Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 13/05/2024 | 21:22

Thứ hai, 13/05/2024 | 21:22

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:45 ngày 22/10/2014

Truyền thông KH&CN góp sức trong phát triển kinh tế - xã hội Lâm Đồng

Hoạt động thông tin – truyền thông Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lâm Đồng đã có những đóng góp tích cực trong việc chuyển tải, phổ biến kiến thức KH&CN thúc đẩy chuyển giao công nghệ, xây dựng nguồn lực thông tin về KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thông tin KH&CN đã góp phần quan trọng trong việc triển khai thành công các đề tài nghiên cứu, các dự án ứng dụng, sản xuất thử nghiệm.


Truyền thông khoa học góp phần đưa nhanh các nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào cuộc sống.

Nhiều hình thức thông tin phong phú

Hiện nay, tại các cơ quan báo chí, đài phát thanh – truyền hình Trung ương và địa phương... Các sở, ngành, tổ chức như Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật, Sở NN&PT NT, Sở Công thương,…cũng đã tiến hành những hoạt động thông tin KH&CN với các hình thức phong phú. Đối với Sở KH&CN Lâm Đồng, hoạt động thông tin - truyền thông được giao cho đơn vị chuyên trách là Trung tâm tin học và Thông tin KH&CN.

Tại Lâm Đồng hoạt động thông tin KH&CN khá phong phú với nhiều ấn phẩm như bản tin KH&CN Lâm Đồng, bản tin KH&CN phục vụ nông nghiệp nông thôn, bản tin năng suất chất lượng, các kỷ yếu phổ biến kết quả các đề tài, dự án hằng năm, các kỷ yếu, tài liệu phục vụ các hội nghị, hội thảo, tài liệu hướng dẫn kĩ thuật về trồng, chăm sóc và thu hoạch các loại cây trồng đặc thù của địa phương như rau, hoa, chè, cà phê,... Ngoài ra, Sở KH&CN cũng đã hình thành 1 thư viện điện tử với trên 170.000 bản ghi, bao gồm hàng ngàn đầu sách, phim tư liệu KH&CN phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng Khoa học kĩ thuật của người dân trong tỉnh.

Thời gian gần đây hoạt động thông tin KH&CN có nhiều bước phát triển hơn những năm trước với nhiều hình thức khác nhau, những mô hình mới được đưa vào sản xuất, phục vụ tốt cho nhu cầu nghiên cứu KH&CN và nâng cao kiến thức KH&CN cho cán bộ. Mặt khác, công tác thông tin KH&CN cũng góp phần hình thành và phát triển thị trường công nghệ, doanh nghiệp KH&CN; xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ và dữ liệu thông tin kết nối đơn vị, doanh nghiệp có cung, cầu về công nghệ và thiết bị, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận với những công nghệ và thiết bị tiên tiến, hiện đại trước khi quyết định đầu tư.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mặt hạn chế như trình độ công nghệ thông tin của nhân viên còn chưa cao, thông tin chưa được phong phú và đa dạng, chưa đáp ứng kịp thời cho công tác nghiên cứu cũng như phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo.

Một số hạn chế

Một thực trạng tồn tại khá lâu là tại địa phương, người làm khoa học thường ít viết. Các nhà khoa học tại đây thường ít tham gia viết bài. Điều này cũng giải thích tại sao trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin về KH&CN còn nghèo nàn. Thông tin KH&CN thường không dồi dào, lại phức tạp nên so với những thông tin khác trong đời sống xã hội càng khó hấp dẫn cộng đồng.

Hầu hết thông tin KH&CN được biên soạn ở dạng báo cáo khoa học khô khan nên nhìn chung công chúng khó tiếp nhận. Công tác thông tin - truyền thông chưa thực sự trở thành cầu nối giữa các nhà khoa học và các nhà sản xuất - ứng dụng. Các nghiên cứu chưa được truyền thông một cách rộng rãi để các nhà sản xuất và người dân có thể tiếp cận chuyển giao và ứng dụng.

