Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 14/05/2024 | 13:10

Thứ ba, 14/05/2024 | 13:10

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:19 ngày 18/08/2020

Bùng nổ dịch vụ thanh toán điện tử: Cảnh giác ứng dụng không phép

Ứng dụng thanh toán điện tử đang dần “phủ sóng” rộng và thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, không ít ứng dụng thanh toán điện tử trái phép đã lôi kéo người dùng vào mạng lưới bằng việc hoàn lại tiền lên tới 80%, nhưng thực chất lấy tiền của người sau, trả cho người trước.
Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người dùng có thể tải các ứng dụng về máy và thanh toán nhanh chóng hàng hóa, dịch vụ trong vòng vài giây. Hơn nữa, mức phí sử dụng ví điện tử thấp cũng là yếu tố thu hút nhiều người sử dụng. Điều này càng thể hiện rõ nét khi đại dịch xảy ra, số lượng người sử dụng ví điện tử để thanh toán một số sử dụng gia tăng nhanh chóng.
Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Asia Plus tại Việt Nam, được thực hiện với 383 người dùng điện thoại từ 18 - 39 tuổi ở hai thành phố chính là Hồ Chí Minh và Hà Nội, hơn 50% người được khảo sát cho biết họ sử dụng các ứng dụng thanh toán để nạp thẻ cào điện thoại. Ngoài ra, họ cũng dùng để thanh toán một số dịch vụ như: Hóa đơn internet, điện, nước (41%), chuyển tiền đến bạn bè hoặc người thân (40%) và vé tại rạp chiếu phim (35%)…
Nắm bắt cơ hội này, nhiều ứng dụng thanh toán điện tử đã liên tục “chơi lớn” với các chương trình khuyến mãi thu hút khách hàng, như: Giảm giá trực tiếp, tặng thêm món ăn, thức uống tại các điểm giao dịch... Thậm chí, còn chi mạnh để tung các chương trình hoàn tiền lên đến 50%; giới thiệu thành viên nhận tiền triệu; giảm giá khi nạp thẻ điện thoại, thanh toán điện nước...

Người dân cần cẩn trọng khi nạp tiền vào các ứng dụng thanh toán điện tử
Thời gian gần đây, trên các diễn đàn mạng xã hội và nhiều tài khoản Facebook thường xuyên đăng tải, chia sẻ các bài viết, video quảng cáo, cá biệt có một cá nhân trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã tổ chức các buổi hội thảo để giới thiệu về ứng dụng thanh toán hộ có tên My aladdinz. Chức năng của ứng dụng là giúp thanh toán các hóa đơn điện, nước, học phí, bảo hiểm, chi phí sinh hoạt, trả góp ngân hàng, mua nhà, mua xe… với khả năng hoàn tiền lên đến 80% giá trị hóa đơn mua hàng. Người dùng thanh toán càng nhiều thông qua ứng dụng này sẽ được hoàn trả càng nhiều tiền hơn.
Để tham gia ứng dụng này, người dùng đăng ký tài khoản, điền các thông tin cá nhân và thông tin về người giới thiệu, đồng thời phải nạp tiền vào tài khoản của mình số tiền ít nhất là 100 USD (gần 2,4 triệu đồng) để sử dụng. Số tiền khi nạp vào tài khoản được quy đổi thành “gem”, mỗi “gem” tương ứng với 1 USD. Người dùng khi thanh toán hóa đơn bằng “gem” sẽ được ứng dụng hoàn trả 80% “gem” khi giao dịch hoàn thành, chứ không hoàn lại bằng tiền.
Ngoài hình thức thanh toán bằng “gem”, My Aladdinz còn dụ dỗ người tham gia đầu tư bằng cách cho ứng dụng này vay số “gem” họ có và sẽ trả lãi từ 0,1-0,2% mỗi ngày. Người tham gia nếu giới thiệu được nhiều người khác cùng sử dụng ứng dụng sẽ được chiết khấu hoa hồng theo từng cấp tương tự mô hình đa cấp…
Trước hiện tượng trên, Công an tỉnh Bình Phước đã có văn bản cảnh báo người dân khi nạp tiền vào ứng dụng này. Theo Công an tỉnh Bình Phước, về bản chất ứng dụng My aladdinz đang lấy tiền của người sau trả cho người trước và khi không có người tham gia mua “gem” nữa thì hệ thống sẽ sụp đổ và người tham gia khó có thể lấy lại số tiền đã đầu tư. Mặt khác, ứng dụng My Aladdinz chưa được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép.
Do đó, việc người dân đăng ký tham gia ứng dụng dẫn đến mất tiền hoặc bị đánh cắp dữ liệu cá nhân để sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp. Trước những rủi ro rất lớn bởi hình thức huy động vốn đa cấp của My Aladdinz, người dân cần cảnh giác và cân nhắc kỹ lưỡng khi tham gia đầu tư vào ứng dụng này.
Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 43 triệu tài khoản ngân hàng, nhưng chỉ có 10 triệu tài khoản ví điện tử. Rõ ràng, thị trường ví điện tử đang là “miếng bánh” hấp dẫn đầy tiềm năng chưa được khai phá.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang