Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 06:34

Thứ bảy, 27/04/2024 | 06:34

Chính sách

Cập nhật lúc 13:44 ngày 18/10/2020

Siết chặt kiểm soát hoạt động cho vay trực tuyến

Từ năm 2019 đến nay, tỷ lệ khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng liên quan đến giao dịch cho vay trực tuyến (online) chiếm tới 20%. Có thể thấy, tín dụng đen đang trở thành vấn nạn cần đẩy lùi.

Các app cho vay tiền trực tuyến nhiều như nấm mọc sau mưa. Ảnh: T.U
Nhiều người tiêu dùng trở thành nạn nhân tín dụng đen

Trong những năm gần đây, bên cạnh sự phát triển của các công ty tài chính, thị trường tài chính Việt Nam ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình cho vay trực tuyến. Nhắm vào nhu cầu vay tiêu dùng nhanh, nhiều công ty, nhất là các ứng dụng cho vay online đã thả sức cho vay với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh, gọn… do đó, đã và đang thu hút rất nhiều người tiêu dùng sử dụng.
Tuy nhiên, cùng với những ưu điểm và thế mạnh, các giao dịch trong lĩnh vực cho vay trực tuyến đã phát sinh một số vấn đề rất nghiêm trọng, thậm chí là lừa đảo. Nhiều người tiêu dùng đã rơi vào bẫy tín dụng đen và nếu không trả được thì sẽ phải chịu lãi suất "cắt cổ" và những hình thức đòi nợ "khủng bố"…
 
Chia sẻ với phóng viên TBTCO, chị Hà Thị Thủy (Thái Bình) cho biết, cách đây một năm do cần tiền gấp để giải quyết công việc, chị đã tìm đến app vay tiền online. Chị vay 10 triệu đồng với thủ tục vay khá đơn giản chỉ cần chứng minh thư nhân dân và hình ảnh. “Không ngờ đây chính là bẫy giăng nặng lãi. Mình ngày càng lún sâu vào các khoản vay ở các app khác để trả các khoản lãi mẹ đẻ lãi con. Dần dà mình phải vay tới hơn chục app như Tamo, Govay, Diva…với tổng số tiền lên đến gần 200 triệu đồng. Do không thể chi trả các khoản nên các đối tượng cho vay thường xuyên nhắn tin, gọi điện cho mình và người thân chửi bới, đe dọa…” - chị Thủy cho biết.
Theo số liệu Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) vừa cung cấp, trong giai đoạn 2019 - 2020, tỷ lệ khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng liên quan đến giao dịch cho vay trực tuyến chiếm từ 15 – 20% tỷ lệ phản ánh, khiếu nại trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Đáng chú ý là phần lớn nội dung phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến các hành vi như cung cấp thông tin về dịch vụ không chính xác, không đầy đủ, gây nhầm lẫn, hiểu nhầm cho người tiêu dùng; lãi suất, phí vay cao; hình thức nhắc nợ, đòi nợ kèm theo quấy rối, đe dọa, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, tâm lý của người tiêu dùng. Thậm chí, có hiện tượng quấy rối, đe dọa người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người tiêu dùng để gây áp lực thu hồi nợ. Một số vụ việc có dấu hiệu liên quan đến hoạt động đòi nợ biến tướng, có dấu hiệu của hoạt động “xã hội đen”.
Sau dịch, nhu cầu vay cao, “tín dụng đen” tăng mạnh
Trước thực trạng phát sinh các vụ việc có dấu hiệu vi phạm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, trong thời gian qua, Bộ Công thương đã tập trung xử lý kịp thời và nhanh chóng hỗ trợ giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Đồng thời, bộ chủ động đăng tải các nội dung lưu ý, cảnh báo, khuyến cáo người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch vay tiền trực tuyến; chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan để cung cấp, trao đổi thông tin và phối hợp thực hiện các hoạt động.
Mặc dù thống kê cho thấy, số lượng khiếu nại, phản ánh về các giao dịch trực tuyến có xu hướng giảm. Trong quý 3 năm 2020, tỷ lệ khiếu nại, phản ánh về giao dịch cho vay trực tuyến chỉ chiếm 12% trong tổng số khiếu nại, phản ánh của lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trong thời gian tới, trước bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu vay tiền của người tiêu dùng sẽ tăng cao, hoạt động cho vay online sẽ diễn ra mạnh mẽ, tín dụng đen gia tăng. Do đó, từ nay đến cuối năm, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kiểm soát hoạt động cho vay trực tuyến...nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, hoạt động cho vay trực tuyến, tín dụng đen diễn ra ngày càng tinh vi, khó kiểm soát nên để có thể ngăn chặn được đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt và sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của nhiều bộ, ngành, đơn vị chức năng
Ngoài ra, bộ này cũng cho biết hiện đang chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành trong việc chia sẻ thông tin và phối hợp thực hiện các hoạt động nhằm hoàn thiện khung chính sách, cơ chế quản lý hoạt động của các mô hình cho vay trực tuyến.
Bên cạnh sự kiểm soát của cơ quan quản lý, người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ về việc sử dụng dịch vụ vay tiền trực tuyến, cảnh giác, tránh giao dịch với các đơn vị trá hình, tín dụng đen núp bóng.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, người tiêu dùng cần lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có thể hiện đầy đủ thông tin; website hoặc ứng dụng cho vay phải thể hiện rõ các thông tin, tài liệu liên quan đến giao dịch.
Đặc biệt, để tránh phát sinh nằm ngoài dự kiến, người tiêu dùng cần biết rõ các mức lãi suất, mức phí và chi phí có thể phát sinh trong những trường hợp cụ thể và lưu giữ thông tin để có cơ sở đối chiếu khi phát sinh tranh chấp về sau./.
Tố Uyên (Thời báo Tài chính Việt Nam)
lên đầu trang