Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 04/05/2024 | 13:35

Thứ bảy, 04/05/2024 | 13:35

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:59 ngày 23/10/2020

Dấu ấn phát triển Hệ tri thức Việt số hóa

Thời gian qua, Hệ tri thức Việt số hóa được tiếp tục phát triển và khai thác sâu để trở thành hệ sinh thái số do người Việt làm chủ. Đặc biệt, việc ra mắt một loạt các nền tảng số trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa.  
Đề án Chính phủ “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” được triển khai từ năm 2018, với mục tiêu xây dựng nền tảng dữ liệu và phổ biến tri thức trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, tạo điều kiện để cộng đồng tham gia đóng góp, chia sẻ và khai thác, tạo ra các ứng dụng số phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống. Sau một thời gian triển khai, với sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, viện, trường và doanh nghiệp, Đề án đã xây dựng được nền tảng số trong các lĩnh vực nhân đạo, giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch, bưu chính… cho phép kết nối cộng đồng, chia sẻ dữ liệu, cùng chung tay triển khai các hoạt động vì lợi ích của toàn xã hội, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác mời cộng đồng tham gia Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam
Trong năm 2019, hai nền tảng số đầu tiên là nền tảng Nhân đạo số (iNhandao) và Bản đồ số Vmap đã ra mắt, được cộng đồng đón nhận và từng bước ứng dụng trong thực tiễn. Tháng 10/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các đơn vị tham gia Đề án tổ chức Chương trình “Kết nối triệu con tim” phát động Chiến dịch thiện nguyện trên nền tảng số iNhandao và ra mắt một loạt nền tảng số mới: Bản đồ chung sống an toàn Covid (antoancovid.vn), Nền tảng giáo dục số (iGiaoduc.vn), Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam (bktt.vn).
Với bản đồ chung sống an toàn Covid, hệ thống bao gồm các tiện ích trên nền tảng bản đồ số Việt Nam (vmap.vn) để thể hiện thời gian thực về tình hình an toàn phòng, chống dịch của các cơ sở đông người, trước mắt là trường học và cơ sở y tế. Các đơn vị này hàng ngày kiểm tra và cam kết đã hoàn thành các tác vụ (theo hướng dẫn của Bộ Y tế) về phòng, chống dịch; đồng thời cho phép người dân phản hồi nếu phát hiện những điểm chưa đúng. Mỗi cơ sở sẽ sử dụng ứng dụng AntoanCovid hàng ngày và thường kỳ để bảo đảm việc giám sát điều kiện an toàn Covid được thực hiện thường xuyên, liên tục, minh bạch.
Bản đồ chống dịch được triển khai toàn diện sẽ hỗ trợ cơ quan quản lý trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời tạo sự yên tâm cho cộng đồng khi thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch…
Nền tảng giáo dục số, hỗ trợ với mục tiêu ban đầu là tạo ra một nền tảng Kho học liệu số trực tuyến nhằm thu thập, lựa chọn, chia sẻ học liệu số dùng chung phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trong các nhà trường; cung cấp nguồn học liệu số phong phú, tin cậy góp phần triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, đặc biệt phục vụ dạy học trực tuyến; đồng thời giúp nâng cao năng lực số cho giáo viên về biên soạn, xây dựng và sử dụng học liệu số có hiệu quả. Hệ thống cũng cho phép cộng đồng tham gia biên soạn, đóng góp học liệu số lên kho dùng chung.
Kho học liệu số trực tuyến là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy và nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến của ngành giáo dục trong thời gian tới. Với những bài giảng e-learning sinh động, học sinh ở những khu vực còn khó khăn được học những bài giảng của thầy cô dạy giỏi ở thành thị, mang lại sự công bằng trong tiếp cận nội dung giáo dục có chất lượng của người học giữa các vùng miền. Đến nay, dự án đã hoàn thành phần mềm nền tảng thu thập và chia sẻ dữ liệu trên địa chỉ igiaoduc.vn và cập nhật gần 5.000 bài giảng e-learning (do giáo viên xây dựng), hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông… Hệ thống cũng đã tích hợp tài khoản người dùng đặt theo mã định danh từ cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; cấp tài khoản cho hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước để tham gia đóng góp, chia sẻ và khai thác sử dụng.
Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam với mục tiêu tạo ra môi trường mà tại đó các nhà khoa học của các tổ chức nghiên cứu khoa học và đào tạo, tham gia biên soạn các mục từ theo lĩnh vực chuyên môn sâu của mình trong Bảng mục từ đã được Ban Chủ nhiệm Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam xác lập. Bách khoa toàn thư Việt Nam sẽ là bộ sách tổng hợp tri thức của Việt Nam và thế giới, được biên soạn theo một hệ thống, nhằm cung cấp tri thức cho thế hệ hôm nay và truyền lại cho các thế hệ mai sau.
Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” được phê duyệt theo Quyết định số 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong những hoạt động cụ thể nhằm triển khai Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo Báo Kinh tế Việt Nam
lên đầu trang