Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 17/05/2024 | 07:08

Thứ sáu, 17/05/2024 | 07:08

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:05 ngày 18/10/2014

Nhiều đề tài KH&CN được ứng dụng trong đời sống và sản xuất

Được xác định là đòn bẩy, động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tại khu vực nông thôn, trong thời gian qua, thành phố Hà Nội có nhiều đổi mới về cơ chế quản lý đối với lĩnh vực KH&CN, theo hướng xã hội hóa và gắn kết với sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên còn không ít rào cản cần tiếp tục tháo gỡ.

Sở KH&CN Hà Nội triển khai mô hình sấy tăm hương công nghệ cao tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa góp phần giảm ô nhiễm môi trường nâng cao chất lượng sản phẩm.

Từ nhiều năm nay, người dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì luôn trong tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt, khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhiều người dân phải tự bỏ tiền để đào giếng, khoan giếng, đầu tư hệ thống bể lọc, nhưng nguồn nước vẫn bốc mùi hôi hoặc vẩn đục, không bảo đảm vệ sinh. Để giải quyết nhu cầu nước sạch của người dân, trạm cấp nước Gia Khánh được đầu tư xây dựng, nhưng do công nghệ xử lý nước thô sơ, cho nên chất lượng nước không được cải thiện, khiến người dân bức xúc. Nhằm cải tạo nguồn nước sinh hoạt cho người dân xã Vật Lại, đề tài nghiên cứu, thiết kế thiết bị khử trùng bằng dung dịch ô-xy hóa điều chế tại chỗ cho trạm cấp nước công suất 1.000 m3/ngày và chế tạo hệ thống cấp nước sạch công suất 200 m3/ngày đã được thực hiện và bước đầu thành công. Điểm đột phá của đề tài là sử dụng hệ thống khử trùng bằng công nghệ điện hóa, mở ra hướng đi mới trong việc cung cấp nước sạch tại khu vực nông thôn. Công nghệ này không chỉ tạo ra nguồn nước sinh hoạt bảo đảm vệ sinh, không có mùi clo, mà còn tạo ra môi trường làm việc an toàn đối với công nhân vận hành.

Theo đánh giá của Sở KH&CN Hà Nội, thời gian qua, lĩnh vực khoa học công nghệ, nhất là các đề tài về nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Thông qua việc giải quyết các vấn đề KH&CN do thực tiễn đặt ra, năng lực nghiên cứu trong một số lĩnh vực như công nghệ sinh học, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, xử lý ô nhiễm môi trường... phát triển mạnh mẽ. Nhiều đề tài, dự án đã được ứng dụng vào thực tiễn, như xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống hoa và hoa thương phẩm chất lượng cao tại huyện Mê Linh, Chương Mỹ, Đan Phượng; tuyển chọn giống và các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất chất lượng giống ổi tại huyện Gia Lâm; ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý a-sen mức độ cao ở làng nghề Cự Đà, huyện Thanh Oai... Thành phố đã xây dựng, quản lý và phát triển được 20 nhãn hiệu tập thể như “Bưởi tôm vàng Đan Phượng”, “Nhãn chín muộn Hoài Đức”, “Khoai lang Đồng Thái”..., góp phần nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, còn không ít đề tài nghiên cứu khoa học chưa thật sự phù hợp với tình hình thực tế, khó thực hiện. Tỷ lệ giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm chỉ khoảng 10% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố. Sản xuất nông nghiệp vẫn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu, dịch bệnh và thị trường. Tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa thường xuyên diễn ra, ảnh hưởng trực tiếp đời sống của nông dân.

Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Lê Xuân Rao chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do cơ chế chính sách phục vụ cho phát triển KH&CN còn thiếu, không đồng bộ và còn nặng tính hình thức. Hoạt động KH&CN cấp cơ sở còn quá mới mẻ và thiếu đội ngũ cán bộ. Lãnh đạo một số quận, huyện chưa quan tâm đầu tư cho KH&CN, chưa chủ động đặt hàng các nhà khoa học giải quyết các vấn đề bức xúc tại địa phương. Thiếu chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là khâu chế biến, bảo quản và tiêu thụ các sản phẩm...

Để KH&CN ngày càng gắn bó, phục vụ đời sống, UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các đơn vị chức năng sớm triển khai các chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ phát triển KH&CN. Phát huy sức mạnh đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học, tăng cường mô hình liên kết nhà quản lý, nhà khoa học và nhà sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp có kế hoạch nghiên cứu KH&CN hằng năm, tiếp tục thực hiện cơ chế đặt hàng các nhà khoa học. Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, thành phố cần sớm ban hành chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2015-2020.

Theo Báo Nhân dân

lên đầu trang