Trong cơ chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN, cho đến nay, cũng chưa bố trí kinh phí cho các nội dung, hoạt động truyền thông của nhiệm vụ KH&CN. Nguồn vốn sự nghiệp KH&CN của tỉnh phân bố còn thấp nên đầu tư cho lĩnh vực thông tin KH&CN có nhiều hạn chế. Thiết nghĩ nội dung như thế này là cần thiết, cũng là thể hiện trách nhiệm xã hội của hoạt động KH&CN để cung cấp thông tin cho xã hội về hoạt động của mình, cũng như xã hội cũng có quyền được biết những hoạt động, như hoạt động KH&CN thực hiện trên cơ sở tiền thuế.

Cần tạo lực đẩy để phát triển

Để phát triển truyền thông KH&CN tại Lâm Đồng cần tăng cường tiềm lực của cơ quan chuyên môn. Trung tâm tin học và Thông tin KH&CN cần nghiên cứu phối hợp với các đơn vị liên quan để xuất nội dung và kế hoạch phát triển truyền thông KH&CN, găn truyền thông với giáo dục các cấp, mở rộng hoạt động truyền thông tới mọi vùng miền địa phương. Thiết lập các phương thức kĩ năng truyền thông đa dạng hóa các loại hình truyền thông nhằm truyền tải có chất lượng hiệu quả và đạt hiệu ứng cao các thông điệp cần truyền thông.

Ngoài ra, có kế hoạch thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng truyền thông cho các nhà khoa học; có yêu cầu bắt buộc bồi dưỡng kỹ năng truyền thông KH&CN đối với một số hoạt động KH&CN trong một số lĩnh vực; một số nhiệm vụ KH&CN có quy mô, ảnh hưởng lớn.

Ông Nguyễn Minh Tâm – Phó Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đồng cho biết: Trong thời gian tới, cần phải tăng cường vai trò của các Viện, trường, các cơ quan nghiên cứu trên địa bàn tỉnh đối với công tác truyền thông KH&CN, đặc biệt là sự tham gia của các nhà khoa học. Ngoài việc đăng các kết quả nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành của thế giới, trong nước, các cơ quan nghiên cứu cũng cần quan tâm đến hệ thống phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương, đây chính là kênh thông tin nhanh nhất tạo liên kết “4 nhà” đưa nghiên cứu khoa học và sản xuất đời sống thực tiễn.

Để công tác thông tin – truyền thông KH&CN tỉnh Lâm Đồng hoạt động có hiệu quả hơn hoạt động cần bám sát vào các chương trình trọng điểm của tỉnh, tăng cường nội dung cũng như hình thức thông tin KH&CN phục vụ các chương trình lớn của tỉnh đặc biệt là các chương trình xây dựng Nông thôn mới. Xây dựng các đề tài, dự án về thông tin – truyền thông KH&CN. Trong đó, chú trọng các đề tài, dự án có tính chất mô hình, tổng kết thực tiễn, nhân rộng trên từng địa bàn, phổ biến, phát huy các sáng kiến, cải tiến kĩ thuật phục vụ sản xuất và đời sống. Ông Ngô Đình Văn Châu – Giám đốc Trung tâm tin học và thông tin KH&CN ( Sở KH&CN Lâm Đồng) chia sẻ thêm.

Theo ông Nghiêm Vũ Khải – nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN: Để hoạt động truyền thông đạt hiệu quả cao, một trong những giải pháp cần đẩy mạnh là đa dạng hóa hình thức, nội dung, đối tượng, lực lượng tham gia truyền thông KH&CN. Trong một thế giới truyền thông cạnh tranh gay gắt như hiện nay, truyền thông KH&CN phải tìm cho mình cách đến được với công chúng nhiều hơn, nhất là giới trẻ. Muốn vậy, hình thức, nội dung truyền thông phải phong phú, hấp dẫn, dễ tiếp cận, biến những điều khô khan, phức tạp, thành đơn giản, dễ hiểu. Để hoạt động truyền thông không chỉ là công việc của những nhà khoa học mà phải lôi cuốn, thu hút các doanh nghiệp, công nhân, nông dân và đông đảo người dân tham gia. Truyền thông KH&CN phải không ngừng hiện đại hóa, tiến kịp trình độ quốc tế.


Theo CESTC

 

lên đầu trang