Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 11:34

Chủ nhật, 28/04/2024 | 11:34

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:09 ngày 23/11/2020

Phát triển kinh tế xanh từ mô hình khu công nghiệp sinh thái

Trong những năm qua, hệ thống khu công nghiệp đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, tuy nhiên cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, đòi hỏi phải điều chỉnh và xây dựng mô hình phát triển bền vững hơn, phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh và các cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên hợp quốc, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP 21)...
Tại hội thảo khởi động “Dự án triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” ngày 20/11, ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đánh giá: Sau gần 30 năm kể từ khi khu chế xuất Tân Thuận được thành lập, Việt Nam đã đạt được kết quả quan trọng trong phát triển khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế. Đến nay trên cả nước đã có 369 KCN được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853 ngàn ha và có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế.
Cụ thể là giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế với giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm chiếm khoảng trên 55% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; đồng thời chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 2016-2019 đã đóng góp 400 nghìn tỷ đồng vào nguồn thu ngân sách.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bên liên quan thực hiện ký kết văn kiện dự án triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam
Dù vậy, ông Trần Duy Đông cũng nhìn nhận, việc phát triển KCN cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định. Đó là quy hoạch phát triển KCN, khu kinh tế chưa thể hiện rõ nét được tầm nhìn chiến lược, tại một số nơi quy hoạch còn chưa sát với nhu cầu phát triển và khả năng đầu tư, chưa bền vững và cân bằng về kinh tế xã hội, môi trường… Điều này đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hơn nữa thể chế, chính sách và điều chỉnh mục tiêu, định hướng phát triển KCN và khu kinh tế để thích ứng với bối cảnh mới.
Theo ông Trần Duy Đông, để góp phần giải quyết thách thức trên, trong giai đoạn 2014 – 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) và một số nhà tài trợ triển khai thí điểm mô hình KCN sinh thái, đạt được các kết quả tích cực. Các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn trong khuôn khổ thí điểm đã hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm trên 22.000 Mwh điện, 600.000 m3 nước sạch, 140 TJ (Têrajun) nhiên liệu hóa thạch, gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải. Các giải pháp này cũng đã giảm được 32 Kt khí CO2 hàng năm. Tuy nhiên mô hình này chỉ thực sự phát huy khi được nhân rộng hơn trên cả nước.
Chính vì vậy, để thúc đẩy phát triển mô hình KCN sinh thái trong bối cảnh mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp tục phối hợp với UNIDO và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) khởi động Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu”.
Dự án có tổng kinh phí là 1.821.800 đô la Mỹ, trong đó vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại 1.683.000 đô la Mỹ từ Chính phủ Thụy Sỹ thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), vốn đối ứng là 138.800 đô la Mỹ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Dự án được thực hiện trong 36 tháng tại Hà Nội và 5 tỉnh/thành phố, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng.
Theo đại diện Quản lý dự án KCN sinh thái, dự án là sự kế thừa kết quả triển khai thí điểm mô hình này trong thời gian qua, đồng thời là tiền đề để nhân rộng mô hình này trên cả nước trong giai đoạn tới. Thông qua 2 hợp phần với các nội dung chính là: Hoàn thiện cơ chế chính sách và hướng dẫn xây dựng KCN sinh thái và triển khai các giải pháp kỹ thuật để chuyển đổi các KCN thông thường thành KCN sinh thái.
Liên quan đến phát triển KCN theo mô hình KCN sinh thái toàn cầu, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam - Ivo Sieber - cho biết: Công nghiệp hóa ở Việt Nam đã có tác động tới môi trường, phát thải khí nhà kính, sử dụng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Ông cho rằng trong giai đoạn 2021-2030 Việt Nam phải có chiến lược thúc đẩy sang nền kinh tế phát triển xanh. Xem xét bối cảnh của Thụy Sỹ cũng có thách thức như Việt Nam nhưng Thụy Sỹ đã có chiến lược phát triển KCN lồng ghép với việc tăng cường tái chế, có nhiều biện pháp để tái sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên nên tới nay Thụy Sỹ là quốc gia được đánh giá phát triển xanh.
“Tôi đã thăm dự án thí điểm ở Đắk Lắk về KCN phát triển xanh với công nghệ từ Thụy Sỹ và dự án này được Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO). Và tôi tự tin chúng ta có thể nhân rộng công nghệ này ở Việt Nam, mở ra tương lai sáng tươi cho phát triển KCN sinh thái ở Việt Nam”, Đại sứ Ivo Sieber kỳ vọng.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang