Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 07:19

Thứ năm, 25/04/2024 | 07:19

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 09:56 ngày 28/09/2020

Đà Nẵng: 8/66 chợ truyền thống đạt chuẩn chợ an toàn thực phẩm

Qua 4 năm triển khai đề án “thành phố 4 an”, TP. Đà Nẵng đã tiến hành xử lý gần 2.000 trường hợp vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP), phạt tiền hơn 6 tỷ đồng; 99,35% cơ sở kinh doanh đã có giấy chứng nhận đủ tiều kiện ATTP, 8/66 chợ đạt chuẩn chợ ATTP, 269 siêu thị, cửa hàng tiện lợi đảm bảo đủ điều kiện ATTP.
Trong dịch Covid - 19, Đà Nẵng đã kiểm soát tốt việc đảm bảo ATTP tại các bếp ăn, nơi cung cấp suất ăn cho khu cách ly, bệnh viện, vừa đảm bảo phòng dịch, vừa đảm bảo ATTP
An toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) là một trong 4 nội dung chính trong đề án “thành phố 4 an” của Đà Nẵng (gồm: An ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội). Tại Hội nghị đánh giá thực hiện chương trình thành phố “5 không”, “3 có” và “4 an” gắn với thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TU về văn hóa, văn minh đô thị được tổ chức sáng nay 25/9, UBND TP. Đà Nẵng cho biết công tác đảm bảo ATTP tại thành phố trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực.
TP. Đà Nẵng đã ban hành các đề án kiểm soát ATTP nông sản; ATTP từ sản xuất đến tiêu dùng; Đề án quản lý thức ăn đường phố; ban hành bộ tiêu chí và mô hình xây dựng chợ đảm bảo an toàn thực phẩm,... Đã thí điểm thành lập Ban Quản lý (BQL) ATTP thành phố để kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề liên quan đến quản lý, đảm bảo ATTP.
Qua 4 năm triển khai (từ năm 2017 đến nay), các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành, Ban Quản lý ATTP thành phố đã tiến hành thanh, kiểm tra hơn 61.000 lượt cơ sở, xử lý gần 2.000 cơ sở, cá nhân vi phạm các quy định về ATTP, phạt tiền hơn 6 tỷ đồng.
Các lỗi vi phạm phổ biến chủ yếu là điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp trang thiết bị dụng cụ, vệ sinh cơ sở không đảm bảo ATTP; vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật không có nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch sản xuất, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP, bơm nước vào động vật trước khi giết mổ, giết mổ gia súc, gia cầm ở những địa điểm không được cơ quan chức năng cho phép... Đã xử lý triệt để không còn sử dụng vàng ô tạo màu cho măng, dưa, không phát hiện foocmol, chất quỳnh, hàn the, kháng sinh trong chế biến nem, chả, bún, thịt.
Đã có 8/66 chợ truyền thống được công nhận là chợ ATTP, tại các quầy hàng công nghệ thực phẩm, các tiểu thương đã sử dụng tem QR Code để khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Trước đây, các mẫu rau, trái cây trên thị trường thành phố tồn dư thuốc bảo vệ thực vật chiếm tỷ lệ từ 8-10% đến nay còn khoảng 1%. So với các mục tiêu đề ra của Chính phủ về ATTP thì tỷ lệ mẫu vượt mức cho phép/tổng số mẫu được kiểm tra ATTP phần lớn đều dưới 6%. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống (trừ hộ gia đình) đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 5.089/5.155 cơ sở đạt tỷ lệ 99,35% cơ sở được phân cấp quản lý (năm 2016 tỷ lệ này chỉ cho 79,5%), đã có 8/66 chợ đạt mô hình chợ đảm bảo ATTP (3/8 chợ ATTP là các chợ loại 1, còn lại là chợ cấp quận), 269 siêu thị, cửa hàng tiện ích đảm bảo đủ điều kiện ATTP.
Theo BQL ATTP TP. Đà Nẵng, riêng 9 tháng đầu năm 2020, BQL đã tiến hành thanh tra 1.104 cơ sở, phát hiện và xử lý 24 cơ sở kinh doanh vi phạm, xử phạt hành chính hơn 400 triệu đồng. Thực hiện lấy 442 mẫu thực phẩm giám sát ô nhiễm thực phẩm. Trong đó, 80 mẫu thủy sản kiểm tra chỉ tiêu kim loại nặng; 216 mẫu thực phẩm tại 24 chợ truyền thống trên địa bàn thành phố kiểm tra các chỉ tiêu về chất kích thích tăng trưởng, chất cấm, kháng sinh, độc tố nấm mốc, chỉ tiêu vi sinh vật; 114 mẫu rau, trái cây để kiểm tra chỉ tiêu tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật; 32 mẫu thực phẩm tại chợ và các cơ sở sản xuất thực phẩm. Qua xét nghiệm, phát hiện có 22 mẫu không đạt yêu cầu.
Kiểm tra, giám sát chất lượng bánh trung thu trong cao điểm mùa Trung thu 2020
Trong quá trình triển khai, công tác đảm bảo ATTP vẫn còn những hạn chế nhất định do cơ sở vật chất, điều kiện ATTP ở một số chợ, cơ sở giết mổ, các chợ đầu mối chưa đáp ứng theo quy định, các dịch vụ thức ăn đường phố, tiệc cưới lưu động thường xuyên thay đổi địa điểm hoạt động chủ yếu vào ban đêm, sáng sớm hoặc ngày nghỉ gây khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát; hơn 80% sản lượng rau quả, thủy sản, thịt được nhập từ bên ngoài vào thành phố qua nhiều khâu trung gian, phân phối, thường xuyên thay đổi nhà cung cấp nên việc quản lý và giám sát ATTP theo chuỗi cung ứng gặp khó khăn.
Đến năm 2025, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu 100% người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và trên 80% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng các quy định về ATTP; 100% cơ sở sản xuất ban đầu, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở giết mổ, chợ đầu mối nông sản, cảng cá đủ điều kiện đảm bảo ATTP từng bước nâng cao tiêu chuẩn đảm bảo ATTP, áp dụng các hệ thống quản lý ATTP tiên tiến; Tăng cường phòng, chống ngộ độc thực phẩm, hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra trên địa bàn; không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính từ 30 người mắc trở lên được ghi nhận; giảm số vụ ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ; điều tra, xử lý kịp thời 100% vụ ngộ độc thực phẩm được báo cáo; khống chế tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận dưới 6 người/100.000 dân.
Ban Quản lý ATTP TP. Đà Nẵng lấy mẫu thực phẩm ngẫu nhiên để xét nghiệm các chỉ tiêu vi sinh vật
Để thực hiện mục tiêu trên, TP. Đà Nẵng sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp trọng tâm gồm triển khai Ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi, kiểm soát ngẫu nhiên đối với các doanh nghiệp thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc, xác định mức độ an toàn của thực phẩm; Quy hoạch đầu tư hạ tầng Khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tổ chức thực hiện các quy hoạch vùng chăn nuôi, sản xuất rau an toàn để chủ động sản xuất, cung ứng thực phẩm tại chỗ; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định, kiến thức về ATTP phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền người quản lý, người sản xuất và người tiêu dùng; Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng ATTP và xử lý vi phạm. Thường xuyên kiểm tra các điều kiện đảm bảo ATTP về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ, chợ đầu mối.
Theo: Báo Công Thương

lên đầu trang