Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 07:25

Thứ sáu, 26/04/2024 | 07:25

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 10:31 ngày 01/09/2020

Bình Dương: Chợ truyền thống - Hướng tới văn minh để phục vụ khách hàng

Hình thành văn minh thương mại (VMTM) ở các chợ truyền thống là việc làm thiết thực, không những góp phần giúp tiểu thương buôn bán lịch sự mà còn nâng chất bộ mặt thương mại truyền thống cho địa phương. Thế nhưng, với nhiều tiểu thương tại các chợ, VMTM chưa được lưu tâm đúng mức.
Bên cạnh những tiêu chí về cơ sở hạ tầng, tiểu thương ở các chợ truyền thống cần nâng cao ý thức về văn minh thương mại. Trong ảnh: Ngành chức năng kiểm tra cân của các tiểu thương tại chợ Thủ Dầu Một
Phải coi trọng chữ tín
Tính đến nay, toàn tỉnh có 106 chợ, 5 trung tâm thương mại (TTTM), 12 siêu thị và hơn 200 cửa hàng tiện ích. Con số này cho thấy chợ truyền thống chiếm một số lượng khá lớn. Nhìn chung, chợ có hàng hóa đa dạng, giá cả phù hợp, môi trường mua bán gần gũi. Bên cạnh đó, thời gian qua nhiều tiểu thương trong các chợ đã tự nâng chất lượng giao tiếp với khách, phục vụ tương đối tốt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại xung quanh văn hóa ứng xử, cân đo đong, giá cả, chất lượng hàng hóa...
Chia sẻ kinh nghiệm khi bị tiểu thương hành xử theo lối xem thường khách hàng, chị Nguyễn Thị Phương Thảo, phường Dĩ An, TP.Dĩ An, kể một lần chị ghé chợ Dĩ An, sau khi không thống nhất được thỏa thuận giá cả đôi giày, chị đã bị tiểu thương chửi nặng. Chị nói, hàng hóa bày bán ở chợ này khá phong phú. Tuy nhiên, tôi rất ít khi mua sắm vì nhiều quầy hàng hét giá cao so với giá thực tế khiến người mua không biết trả giá ra sao. “Trả thấp quá, người ta chửi, mà trả cao thì mình bị mua hớ”, chị Thảo chia sẻ.
Là người nội trợ, bản thân chị Lê Thị Thắm, ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một ý thức cao trong việc gian lận về trọng lượng của tiểu thương. Sau mỗi chuyến đi chợ, chị thường đem thực phẩm đã mua về cân lại. Tuy nhiên, dù cảnh giác đến mấy, chị Thắm vẫn bị “móc túi” một cách tinh vi. Mới đây, khi đi làm về chị ghé điểm bán trái cây trên đường Đinh Bộ Lĩnh để mua. Chị bán hàng đon đả bảo đảm “bao cân đủ”, nếu thiếu tặng thêm 0,5kg đã thuyết phục chị mua hàng. “Tôi bỏ ra 240.000 đồng mua 4kg sầu riêng loại ngon. Về cân lại chỉ còn 3,5kg. Ngẫm nghĩ, người bán đã bán rẻ uy tín và không đáng bao nhiêu nên tôi bỏ qua, nhưng tự dặn lòng sẽ không bao giờ mua chỗ ấy nữa”, chị Thắm nói .
Trên đây là một trong số rất nhiều tình huống người tiêu dùng than phiền đi chợ mua thực phẩm thường hay bị cân thiếu nhưng vì số lượng nhỏ nên họ chẳng muốn làm lớn chuyện. Những tồn tại trong cung cách ứng xử thiếu văn minh của một bộ phận tiểu thương trong chợ như thách giá, bán hàng không đúng chất lượng hay không đủ trọng lượng đã khiến không ít người mua có tâm lý e ngại. Đó là chưa nói đến các yếu tố khác như tiểu thương quát tháo khách hàng, lối đi chật hẹp, rác thải… đã vô tình làm mất điểm của chợ truyền thống trong mắt khách hàng.
Giữ chân khách hàng
Chợ truyền thống là địa điểm buôn bán thuận tiện, gần gũi với người dân, có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa. Vì vậy, trong những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại các chợ. Ngoài ra, địa phương còn thực hiện rất nhiều điều kiện khác như cách bố trí, sắp xếp các gian hàng, tuyên truyền tiểu thương học kỹ năng giao tiếp, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết nhằm xây dựng tiêu chuẩn VMTM.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại khiến sức mua tại chợ trong 5 năm gần đây ngày càng sụt giảm. Chị Mười, tiểu thương quầy thịt heo tại chợ Thủ Dầu Một, chia sẻ: “Tôi bán hàng tại chợ đã gần 20 năm. Trước kia người dân chủ yếu mua hàng ở chợ, nhưng nay xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng tiện ích, siêu thị, TTTM, bán hàng qua mạng. Trong sự cạnh tranh đó, nếu như tiểu thương chợ truyền thống không thay đổi, vẫn giữ thói quen nói thách, bán không đúng giá, thái độ thiếu hòa nhã… thì khó giữ khách”.
Theo ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, để chợ truyền thống giữ được súc hút và phát triển phù hợp với xã hội hiện đại, văn minh, những năm qua Bình Dương đã thực hiện các tiêu chí xây dựng VMTM tại các chợ trên địa bàn, như huy động nhiều nguồn lực để chỉnh trang cơ sở hạ tầng, bảo đảm về điều kiện an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện, hòa nhã giữa tiểu thương với người dân. Ngoài ra, tiểu thương còn phải thực hiện niêm yết giá các mặt hàng và bán theo giá niêm yết, không bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không lấn chiềm lòng lề đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh…
Tuy vậy, khi khảo sát, vấn đề an toàn thực phẩm, môi trường và các hình thức niêm yết giá vẫn chưa thực hiện tốt. Vì vậy, theo ông Bình, cùng với những biện pháp về quản lý nhà nước, những buổi tập huấn, tọa đàm, tuyên truyền, vận động về văn hóa ứng xử cho các tiểu thương sẽ góp phần xây dựng chợ ngày càng văn minh, an toàn và thân thiện. Theo ông Bình, để xây dựng hình ảnh chợ văn minh vẫn cần đến ý thức của tiểu thương. “Các ban quản lý chợ, tổ ngành hàng và các tiểu thương cần tự thay đổi cách thức bán hàng, ứng xử với khách hàng một cách tinh tế, góp phần thu hút người tiêu dùng đến với chợ truyền thống”, ông Bình nói.
Theo Báo Bình Dương
lên đầu trang