Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 15:26

Chủ nhật, 28/04/2024 | 15:26

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:02 ngày 28/09/2020

Quản trị doanh nghiệp bền vững trong bối cảnh thay đổi

Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF 2020), sáng ngày 25/9/2020, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp với Deloitte Việt Nam, tổ chức Hội thảo chuyên đề: “Quản trị doanh nghiệp bền vững trong một xã hội đang thay đổi”, nhằm định hướng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực, trình độ, hiệu quả quản trị, phát triển bền vững.
Nâng cao năng lực, trình độ quản trị doanh nghiệp đối với khu vực tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chất lượng, hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, là định hướng quan trọng đã được Chính phủ đưa ra trong Quyết định 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019. Muốn có nền kinh tế phát triển bền vững, phải có cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững. Nền móng cho một doanh nghiệp phát triển bền vững là ở khâu quản trị doanh nghiệp. Năng lực quản trị doanh nghiệp càng tốt, thì khả năng ứng phó, chống chọi và phục hồi trong khủng hoảng, cũng như vươn lên nắm bắt các cơ hội kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế càng cao.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD, nhận định: “Thế giới đã có nhiều thay đổi nhanh, đòi hỏi mọi Chính phủ, mọi nền kinh tế, mọi doanh nghiệp cần phải không ngừng vận động, đổi mới để bắt kịp xu thế phát triển. Trong tiến trình đó, một hình thái phát triển đã được chấp nhận trên toàn cầu, đó là phát triển bền vững. Để đất nước phát triển bền vững, không thể thiếu sự đóng góp của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần phát triển bền vững để đảm bảo cho tương lai của chính mình. Muốn vậy, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị sản xuất, kinh doanh…”.

Ảnh minh họa
Theo bà Hà Thị Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam: Đại dịch Covid-19 đã trở thành thách thức lịch sử với các lãnh đạo doanh nghiệp. Làn sóng Covid-19 thứ hai quay trở lại Việt Nam vào thời điểm các doanh nghiệp đang bắt đầu lấy lại niềm tin về khả năng phục hồi, thì lại nhận một cú giáng mạnh vào tinh thần. Với sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các công ty tư vấn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có nền tảng quản trị doanh nghiệp tốt vẫn có thể đứng vững.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp kiến tạo một hệ thống quản trị tốt để có khả năng vượt qua khủng hoảng, bà Thanh cho biết, Deloitte đã đồng hành cùng VCCI xây dựng và phát hành cuốn Cẩm nang “ứng phó, phục hồi, phát triển” trong và sau khủng hoảng, giúp các doanh nghiệp đánh giá tình hình, nhận biết những tác động khi khủng hoảng xảy ra, hướng dẫn vận dụng các nguyên tắc lựa chọn chiến lược phát triển phù hợp với các nguy cơ thách thức và cơ hội, giữ vững phẩm chất cốt lõi của đội ngũ lãnh đạo, củng cố tín nhiệm của các bên liên quan với doanh nghiệp...
Bà Lê Thị Ngọc Mỹ - Giám đốc Phát triển bền vững của Công ty Heineken Việt Nam, một doanh nghiệp điển hình có chiến lược phát triển bền vững, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn với 5/6 nhà máy đã sử dụng 100% nhiệt năng tái tạo, 99% chất thải và phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế hầu như không phát sinh chất thải chôn lấp, 100% nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn an toàn trước khi trả về môi trường, chia sẻ: Heineken Việt Nam hiểu rõ vai trò kiến tạo những giá trị tích cực và bền vững, đồng thời cam kết duy trì sự thịnh vượng, nâng cao năng lực con người và gìn giữ môi trường. Trong giai đoạn đầy biến động của dịch Covid-19 vừa qua, sức khỏe và sự an toàn của nhân viên, sự phát triển của đối tác là ưu tiên quan trọng nhất của Heineken Việt Nam. Chiến lược phát triển bền đã giúp Heineken Việt Nam vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19 bằng việc ưu tiên thực hiện những biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân viên, hỗ trợ duy trì hoạt động kinh doanh của đối tác cũng như hỗ trợ cộng đồng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch VBCSD - cho biết: Để giúp các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững, VCCI-VBCSD đã xây dựng và phổ biến Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI). Đây là một công cụ quản trị doanh nghiệp tiên tiến, ưu việt, tập hợp các chỉ tiêu thiết yếu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường, mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần nắm bắt và thực hiện. Bộ chỉ số CSI cũng đã được lãnh đạo Chính phủ đánh giá cao và coi là một dữ liệu đầu vào quan trọng phục vụ cho việc đánh giá phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam.
Ông Vinh khuyến nghị, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần nghiên cứu CSI, từ đó áp dụng linh hoạt các tiêu chí của bộ chỉ số này vào các hoạt động lập kế hoạch, quản trị và vận hành sản xuất kinh doanh, từ đó nâng cao được năng lực, trình độ quản trị doanh nghiệp, thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế đầy biến động. Cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững sẽ góp phần vào việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang