Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 03:39

Thứ hai, 29/04/2024 | 03:39

Tin KHCN

Cập nhật lúc 14:20 ngày 12/11/2020

Áp dụng kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là xu thế tất yếu để hướng đến phát triển bền vững trong tương lai, nhưng tại Việt Nam hiện nay, KTTH mới chỉ được thực hiện trong các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia.
Nguyên nhân vì 90% số DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm lực tài chính hạn chế, thiếu nguồn lực đầu tư cho công nghệ tái chế. Khi nghĩ đến phát triển KTTH, DN phải cân nhắc giải bài toán vì lợi ích ngắn hạn trước mắt hay chấp nhận đi chậm hơn để tăng tốc trong tương lai. Vì đầu tư cho công nghệ mới sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao, có thể ảnh hưởng đến sức tiêu thụ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ trong ngắn hạn. Còn nếu tiếp tục đi theo lối mòn của mô hình sản xuất hiện tại thì sẽ và phải đối mặt với rủi ro trong tương lai, khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt. Hơn nữa, do hiện nay Việt Nam cũng chưa có hành lang pháp lý cho KTTH, chưa có bộ tiêu chí để nhận diện đánh giá về mức độ tuần hoàn và cũng chưa có đội ngũ chuyên gia giỏi về vấn đề này. Nhưng các yếu tố thúc đẩy KTTH đang trở nên mạnh mẽ hơn trong đời sống, khi người tiêu dùng ngày càng có ý thức hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường và dần chuyển sang ưu tiên lựa chọn những sản phẩm “xanh” cho dù phải trả thêm chi phí. 
Ảnh minh họa
Tiêu chí sản xuất xanh cũng là một trong những yêu cầu quan trọng để DN được tiếp cận tín dụng trong nước và quốc tế, khi các điều khoản sản xuất xanh trở thành một trong những điều kiện vay vốn hoặc có những gói tín dụng dành riêng cho sản xuất xanh. Thực tế áp dụng mô hình KTTH tại các DN thuộc liên minh tái chế bao bì Việt Nam cho thấy, vấn đề quan trọng nhất không phải do khả năng tài chính, công nghệ mà ở tư duy. Khi nhận thức rõ về KTTH và quyết định theo hướng đó, DN sẽ biết phải làm gì và sẽ sáng tạo được cách làm để đạt được mục tiêu đó. Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), KTTH mang lại bốn lợi ích thông qua tận dụng cao nhất các nguồn lực, bao gồm tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế, lợi ích xã hội. Việc lựa chọn và phát triển nền KTTH đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục những hạn chế của mô hình kinh tế truyền thống; tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất. Việc chuyển đổi sang mô hình này là cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn giúp đạt các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Để phát triển KTTH, cần xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng, tạo cơ chế để hình thành động lực thị trường; tổ chức các phong trào nghiên cứu sâu rộng trong các ngành nghề, lĩnh vực, địa phương và DN. Đặc biệt, cần xây dựng lộ trình phát triển phù hợp với Việt Nam cùng với việc tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, gắn với công nghệ cao và cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Báo Nhân dân
lên đầu trang