Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 07/05/2024 | 19:41

Thứ ba, 07/05/2024 | 19:41

Tin KHCN

Cập nhật lúc 07:50 ngày 21/08/2020

Ngành Công Thương Quảng Nam: Tăng cường kiểm soát hàng hóa trong dịch Covid-19

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam về triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, qua theo dõi tình hình hoạt động tại các chợ, siêu thị, cửa hàng buôn bán trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã có các giải pháp đảm bảo nguồn cung hàng hóa, quản lý hoạt động mua bán kinh doanh ứng phó với dịch Covid-19.
Ngay sau khi dịch bùng phát trở lại tại Đà Nẵng, Quảng Nam và nhiều địa phương khác, Sở Công Thương Quảng Nam đã chủ động, lên phương án, đề xuất các giải pháp phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, về công tác triển khai tại các thị trường trên bàn tỉnh, Sở Công Thương đề nghị các địa phương trong tỉnh, ban quản lý, đơn vị quản lý chợ trên địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị quản lý chợ trên địa bàn, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, doanh nghiệp cung ứng lương thực đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Nam thực hiện việc vận chuyển cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng hóa, nhu yếu phẩm qua các chốt kiểm dịch và các biện pháp lưu thông hàng hóa qua các chốt kiểm tra trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
Theo ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Quảng Nam), các doanh nghiệp gặp khó khăn khi vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm từ TP. Đà Nẵng vào Quảng Nam cũng như lưu thông hàng hóa giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh. Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh có công văn gửi UBND TP. Đà Nẵng về việc tạo thuận lợi để vận chuyển hàng hóa, đảm bảo phục vụ nhu cầu cấp thiết của người tiêu dùng Quảng Nam. Ngành chú trọng theo dõi hoạt động kinh doanh hàng hóa thiết yếu tại các siêu thị, các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini nhằm nắm bắt tình hình thị trường, chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp pháp.
Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, Sở Công Thương thường xuyên giữ liên lạc với các ban quản lý, đơn vị quản lý chợ, tăng cường phổ biến các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, tuyên truyền liên tục trên loa phát thanh trước các khu vực chợ, giãn cách buôn bán tại chợ, đặt biển cảnh báo các lối ra vào chợ, thông báo đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn mới được vào chợ; đồng thời, chú trọng việc đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại khu vực ăn uống.

Người dân đeo khẩu trang đảm bảo an toàn khi mua bán tại chợ
Ngoài ra, chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện việc đeo khẩu trang giữa người mua và người bán xăng dầu, phân bổ lượng khách đến mua xăng dầu cho hợp lý. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tập trung đông người tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Sở Công Thương Quảng Nam cho hay, qua nắm tình hình thực tế tại các huyện, thị xã, thành phố hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, không có hiện tượng người dân mua tích trữ những mặt hàng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu; tình hình cung cầu thị trường ổn định, nhu yếu phẩm dồi dào, không có hiện tượng thiếu hàng hay tăng giá đột biến, đảm bảo hàng hóa đủ cung ứng cho người dân.
Ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam - cho biết, lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát theo địa bàn, lĩnh vực để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để đầu cơ, tăng giá, găm hàng, đối với các mặt hàng trang thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, vận chuyển, buôn bán các mặt hàng khẩu trang vải, khẩu trang kháng khuẩn trên thị trường, khống chế khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Các cơ sở kinh doanh phải thực hiện niêm yết giá, bán hàng đúng giá niêm yết và có đầy đủ chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
Về việc hoạt động tại các chợ trên địa bàn, tại chợ Hội An lượng khách đi mua sắm tại chợ thấp hơn 60% so với ngày thường do người dân ý thức được vấn đề dịch bệnh nên hạn chế ra đường. Các ngành hàng vải, giày dép, may hầu như không kinh doanh, các tiểu thương kinh doanh các mặt hàng rau củ quả, lương thực, thực phẩm nghỉ trên 50%. Các chợ Vĩnh Điện, Nam Phước, Ái Nghĩa, các chợ tại các huyện miền núi đều trầm lắng so với trước. Không có tư tưởng tập trung mua bán hàng hóa do ý thức được dịch bệnh.
Tại siêu thị Co.op Mart Tam Kỳ, hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng lương thực, thực phẩm dự trữ. Hàng hóa kinh doanh tại siêu thị phong phú đa dạng và dồi dào. Nguồn cung cấp lương thực thực phẩm đảm bảo.
Đồng thời, Sở Công Thương Quảng Nam cũng sẽ tiếp tục làm việc với hệ thống các siêu thị, hệ thống các nhà bán buôn, nhà phân phối hàng tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận để đảm bảo lượng hàng hóa cần thiết cho tỉnh và sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm của người dân trên địa bàn tỉnh.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang