Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 03/05/2024 | 11:08

Thứ sáu, 03/05/2024 | 11:08

Chính sách

Cập nhật lúc 08:03 ngày 16/11/2020

Các nước G20 vẫn dành nhiều hỗ trợ cho nhiên liệu hóa thạch

Chính phủ của các nước G20 cắt giảm đầu tư cho dầu khí và than rất ít, thậm chí có xu hướng tăng đầu tư trở lại khi bước vào giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, theo nghiên cứu mới công bố.
Báo cáo "Doubling Back and Doubling Down: G20 scorecard on fossil fuel funding" công bố ngày 11/11 của Viện nghiên cứu Phát triển Bền vững Quốc tế (IISD) cho biết, chính phủ các nước G20 mới cắt giảm 9% các khoản hỗ trợ cho nhiên liệu hóa thạch trong giai đoạn 2014-2016, xuống khoảng 584 tỷ USD/năm. Các khoản hỗ trợ này bao gồm: chuyển ngân sách trực tiếp và chi tiêu thuế, trợ giá, đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước để sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trong và ngoài nước.

Thành quả nhỏ bé này thậm chí có thể bị đảo ngược trong năm nay, bởi hàng tỷ USD chuẩn bị được đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch khi các nước bước vào giai đoạn phục hồi sau COVID-19, các nhà nghiên cứu cho biết.

Một rừng các tấm quang điện bao quanh đường băng tại sân bay Eberswalde-Finow, 30 dặm về phía bắc của Berlin. Đức là nước đã lắp đặt công suất mặt trời nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Ảnh: National Geographic.
Chính phủ các nước G20 đã chi thêm ít nhất 243 tỷ USD vào các lĩnh vực sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch thông qua các biện pháp phục hồi kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Theo báo cáo, ở hầu hết các quốc gia được đánh giá, tiến độ cắt giảm hỗ trợ là “kém” và “rất kém”, và không có quốc gia nào được đánh giá có “tiến độ tốt” theo hướng thực hiện các mục tiêu đề ra của Thoả thuận Paris.

Trong số các nước G20 thuộc OECD, Đức đứng đầu về loại bỏ hỗ trợ cho nhiên liệu hóa thạch hiệu quả nhất với tổng hỗ trợ cho nhiên liệu hóa thạch giảm 35% so với năm 2014–2016; trong khi Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Vương quốc Anh đứng cuối. Trong số các nước G20 không thuộc OECD, Brazil đạt điểm cao nhất trong khi Ả Rập Saudi đứng cuối. Thành tích tương đối tốt của Brazil xuất phát từ mức hỗ trợ thấp dành cho sản xuất than, cũng như giảm đầu tư của doanh nghiệp nhà nước vào nhiên liệu hóa thạch.
Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận Ả Rập Saudi tiếp tục hỗ trợ mạnh cho sản xuất dầu khí và năng lượng hóa thạch, chủ yếu thông qua các khoản chi khổng lồ của doanh nghiệp nhà nước và giá năng lượng tiêu dùng thấp.

Báo cáo mới này và các dữ liệu gần đây về những chính sách phục hồi sau COVID-19 đã chỉ ra rằng: tiến độ cắt giảm hỗ trợ cho nhiên liệu hóa thạch vốn đã chậm chạp, nay còn bị đảo ngược, nhưng theo các nhà nghiên cứu, trước mắt vẫn còn có cơ hội cho chính phủ các nước lật ngược tình thế.

"Chúng ta đang ở ngưỡng cửa cơ hội quan trọng để chính phủ các nước chuyển dịch những khoản hỗ trợ dành cho nhiên liệu hóa thạch hiện nay sang các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, bảo trợ xã hội và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo," bà Bronwen Tucker ở Oil Change International (OCI), một tổ chức tham gia thực hiện báo cáo, bày tỏ.
Theo Báo Khoa Học & Phát Triển
lên đầu trang