Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 16/05/2024 | 08:42

Thứ năm, 16/05/2024 | 08:42

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 13:40 ngày 16/09/2014

Nâng cao năng suất chất lượng ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ

Sáng 16-9, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội cơ khí Việt Nam và Trung tâm Phát triển doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ tổ chức Hội thảo về các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa cho các doanh nghiệp ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ. 

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo nhằm phổ biến một cách rộng rãi các hoạt động về năng suất chất lượng của ngành Công Thương, giới thiệu các hệ thống quản lý hiện đại, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến, phù hợp cho các doanh nghiệp ngành cơ khí và công nghiệp. Đây cũng là hoạt động trong khuôn khổ của Dự án Nâng cao năng suất chất lượng và sản phẩm hàng hóa của ngành công nghiệp.

Bà Phạm Thu Giang- Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, bà Phạm Thu Giang- Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương bày tỏ hy vọng thông qua Hội thảo, các doanh nghiệp có cơ hội được hỗ trợ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm ngành trong bối cảnh hội nhập.

Ông Đào Phan Long- Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam nhận định, năng suất chất lượng là sự tồn vong của doanh nghiệp. Nâng cao năng suất chất lượng là con đường giúp doanh nghiệp tồn tại và cạnh trạnh.

Ông Đào Phan Long- Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam ''Năng suất chất lượng là sự tồn vong của doanh nghiệp"

Hội thảo cũng ghi nhận tham luận của các chuyên gia trong lĩnh vực năng suất chất lượng và kinh nghiệm áp dụng, triển khai các tiêu chuẩn nâng cao năng suất chất lượng của các doanh nghiệp.

Bà Trương Chí Bình- Giám đốc Trung tâm phát triển doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ chia sẻ những vấn đề nội tại mà nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang phải gặp phải, khiến năng suất chất lượng chưa cao. Đó là do năng lực quản lý kinh doanh của doanh nghiệp còn yếu, nguồn nhân lực chưa được chú trọng phát triển và trang thiết bị máy móc vẫn còn lạc hậu.

Hiện, các doanh nghiệp Việt Nam đang nhận được sự hỗ trợ từ các tình nguyện viên cao cấp của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trong Dự án phát triển công nghiệp phụ trợ.  Tính đến nay, các cơ quan đối tác của Việt Nam và JICA đã triển khai 354 cải tiến. Trong đó có cải tiến quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, kỹ thuật, 3S/5S…

Ông Nguyễn Đình Vinh- Chuyên gia năng suất chất lượng, Viện Năng suất Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã trình bày tham luận về thực trạng về các doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam. Theo ông, năng suất chất lượng của các doanh nghiệp cơ khí trong nước không ổn định, khiến chi phí sản xuất kinh doanh cao.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Vinh khuyến cáo các doanh nghiệp cần chủ động lựa chọn và áp dụng các mô hình quản lý, công cụ cải tiến năng suất phù hợp. Trong đó, vấn đề mấu chốt cần đạt được là các kết quả, hiệu quả về năng cao năng suất, giảm thời gian thực hiện công việc, giảm nhân lực thực hiện và giảm sai sót…Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể tham gia Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” để nhận được hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, áp dụng mô hình điểm và những kinh nghiệm tham khảo.

Hải Yến

 

lên đầu trang