Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 08/05/2024 | 11:01

Thứ tư, 08/05/2024 | 11:01

Tin KHCN

Cập nhật lúc 20:56 ngày 25/10/2020

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Nhiều sản phẩm đi vào đời sống

TP. Hồ Chí Minh xây dựng tầm nhìn đến năm 2030, trong đó ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh, bền vững.  
Đến nay, nhiều sản phẩm ứng dụng AI từ Hội thi giải pháp ứng dụng AI trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm 2020 trong sản xuất, kinh doanh, đã được ứng dụng trong các lĩnh vực giao thông, tài chính, y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp, phục vụ cộng đồng xã hội. Nhiều sản phẩm đã được thương mại hóa, sẵn sàng chuyển giao, ứng dụng vào thực tế.
Hệ thống AI xác định sức khỏe cây trồng bằng máy bay không người lái
Giải pháp Lắng nghe mạng xã hội (CMC Social Listening - CSL) là công cụ để nắm bắt các kênh truyền thông mạng xã hội, với mục đích đưa ra mức độ ảnh hưởng của thương hiệu, doanh nghiệp (DN), các chiến dịch sản phẩm. Đây là sản phẩm của Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC phát triển, bằng việc ứng dụng AI xử lý ngôn ngữ tự nhiên kết hợp với mô hình đồ thị tri thức, xử lý ảnh và đồ thị xác suất.
Hay giải pháp Tự động hóa quy trình đăng ký khám chữa bệnh LV- PAR của Công ty CP Tin học Lạc Việt. Khi ứng dụng giải pháp này, hệ thống giúp người bệnh tự chọn chuyên khoa và đăng ký bác sĩ. Đến bệnh viện, người khám bệnh tự kiểm tra thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), trả phí đăng ký, in phiếu đợi… Với ứng dụng từ AI, Lạc Việt xây dựng hệ thống nói trên với ứng dụng xử lý ngôn ngữ tiếng Việt, công nghệ chatbot và có ứng dụng nhận diện khuôn mặt, điện toán đám mây và di động để tiện cho các đơn vị khai thác, vận hành. Hệ thống Tự động hóa quy trình đăng ký khám, chữa bệnh LV-PAR còn có khả năng liên kết với cổng BHYT quốc gia, tích hợp với các hệ thống quản lý bệnh viện và kết nối với ứng dụng không dùng tiền mặt.
Với hệ thống AI xác định sức khỏe cây trồng bằng máy bay không người lái (Drone) của Công ty MiSmart giúp phát hiện điểm bị sâu bệnh và qua các thuật toán AI. Drone sẽ phun thuốc trừ sâu đúng chỗ cây trồng bị sâu bệnh. Hệ thống AI của MiSmart cũng ghi nhớ phần diện tích cây trồng đã bị phun thuốc trừ sâu để khi thu hoạch, sẽ đánh dấu khu vực nông sản bị phun thuốc, góp phần đảm bảo nguồn gốc nông sản, xây dựng sản phẩm nông nghiệp sạch.
Theo ông Phạm Thanh Toàn - Giám đốc MiSmart - Drone của MiSmart không chỉ ứng dụng trong nông nghiệp mà còn có thể ứng dụng trong đo đạc bản đồ, số hóa bản đồ với sự hỗ trợ đắc lực từ các thế hệ Drone thông minh, thực hiện hoạt động cứu hộ, hỗ trợ cứu hộ tại các địa hình phức tạp, nguy hiểm với các loại máy bay điều khiển từ xa. Việc quản lý rừng hay trên diện tích đất rộng lớn cũng có thể thực hiện thông qua Drone. Hiện phần mềm ứng dụng AI cho Drone quản lý rừng do MiSmart thiết kế cũng đã được hoàn thiện.
Mô hình AI xử lý thông tin giao thông của Học viện Hàng không Việt Nam là giải pháp AI với Deep learning, có thể kết nối với camera giám sát trên đường phố, giúp phát hiện các phương tiện đi trên đường và có khả năng theo vết, thông tin số lượng phương tiện tham gia giao thông, mật độ phương tiện giao thông. Dựa vào đó, hệ thống có thể đưa ra dự báo kẹt xe ở khu vực nào để có giải pháp kịp thời; đồng thời có thể dựa vào mật độ xe để tính toán thời gian bật/tắt đèn đỏ phù hợp tại các nút giao giao thông lớn, giúp điều tiết giao thông tốt hơn. Giải pháp có thể theo vết phương tiện trên cao tốc, tính toán vận tốc và bắt lỗi vượt quá tốc độ mà không cần lực lượng quản lý giao thông phải ra trực tiếp ngoài hiện trường.
Để giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông, “Ứng dụng hỗ trợ lái xe an toàn” sẽ cảnh báo tài xế khi xe của họ lấn làn đường, cảnh báo khi gặp biển báo giao thông, từ đó có thể tránh được các vụ tai nạn đáng tiếc. Ứng dụng có hai chức năng chính: Nhận diện biển báo giao thông và phát hiện làn đường trong thời gian thực. Bằng AI, ứng dụng có thể nhận diện biển báo giao thông từ xa, phát hiện làn đường chính xác. Hiển thị các kết quả lên màn hình và thông báo đến người lái xe qua âm thanh, giao diện trực quan và dễ sử dụng. Ứng dụng được tích hợp lên một KIT nhỏ gọn thuận tiện cho việc thiết kế và lắp đặt vào xe.
TP. Hồ Chí Minh với tiềm lực khoa học - công nghệ từ các trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ sở tổ chức liên quan, khả năng thương mại tại chỗ với hơn 10 triệu cư dân và 30.000 DN, thành phố đặt mục tiêu hình thành hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo, trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nghiên cứu phát triển với DN triển khai, dưới sự lãnh đạo, khuyến khích, đặt hàng từ chính quyền và các sở, ban, ngành.
Theo: Kinh tế Việt Nam
lên đầu trang