Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 16/05/2024 | 10:05

Thứ năm, 16/05/2024 | 10:05

Tin KHCN

Cập nhật lúc 15:45 ngày 04/10/2014

Đổi mới công nghệ để nâng cao lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp

Với sự phát triển nhanh chóng của KH&CN và hội nhập quốc tế thì vòng đời của công nghệ ngày càng rút ngắn, do đó việc đổi mới công nghệ để đáp ứng yêu cầu sản xuất và thị trường, bảo đảm khả năng cạnh tranh là yêu cầu bức thiết của các doanh nghiệp (DN) hiện nay.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Trong thời gian qua, Nhà nước, Chính phủ cùng các bộ ngành đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách khuyến khích việc chuyển giao công nghệ (CGCN) và đổi mới công nghệ. Cụ thể như: Pháp lệnh CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam ngày 10/12/1988; Nghị định số 49/NĐ/HĐBT ngày 4/3/1991 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết việc thi hành pháp lệnh CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam; Nghị định 45/1998/NĐ-CP ngày 1/7/1998 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng CGCN; Nghị định số 16/2000/NĐ-CP ngày 10/5/2000 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về CGCN; Thông tư số 11/2002/TT-BKHCN ngày 29/11/2002 của Bộ KH&CN hướng dẫn việc bãi bỏ phê duyệt hợp đồng CGCN; Luật CGCN được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2007;  Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật CGCN… Đặc biệt, trong Luật CGCN có các nội dung khuyến khích chuyển giao và đổi mới công nghệ. Công nghệ được khuyến khích chuyển giao là công nghệ cao, công nghệ tiên tiến đáp ứng một trong các yêu cầu như tạo ra sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao; tạo ra ngành công nghiệp, dịch vụ mới; tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu; bảo vệ sức khỏe con người; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; sản xuất sạch, thân thiện môi trường…

Bên cạnh đó, các chương trình đổi mới công nghệ quốc gia nhằm thực hiện các mục tiêu nâng cao năng lực công nghệ quốc gia, hiệu quả hoạt động CGCN; phục vụ chương trình kinh tế trọng điểm quốc gia; tạo điều kiện thuận lợi cho DN vừa và nhỏ thay thế công nghệ lạc hậu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, làm chủ công nghệ được chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam... Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia ra đời nhằm hỗ trợ DN vừa và nhỏ chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ được khuyến khích chuyển giao. Bên cạnh đó, Nhà nước còn hỗ trợ ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN công nghệ…

Để thúc đẩy hoạt động CGCN, Luật KH&CN cũng đã đưa ra nhiều chính sách như: miễn thuế thu nhập cho tổ chức, cá nhân góp vốn bằng bằng sáng chế, công nghệ; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ, bao gồm máy móc, thiết bị trong nước chưa sản xuất được, công nghệ trong nước chưa tạo ra được. Cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất được miễn thuế thu nhập DN cho phần thu nhập tăng thêm trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 7 năm tiếp theo. DN đầu tư đổi mới công nghệ có tiếp nhận công nghệ thuộc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao được miễn thuế thu nhập trong 4 năm với điều kiện tổng giá trị miễn thuế không vượt quá 50% tổng kinh phí đầu tư cho đổi mới công nghệ.

Đặc biệt, DN ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, khi thực hiện dự án đầu tư có tiếp nhận công nghệ được hưởng nhiều ưu đãi như miễn thuế thu nhập DN 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa phục vụ việc thay thế, đổi mới công nghệ và nguyên liệu, vật tư, linh kiện dùng để sản xuất trong thời hạn 5 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất theo công nghệ mới.

Doanh nghiệp cần chủ động

Thực tế cho thấy, xúc tiến đổi mới công nghệ trong DN là một quá trình liên tục và lâu dài, đòi hỏi phải phối hợp giải quyết đồng thời nhiều yếu tố có liên quan như ban hành cơ chế chính sách phù hợp, môi trường thực thi pháp luật minh bạch, xác định rõ nhu cầu sản phẩm mới, tìm kiếm giải pháp công nghệ tối ưu, tìm nguồn tài chính để thực thi dự án, xác định nhu cầu của thị trường...

Trong đó, Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích phát triển thị trường công nghệ. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thị trường công nghệ như sàn giao dịch công nghệ; chợ công nghệ và thiết bị, triển lãm công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN công nghệ và các loại hình khác. Công bố, phổ biến, trình diễn, giới thiệu công nghệ và tham gia chợ, hội chợ, triển lãm công nghệ trong nước và nước ngoài... Khuyến khích phát triển tổ chức dịch vụ CGCN. Đồng thời, khuyến khích DN ứng dụng, đổi mới công nghệ, khuyến khích người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài CGCN vào Việt Nam...

Để thực hiện đổi mới công nghệ đạt hiệu quả cao, các DN cần có định hướng phát triển bởi đây là yêu cầu rất quan trọng đối với DN. Những DN đổi mới công nghệ nhanh và hiệu quả là những DN luôn có mục tiêu mở rộng, phát triển và chủ động lập kế hoạch phát triển lâu dài. Ngoài ra, DN cập nhật những thành tựu mới về công nghệ và sản xuất kinh doanh liên quan đến ngành mình và các ngành có liên quan, có những thông tin đầy đủ về thị trường. Đặc biệt, các DN nên có những chính sách khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để kích thích sự sáng tạo, suy nghĩ, thử nghiệm, thảo luận và phát triển các ý tưởng của các thành viên trong DN. Bên cạnh đó, DN cần chú trọng việc đào tạo nhân lực theo chuẩn mực về công nghệ, phù hợp với nhu cầu thực tế của công nghệ sản xuất và tạo môi trường thích hợp nhằm phát huy tối đa năng lực sáng tạo của lực lượng lao động theo đúng lĩnh vực chuyên môn được đào tạo.

Theo Bộ khoa học và công nghệ

lên đầu trang