Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 16/05/2024 | 14:41

Thứ năm, 16/05/2024 | 14:41

Tin KHCN

Cập nhật lúc 18:18 ngày 14/07/2013

Phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao

Ngày 8/7 tại TP.HCM, Hội tin học TP.HCM (HCA), Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TP.HCM và công ty TNHH ITO Việt Nam đã phối hợp tổ chức “Diễn đàn Quốc tế Phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao – TP.HCM 2013” nhằm chia sẻ, kết nối, hợp tác và phát triển giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam theo định hướng phát triển các chương trình công nghệ cao đến năm 2020 của Chính phủ.


Chia sẻ tại diễn  đàn, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội tin học TP.HCM cho rằng, nhiều năm trước, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao nước ta chủ yếu là lắp ráp, không tạo ra giá trị gia tăng trong sản phẩm, không có tác động lan tỏa cho doanh nghiệp nội địa, các doanh nghiệp trong ngành cũng chưa được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Hiện nay, Chính phủ và các Hiệp hội, Hội đã có những định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.

Theo đánh giá của các đại biểu tham gia diễn đàn, ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao Việt Nam thời gian gần đây nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ bằng nhiều chính sách ưu đãi từ Chính phủ nói chung và TP.HCM nói riêng. Kết hợp với thị trường về lĩnh vực vi mạch bán dẫn, điện tử, tin học… tại Việt Nam thì tiềm năng phát triển của lĩnh vực này rất lớn, đặc biệt là các công đoạn thiết kế và chế tạo là những công đoạn tạo ra chuỗi giá trị cao. Các diễn giả cho rằng đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt các công nghệ hiện đại, chính sách hỗ trợ và thời cơ để tham gia vào ngành sản xuất tương lai này.

Bà Nguyễn Thị Như Phương, Trưởng đại diện phía Nam Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết, từ năm 2005 đến nay, ngành điện tử có kim ngạch xuất khẩu đứng trong tốp 10 ngành xuất khẩu lớn nhất cả nước. Năm 2011 đã xuất khẩu được gần 11 tỷ USD và năm 2012 xuất khẩu được 20,5 tỷ USD với các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là linh kiện điện tử, máy tính, máy in, điện thoại di động, chip điện tử... Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực, nhưng với mức xuất khẩu tăng trưởng khá nhanh do thu hút được các dự án lớn từ nước ngoài, hiện nay Việt Nam được đánh giá là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư

Với 25 năm kinh nghiệm phát triển công nghệ hỗ trợ công nghệ cao trên thế giới ông Peter Opdahl – Chủ tịch tập đoàn ITO, chia sẻ: “Việt Nam là nước đang phát triển rất nhanh và có định hướng trở thành nước phát triển mạnh mẽ về kỹ thuật và công nghệ, chúng tôi nhìn thấy ở đây rất nhiều cơ hội. Mục tiêu của ITO là giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhận thấy cốt lõi vấn đề của bước di chuyển này. Điều quan trọng nhất mà ITO muốn đó là nhân tài bản địa sẽ hỗ trợ nền công nghiệp địa phương, càng địa phương hóa càng tốt, và sẽ giúp Việt Nam trở thành một nước có chuỗi cung ứng toàn diện các sản phẩm hỗ trợ công nghệ cao”.

Cũng tại Diễn đàn Quốc tế phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao – TP.HCM 2013 nhiều công nghệ hỗ trợ công nghệ cao tinh vi nhất trên thế giới hiện nay đã được trình diễn như Công nghệ hàn; Công nghệ phun, điều chế cho ngành điện, điện tử và vi mạch; Công nghệ kết nối ACF (phim dẫn điện dị hướng cùng các thiết bị, vật liệu cho ngành điện tử).

Lê Anh

lên đầu trang