Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 03/05/2024 | 23:55

Thứ sáu, 03/05/2024 | 23:55

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:08 ngày 09/11/2020

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Khó nhất trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến là kết nối

Ngày 6/11, tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn liên quan đến các lĩnh vực Bộ quản lý.

Tại buổi chất vấn đại biểu Nguyễn Phương Tuấn - Ninh Bình đặt câu hỏi, tại Nghị quyết số 17 Chính phủ đặt ra mục tiêu năm đến năm 2020 cung cấp tối thiểu là 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, nhưng đến năm 2019 mới đạt được tỷ lệ khoảng 10,7%. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những giải pháp đột phá gì để có thể đạt được mục tiêu 30% và sự khác biệt giữa Chính phủ điện tử và Chính phủ số; giải pháp, cách làm mới, nguồn nhân lực để triển khai Chính phủ điện tử.

Dịch vụ công trực tuyến, tăng tốc để không chậm trễ

Về dịch vụ công trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu cụ thể, để đạt mục tiêu cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 vào năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định cách làm đột phá là sử dụng công nghệ số và phát triển Chính phủ điện tử. Với cách làm này, theo Bộ trưởng, đã có hai bộ đạt 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 là Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên chất vấn

"Vừa qua chúng tôi thí điểm tại tỉnh Bến Tre, sau 3 tháng thì tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 từ 6% đã đạt 100%. Sắp tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai trên diện rộng", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ, khó nhất trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến là kết nối. Ở khâu này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng trục kết nối chung, hỗ trợ kết nối thanh toán dịch vụ công trực tuyến với các ngân hàng cho các địa phương. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam cũng đã vào cuộc rất tích cực, tức là chỉ trong vòng 1 tuần chúng tôi sẽ cung cấp trục kết nối cho các tỉnh. Như vậy, nếu như tỉnh chưa kịp đầu tư thì dùng ngay trục của Bộ.

Một điểm khó nữa của dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là thanh toán. Nếu để một tỉnh thanh toán được thì phải ký với 40 ngân hàng rất mất công, mất sức. Bộ đã hình thành một hỗ trợ thanh toán trực tuyến, tức là các tỉnh hiện nay chỉ cần nối với Paypost của Bộ là có thể kết nối được với tất cả các ngân hàng. Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông đã lôi kéo các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam vào cuộc. Có một số những chậm trễ, khó khăn doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư trước thì cũng thúc đẩy. Với cách làm trên, đến giờ phút này tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 25% và đang tăng với tốc độ rất cao. "Chúng tôi hoàn toàn tin rằng hết năm nay chắc chắn dịch vụ công trực tuyến đạt trên 30%"- Bộ trưởng Hùng bày tỏ.

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ là năm 2021 kết thúc dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, 100%. “Chúng tôi thấy bài học ở đây là chọn mục tiêu cao và chọn việc khó thì lại dễ làm hơn, vì khi đó chúng ta phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Nếu mục tiêu thấp, việc dễ mà làm theo cách cũ thì có khi lại khó làm, có khi lại không làm được”- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhìn nhận.

Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số

Phân tích sự khác nhau của Chính phủ điện tử và Chính phủ số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ: Chính phủ điện tử là tin học hóa các quy trình đã có. Còn Chính phủ số là cung cấp các dịch vụ mới theo nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt chú ý dịch vụ mới. Chính phủ điện tử thì tập trung vào dịch vụ công trực tuyến, tức là những dịch vụ công mà chúng ta đã cung cấp rất nhiều năm nay. Chính phủ số thì chuyển mọi hoạt động của Chính phủ trên môi trường số và hoạt động dựa nhiều trên dữ liệu và cung cấp thêm các dịch vụ mới. Chính phủ điện tử thì chủ yếu sử dụng công nghệ thông tin. Còn Chính phủ số thì sử dụng công nghệ số, nhất là các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nêu rõ vấn đề về sự khác biệt cốt lõi của Chính phủ số, đó là sử dụng dữ liệu để ra quyết định và coi dữ liệu như là một loại tài nguyên mới, đó là chuyển đổi về cách thức ra quyết định của cơ quan chính quyền dựa trên các báo cáo bản giấy sang dựa trên dữ liệu phân tích, định lượng và tổng hợp từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau. Đó là sự kết nối và chia sẻ dữ liệu của các cơ quan nhà nước để người dân chỉ cần cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước. Các doanh nghiệp cộng đồng có thể sử dụng dữ liệu này để cung cấp thêm các dịch vụ mới.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin thêm, về nền tảng kết nối trục liên thông thì trục quốc gia đã hoàn thành và trục kết nối của các tỉnh và cấp bộ cơ bản năm nay sẽ là 100%. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quyết định về lộ trình mở dữ liệu và Việt Nam cũng là một trong nước rất sớm thực hiện việc này.

Trong năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã soạn thảo xong, đang xin ý kiến các cơ quan và chắc là năm nay sẽ ký được chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Lần đầu tiên, Việt Nam chúng ta có một chiến lược để bảo đảm sự xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ”- Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

Theo Báo Công Thương

lên đầu trang