Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 30/04/2024 | 12:17

Thứ ba, 30/04/2024 | 12:17

Tin KHCN

Cập nhật lúc 16:51 ngày 12/12/2020

Doanh nghiệp phát triển bền vững cần được ưu tiên, trợ giúp

Phát triển bền vững (PTBV) nói chung và phát triển doanh nghiệp (DN) nói riêng đã trở thành mục tiêu toàn cầu hướng tới, trong đó có Việt Nam. Để đạt được các mục tiêu PTBV vào năm 2030, ngoài tuyên truyền, khuyến khích, cần xây dựng khung khổ pháp lý cho PTBV, DN nào đi ngược xu thế PTBV cần phải xử lý, DN nào có định hướng PTBV cần được ưu tiên phân bổ nguồn lực, được trợ giúp và được tôn vinh.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn doanh nghiệp PTBV Việt Nam 2020, do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự PTBV Việt Nam (VBCSD), thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức ở Hà Nội ngày 10/12/2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch Hội đồng quốc gia về PTBV và nâng cao năng lực cạnh tranh, đã khẳng định như vậy.
Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, kiêm Chủ tịch VBCSD - cho biết: Việt Nam đã về đích sớm trong một số chỉ số về PTBV của Liên hợp quốc. Xếp hạng trong khu vực ASEAN về PTBV, hiện Việt Nam chỉ đứng sau Thái Lan. Đó là thành quả của sự nỗ lực lớn từ hệ thống chính trị và cộng đồng DN.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo. Ảnh NQ
Kết quả khảo sát độc lập do VCCI thực hiện gần đây cho thấy, các DN áp dụng bộ chỉ số phát triển bền vững (CSI) đạt kết quả sản xuất, kinh doanh tốt hơn, năng suất lao động cao hơn các DN không áp dụng CSI. Khoảng 60% DN đã thực hiện bộ chỉ số CSI phản hồi khảo sát tin rằng, họ đang làm tốt hơn đối thủ cạnh trạnh; trong khi đó, chỉ có 27% số DN không áp dụng chỉ số CSI thuộc diện khảo sát đối chứng bày tỏ sự tự tin vào điều đó. Thực tiễn hoạt động của DN trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 cũng cho thấy, DN nào xây dựng được cho mình mô hình quản trị theo hướng PTBV thì có khả năng chống chịu cao hơn các DN khác, có thể trụ vững tốt hơn, có nhiều cơ hội để bứt phá, vượt lên.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, PTBV vẫn chưa là xu thế chung của cộng đồng DN, do nhận thức còn hạn chế. Mặc dù Chính phủ đã có kế hoạch hành động quốc gia về PTBV, các cơ quan, tổ chức có liên quan đã tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức và thúc đẩy thực thi PTBV; một số sáng kiến về PTBV đã được triển khai vào thực tiễn, trong đó có việc xây dựng và triển khai bộ chỉ số CSI, phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển năng lượng tái tạo, thực hiện sáng kiến không xả thải vào thiên nhiên (Zero Waste to Nature)… Thế nhưng, sự lan tỏa nhận thức và hành động về PTBV trong cộng đồng DN còn rất chậm.
Các nghiên cứu dự báo về tương lai cho thấy, thảm hoạ lớn nhất mà nhân loại sẽ phải đối mặt không phải là chiến tranh, mà là cuộc chiến với dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu và đói nghèo... Đó là những vấn đề nóng bỏng mà hương trình Nghị sự PTBV toàn cầu đến 2030 của Liên hợp quốc đã đề cập và đang kêu gọi sự chung tay hành động giữa các quốc gia.
Việt Nam là một quốc gia bị tác động rất lớn bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng..., PTBV cần phải được coi là chương trình nghị sự ưu tiên hàng đầu của đất nước, của DN. Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, nội dung về PTBV cần được đề cập sâu sắc trong văn kiện Đại hội của Đảng lần thứ XIII. Trong nhiệm kỳ tới, Trung ương Đảng cần có một Nghị quyết chuyên đề về PTBV. Quốc hội cần ban hành Luật Kinh tế tuần hoàn để khuyến khích, thúc đẩy mô hình kinh tế này phát triển… vì mục tiêu PTBV.
Diễn đàn doanh nghiệp PTBV Việt Nam 2020 nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Ảnh NQ
PTBV là yếu tố quyết định sự sống còn đối với mọi DN ở mọi quy mô. Do vậy, cần có chính sách khuyến khích và từng bước thể chế hoá yêu cầu bắt buộc đối với các DN có quy mô lớn lập báo cáo bền vững…. Các hiệp hội doanh nghiệp cần phối hợp với VCCI triển khai chương trình hỗ trợ, xây dựng các mô hình kinh doanh có trách nhiệm xã hội và PTBV; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn áp dụng bộ chỉ số CSI và xây dựng báo cáo phát triển bền vững, tiến tới xây dựng bộ chỉ số CSI riêng cho từng ngành, từng lĩnh vực. Các DN cần nâng cao nhận thức về PTBV như một vấn đề chiến lược, áp dụng bộ chỉ số CSI phổ cập, tiến tới xây dựng được báo cáo bền vững, quan tâm bố trí ngân sách, nhân sự cho công tác quản trị rủi ro, cho PTBV, lồng ghép các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào quá trình sản xuất, kinh doanh, tích hợp chiến lược PTBV vào chiến lược phát triển doanh nghiệp...
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đánh giá: Trong 10 năm qua, PTBV đã từng bước được phổ biến và càng nhiều DN nhận thức được xu thế này. Thành tựu PTBV những năm vừa qua của Việt Nam có những dấu ấn tích cực. Năm 2016, Mạng lưới toàn cầu PTBV xếp hạng chỉ số phát triển của các quốc gia, lần đầu tiên Việt Nam được xếp hạng và đứng thứ 88. Chỉ sau 01 năm, Việt Nam cam kết tham gia Chương trình Nghị sự 2030 về PTBV của Liên hợp quốc, Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể, quyết liệt và đến năm 2017, chỉ số PTBV Việt Nam đã tăng 20 bậc, đến năm 2020 Việt Nam đã đứng thứ 49 trên thế giới về chỉ số PTBV. Đến nay, Việt Nam đã lồng ghép cả 17 nhóm mục tiêu PTBV vào tất cả các lĩnh vực từ xây dựng pháp luật đến chiến lược phát triển của Chính phủ....
Trong 17 nhóm mục tiêu PTBV của Liên hợp quốc, Việt Nam có 3 nhóm cải thiện hàng năm rất tốt đó là về xóa nghèo, chất lượng giáo dục, năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, chỉ tiêu về nước sạch và xây dựng đô thị cũng tăng thứ bậc khá tốt. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, Việt Nam cũng có 3 nhóm chỉ tiêu PTBV có mức độ cải thiện chậm, không đáng kể, đó là chỉ tiêu về bảo vệ tài nguyên đất, chỉ tiêu bảo vệ tài nguyên nước, chỉ tiêu về hợp tác và phối hợp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ rõ, mục tiêu PTBV đến năm 2030 đề ra còn rất nhiều thách thức, nhiều việc phải làm, không chỉ về tăng trưởng kinh tế, phát triển DN, bảo vệ môi trường…, mà cần phải chú trọng cả các vấn đề xã hội. Đặc biệt, việc lan tỏa nhận thức và hành động về PTBV trong cộng đồng DN vẫn là một thách rất lớn. Tại Việt Nam, hiện có hơn 700.000 DN đang hoạt động, nhưng mạng lưới DN tham gia PTBV hiện nay mới có khoảng 2.000. Báo cáo của VCCI cho thấy, phổ cập thông tin về PTBV mới chỉ đến được tới khoảng 100.000 DN (15%), còn số DN tham gia PTBV mới chỉ đạt khoảng 2%. Muốn đạt các mục tiêu PTBV vào năm 2030, nhận thức và hành động về PTBV cần phải được lan tỏa ra toàn thể cộng đồng DN Việt Nam.
“PTBV là việc buộc phải làm. Tất cả từ Nhà nước, DN, người dân… cần nhận thức rõ trách nhiệm trong thực hiện PTBV. Ngoài việc tuyên truyền, khuyến khích, cần xây dựng khung khổ pháp lý cho PTBV, DN nào nếu đi ngược lại PTBV phải xử lý, DN nào có định hướng PTBV cần được ưu tiên phân bổ nguồn lực, được trợ giúp, được tôn vinh...” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo và định hướng.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI/VBCSD: PTBV và kinh doanh có trách nhiệm với xã hội là hệ giá trị mới trong xu thế phát triển DN ngày nay và tương lai. Đây chính là giấy thông hành để các DN có thể đi vào thị trường thế giới, là “căn cước công dân” để DN có thể trở thành những công dân có trách nhiệm trong nền kinh tế toàn cầu.

Theo: Báo Công Thương

lên đầu trang