Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 02/05/2024 | 13:43

Thứ năm, 02/05/2024 | 13:43

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:49 ngày 18/09/2020

Nam Định nâng chất cho sản phẩm OCOP

Sau 2 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo được sức lan tỏa, thu hút đông đảo doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của Nam Định tham gia đăng ký sản phẩm đánh giá, phân hạng; các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP không ngừng được nâng cao thương hiệu, giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ, gia tăng sản lượng sản xuất.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PT&NT) tỉnh Nam Định, đến hết năm 2019, toàn tỉnh Nam Định đã có 26 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 - 4 sao. Đến nay, toàn tỉnh đã có 62 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (từ 3 - 4 sao) của 29 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và hộ gia đình; trong đó có 18 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 44 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Ngoài ra, có 1 sản phẩm được lựa chọn đề cử tham gia bình chọn sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Chương trình OCOP của Nam Định đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng; tạo động lực thúc đẩy Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh phát triển.
Tính riêng đợt 1/2020, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh đã đánh giá, phân hạng 26 sản phẩm của huyện Hải Hậu. Theo đó, tỉnh đã quyết định phê duyệt và công bố kết quả, đánh giá, phân hạng và công nhận 26 sản phẩm OCOP với 1 sản phẩm đạt 4 sao, 25 sản phẩm đạt 3 sao.

Gian hàng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm OCOP tỉnh Nam Định tại một chương trình xúc tiến thương mại
Mới đây, tỉnh Nam Định đã tổ chức đánh giá, phân hạng đợt 2 năm 2020 cho 86 sản phẩm của 56 cơ sở sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh. Trong số 86 sản phẩm của 56 cơ sở sản xuất dự đánh giá, phân hạng, huyện Hải Hậu có 29 sản phẩm của 23 cơ sở; TP. Nam Định có 5 sản phẩm của 2 cơ sở; huyện Mỹ Lộc có 2 sản phẩm của 1 cơ sở; huyện Vụ Bản có 7 sản phẩm của 6 cơ sở; huyện Ý Yên có 14 sản phẩm của 6 cơ sở; huyện Nghĩa Hưng có 5 sản phẩm của 5 cơ sở; huyện Nam Trực có 4 sản phẩm của 2 cơ sở; huyện Trực Ninh có 9 sản phẩm của 6 cơ sở; huyện Xuân Trường có 5 sản phẩm của 2 cơ sở; huyện Giao Thủy có 6 sản phẩm của 3 cơ sở.
Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt này đều được các huyện, thành phố lựa chọn, xác định là sản phẩm tiêu biểu của địa phương và tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở phát triển sản xuất theo hướng chuyên sâu, nâng tầm chất lượng, mẫu mã đạt tiêu chuẩn nhằm tạo dựng thương hiệu chinh phục người tiêu dùng thị trường trong và ngoài nước.
Để đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh một cách khách quan, hội đồng đánh giá đã trực tiếp khảo sát tại 5 cơ sở sản xuất gồm: Công ty TNHH Kim Thành Hoa (TP. Nam Định) đăng ký đánh giá, phân hạng 2 sản phẩm kẹo sừu châu lạc, kẹo sừu châu vừng; Công ty TNHH Một thành viên sản xuất thương mại vận tải Minh Hằng, xã Quang Trung (Vụ Bản) đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm trà tươi hương chanh mật ong S24; Chi nhánh Công ty TNHH Du lịch Nam Hà, xã Minh Tân (Vụ Bản) đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm du lịch nông thôn Khu du lịch sinh thái núi Ngăm; Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên) đăng ký đánh giá, phân hạng 2 sản phẩm cà chua Toản Xuân, cải bó xôi Toản Xuân; hộ kinh doanh Nguyễn Văn Dũng, xã Yên Cường (Ý Yên) đăng ký đánh giá, phân hạng 2 sản phẩm dầu lạc nguyên chất An Nhiên, dầu vừng nguyên chất An Nhiên. Trên cơ sở đó, Hội đồng sẽ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh Nam Định cho 86 sản phẩm theo bộ tiêu chí chấm điểm.
Đặt mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP không chạy theo số lượng, mà tập trung vào chất lượng, Nam Định phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 300 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Theo đó, để triển khai bền vững Chương trình OCOP, thời gian tới, tỉnh Nam Định tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, cán bộ các cấp; lồng ghép Chương trình xây dựng NTM, Chương trình OCOP vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cùng với đó, tăng cường công tác tập huấn, nâng cao năng lực cho các chủ thể; đặc biệt là HTX, tổ hợp tác, mô hình cá nhân về thị trường, xúc tiến thương mại, khoa học kĩ thuật, kiến thức chung về chất lượng sản phẩm, bao bì, mẫu mã sản phẩm để từng bước hoàn thiện về chất lượng sản phẩm địa phương… đảm bảo hấp dẫn, phù hợp thị hiếu, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Tầm nhìn dài hạn, tỉnh cũng cần hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất liên kết với các vùng sản xuất nguyên liệu, nhân rộng quy mô các sản phẩm được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ ổn định. Tiếp tục hoàn thiện, nâng tầm chất lượng sản phẩm OCOP để có được niềm tin của người tiêu dùng, tạo tiền đề thúc đẩy Chương trình OCOP của tỉnh Nam Định tiếp tục phát triển.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang