Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 11/05/2024 | 21:38

Thứ bảy, 11/05/2024 | 21:38

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:59 ngày 27/12/2020

Nhà máy số - xu hướng tất yếu của sản xuất công nghiệp 4.0

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi mạnh mẽ kinh tế thế giới thì số hóa dữ liệu và quản trị sản xuất thông minh được dự báo là xu hướng phát triển của các nhà máy sản xuất công nghiệp trong tương lai gần, giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả sản xuất, hòa nhập vào dòng chảy của công nghệ 4.0.
Theo chuyên gia về công nghệ 4.0 của Siemens, các sản phẩm của sản xuất công nghiệp trong tương lai sẽ mang tính cá nhân hóa theo yêu cầu riêng biệt của người tiêu dùng và để làm được điều đó, doanh nghiệp phải nhanh chóng số hóa và chuyển đổi số trong quản trị, điều hành sản xuất
Người tiêu dùng là trung tâm của sản xuất
Tại Hội thảo ứng dụng công nghệ 4.0 trong điều hành sản xuất kinh doanh mới đây do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp Đà Nẵng tổ chức, ông Nguyễn Thành Trung – Trưởng phòng thực hành Công nghiệp 4.0, Chuyên gia Công ty TNHH Siemens cho rằng tương lai của ngành sản xuất sẽ hoàn toàn lấy người tiêu dùng làm trung tâm. Nếu như trước đây doanh nghiệp sản xuất dựa trên “cái mình có” thì hiện đang chuyển dần sang “cái người tiêu dùng cần”. Công nghiệp sản xuất đã đạt đến khả năng có thể thực hiện sản phẩm theo yêu cầu riêng biệt của mỗi khách hàng, sản phẩm thể hiện cá tính của người tiêu dùng thay vì sản xuất hàng loạt mà người tiêu dùng không có nhiều sự lựa chọn.
Việc lấy người tiêu dùng làm trung tâm đã làm thay đổi căn bản mối quan hệ giữa doanh nghiệp – khách hàng (B2C), từ đó, kéo theo thị trường B2B (doanh nghiệp – doanh nghiệp) cũng thay đổi.
Ông Nguyễn Thành Trung dự báo đến sau năm 2030, sản xuất của doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng các yếu tố giao hàng nhanh chóng, lấy đổi mới theo định hướng của người tiêu dùng, các giải pháp trong sản xuất được cá nhân hóa trên quy mô lớn, doanh nghiệp có thể theo dõi toàn bộ các khâu sản xuất trong chuỗi giá trị và tính chính xác của sản phẩm là tuyệt đối.
Để làm được điều này, chuyển đổi số trong doanh nghiệp sẽ giữ vai trò quyết định. Công nghiệp kỹ thuật số sẽ giúp các ngành công nghiệp chế biến kết nối thế giới ảo và thực tạo ra dữ liệu hiệu suất, hiện thực hóa và tối ưu hóa sản xuất.
Doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật số sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc tối ưu hóa sản xuất bằng việc hiện thực hóa các ý tưởng sản phẩm thông qua các sản phẩm ảo (công nghệ mô phỏng) trải qua khâu sản xuất ảo để đánh giá tính khả thi từ đó hiệu chỉnh để đưa vào sản xuất thực (tự động hóa) và cuối cùng kết thúc là sẽ ra sản phẩm thực tối ưu nhất đáp ứng tối đa yêu cầu của khách hàng với độ chính xác cao nhất.
Số hóa giúp doanh nghiệp tối ưu hóa sản xuất, giảm chi phí cố định
Theo ông Vương Ngọc Hoàng – Chuyên gia Nhà máy số ESTEC (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng), nhà máy sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để đạt được những cải tiến đáng kể về năng suất, chất lượng, tính linh hoạt và dịch vụ như tăng tính tự động hóa sản xuất; tăng tính kết nối; khả năng quản lý vận hành và tăng khả năng tổng hợp dữ liệu của nhiều nguồn khác nhau và phân tích cho hoạt động hàng ngày, dự đoán hoạt động cho thời gian gần và xa.
Số hóa hoạt động sản xuất, quản lý, vận hành sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quá trình sản xuất, sản phẩm đạt tỷ lệ chính xác cao, giảm rủi ro trong quá trình sản xuất (Ảnh: Siemens)
Việc ứng dụng hệ thống số hóa trong lưu trữ, quản lý và giám sát dữ liệu vận hành sản xuất sẽ đáp ứng nhu cầu số hóa nhà máy, số hóa hệ quản trị và điều hành sản xuất từ cấp lãnh đạo công ty, lãnh đạo nhà máy đến các phòng ban, phân xưởng; hệ thống quản trị điều hành tiên tiến, trực quan, online và theo thời gian thực giúp rút ngắn và giảm tối đa thời gian lập báo cáo, thời gian lập kế hoạch, cung cấp số liệu để đáp ứng kịp thời công tác giám sát, quản lý và điều hành của các nhà máy sản xuất; góp phần thúc đẩy, nâng cấp để hiện đại hóa hệ thống điều khiển, tối ưu hóa quá trình sản xuất, đáp ứng nhu cầu tăng năng suất và chất lượng, phát triển kinh doanh; hệ thống quản trị sản xuất thông minh có độ tin cậy và hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thực tế của mọi ngành sản xuất; hệ thống có khả năng giao tiếp mở với các hệ thống khác, được phát triển liên tục cho nhu cầu số hóa.
Ông Hoàng cho hay, các công đoạn sản xuất của nhà máy thông minh sử dụng các công nghệ kỹ thuật số có một điểm chung đó là sử dụng công nghệ tự động ở tất cả các khâu sản xuất, điều hành, vận hành, bảo trì, quản lý sản xuất. Ở đó, những công nghệ như robot, thực tế ảo (AR/VR), kiểm soát trực tuyến, thu thập và phân tích dữ liệu… được sử dụng thay thế cho hoạt động thủ công của con người nhưng lại mang lại hiệu quả và độ chính xác cao.
Hệ thống số hóa, lưu trữ, quản lý và giám sát dữ liệu vận hành sản xuất là một hệ thống hội đủ 4 yếu tố: Kho dữ liệu số cần thiết sử dụng chung cho doanh nghiệp; xây dựng ứng dụng hiển thị các thông số vận hành và các trang vận hành chính để theo dõi, giám sát trực tuyến; dữ liệu sản xuất sẽ được lọc tự động, lưu trữ và hiển thị theo thời gian thực, kết nối trực tuyến từ các hệ thống điều khiển quá trình, từ các phòng ban và các hệ thống dữ liệu khác để đảm bảo tính khách quan, minh bạch; và cuối cùng là hệ thống quản trị tiên tiến phục vụ cho các cấp lãnh đạo, quản lý công ty, nhà máy và các phòng ban.
Nhìn từ điển hình giải pháp số hóa của Siemens XHQ cấu trúc hệ thống số sẽ được chia làm 4 lớp gồm kết nối, thu thập dữ liệu; quản lý, lưu trữ dữ liệu tập trung; xử lý dữ liệu và xuất dữ liệu sang hệ thống khác; phân tích và khai phá dữ liệu. Việc số hóa dữ liệu chọn lọc của tất cả các hệ thống sản xuất, bản hành bảo trì, … có thể xử lý dữ liệu liên tục từ hoạt động sản xuất của nhà máy; khả năng báo cáo và phân tích dữ liệu sản xuất linh động; tối ưu cho việc giám sát vận hành với độ tin cậy cao; thể hiện được sự liên kết trao đổi dữ liệu giữa các phòng ban và những công việc cần thực hiện để cải thiện sự hợp tác; hệ thống đảm bảo các tính năng kỹ thuật làm nền tảng để tiếp tục triển khai các bước số hóa trong thời gian tiếp theo.
“Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ giữ vai trò cốt lõi thì việc số hóa hệ thống sản xuất, quản trị và điều hành sản xuất được xem là xu hướng tất yếu và đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy doanh nghiệp hòa được vào dòng chảy công nghệ 4.0, từ đó, tăng chất lượng sản phẩm và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững”, ông Hoàng nói.
Ông Phạm Trường Sơn - Trưởng BQL KCNC & các KCN Đà Nẵng
Ông Phạm Trường Sơn – Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng: Năm 2020, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và khu công nghệ cao gặp rất nhiều khó khăn. Doanh thu chỉ đạt khoảng 56.000 tỷ đồng, bằng 90% so với năm 2019. 15% số doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất hoặc đóng cửa. Trước những khó khăn của doanh nghiệp, bên cạnh việc chính quyền sẽ nỗ lực giải quyết những vướng mặc, kiến nghị và có những hỗ trợ về cơ chế, chính sách thì bản thân doanh nghiệp phải có những biện pháp cắt giảm, tối ưu hóa chi phí để đạt được những kết quả sản xuất tốt hơn.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang