tiếp thị số trong lĩnh vực chế biến gỗ, nội thất của Việt Nam. Nền tảng được phát triển bởi HAWA qua sự hợp tác - tư vấn của cộng đồng CIO Việt Nam và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM).
Trên nền tảng này, các nhà sản xuất chế biến gỗ, nội thất tại Việt Nam có thể trưng bày sản phẩm, mở showroom thực tế ảo. Theo đó, khách hàng có thể tham quan showroom, tìm kiếm sản phẩm chi tiết với hình ảnh phối cảnh, 2D, 3D và trực tiếp liên hệ với người bán thông qua công cụ kết nối có sẵn trên nền tảng. Nền tảng này không chỉ là giải pháp tạm thời do tác động của Covid-19 mà xa hơn HOPE hướng đến đáp ứng được nhu cầu thay đổi trong tiếp thị, kinh doanh theo xu hướng chuyển đổi số, tận dụng công nghệ trong kinh doanh. Nền tảng này khi vừa ra mắt đã nhận được sự quan tâm, đăng ký tham gia tích cực của nhiều doanh nghiệp gỗ hoạt động trên khắp cả nước. Các doanh nghiệp nhìn nhận, với nền tảng này, họ mong muốn đem lại kênh kết nối, giao thương giữa các nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng.
Có thể nói, với những nỗ lực từ doanh nghiệp, sự hỗ trợ của các hiệp hội ngành hàng cùng những chính sách của Nhà nước, nhiều chuyên gia cho rằng, đến cuối năm 2020 ngành gỗ vẫn có thể hoàn thành mục tiêu đã đề ra từ đầu năm là kim ngạch xuất khẩu đạt 12 tỷ USD.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang