Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 06:51

Chủ nhật, 28/04/2024 | 06:51

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 10:18 ngày 31/12/2020

100 học viên hoàn thành khóa đào tạo hỗ trợ cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm dệt may

Ngày 30/12, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (IUH) phối hợp với Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức lễ tổng kết và trao giấy chứng nhận cho 100 học viên hoàn thành khóa “Đào tạo quản lý, hỗ trợ kỹ thuật, cải tiến sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm và xử lý môi trường cho các doanh nghiệp ngành dệt may năm 2020”.
PGS-TS. Đàm Sao Mai – Phó Hiệu trưởng IUH và ông Lê Văn Khôi, đại diện Văn phòng Cục Công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, trao Giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp dệt may tham gia cải tiến
Đề án “Đào tạo quản lý, hỗ trợ kỹ thuật, cải tiến sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm và xử lý môi trường cho các doanh nghiệp ngành dệt may” trong khuôn khổ chương trình Phát triển Công nghiệp hỗ trợ từ 2016 – 2025 của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương). Đề án được Cục Công nghiệp giao nhiệm vụ cho IUH chủ trì, nhằm mục tiêu hỗ trợ DN dệt may cải thiện những khó khăn về kỹ thuật, quản lý sản xuất, duy trì, cải tiến tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành, phát triển nguồn nhân lực phù hợp với các chiến lược phát triển của DN theo định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ các DN vừa và nhỏ của Chính phủ Việt Nam. Đồng thời, góp phần hỗ trợ DN theo định hướng phát triển bền vững, cải thiện môi trường ngành dệt nhuộm đang ở mức báo động hiện nay.
Cách thức tiến hành của đề án là hỗ trợ trực tiếp DN ở cả 2 khía cạnh: đào tạo và tư vấn cải tiến hiện trường sản xuất, quản lý chất lượng. Kết quả của đề án là đào tạo được 100 cán bộ quản lý có năng lực học tập và vận dụng được phương pháp JIT, Kaizen và công cụ 5S3D. Sau khóa đào tạo, các học viên có năng lực nhận diện được các loại lãng phí từ thực tế DN, có kiến thức và năng lực vận dụng được 7 công cụ quản lý chất lượng, nâng cao nhận thực và kỹ năng xử lý môi trường dệt-nhuộm-may.
PGS-TS. Đàm Sao Mai – Phó Hiệu trưởng IUH trao Giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo cho các học viên
Đánh giá về khóa “Đào tạo quản lý, hỗ trợ kỹ thuật, cải tiến sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm và xử lý môi trường cho các DN ngành dệt may”, PGS-TS. Đàm Sao Mai – Phó Hiệu trưởng IUH cho biết, đề án thành công và mang lại nhiều thành quả vượt bậc. Cụ thể, đã đào tạo được 100 nhân lực quản lý cho hơn 70 DN; thực hiện cải tiến cho 20 DN dệt may. 20 DN được đề án hướng dẫn triển khai được tổng số là 231 đề tài dựa trên 4 chỉ số hiện trường năng suất, chất lượng, kho vận và 5S3D.
Đáng chú ý, đề án đã hỗ trợ cho các DN dệt may tăng 10% năng suất các hoạt động sản xuất; Giảm tỷ lệ sự cố lỗi sản phẩm 20%; Tăng 30% hiệu quả hoạt động của tài sản, thiết bị, nhà xưởng; Giảm 10% chi phí vận hành DN và tăng 10 % doanh số và lợi nhuận như mục tiêu đặt ra.
“Đặc biệt, đề án đã hoàn tất việc xây dựng được bộ tài liệu tiêu chuẩn cho doanh nghiệp về áp dụng phương pháp JIT, Kaizen và 5S và các loại lãng phí, các công cụ quản lý chất lượng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, xử lý môi trường ngành dệt may. Dựa trên bộ tài liệu đã xây dựng, hướng dẫn phương pháp triển khai, chuẩn hóa các form quy định, nhân rộng công tác đào tạo nội bộ” - Phó Hiệu trưởng IUH khẳng định.
Ông Lê Văn Khôi, đại diện Văn phòng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) tại TP. Hồ Chí Minh, trao Giấy chứng nhận cho các học viên
Đánh giá cao về Đề án “Đào tạo quản lý, hỗ trợ kỹ thuật, cải tiến sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm và xử lý môi trường cho các doanh nghiệp ngành dệt may”, ông Kha Đức - Giám đốc Công ty TNHH TNHH SX TM DV Minh Đạt, học viên hoàn thành khóa đào tạo nhấn mạnh, chường trình đào tạo đã góp phần thiết thực giải quyết các vấn đề mà các DN đang phải đối mặt. Đồng thời khẳng định, sau khóa học sẽ ứng dụng kiến thức vào thực tiễn DN của mình và mong muốn Cục Công nghiệp tiếp tục tổ chức các khóa học mới nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho công đồng DN dệt may.
TS. Phạm Thị Hồng Phượng - chủ nhiệm đề án nhìn nhận, đề án đạt được mục tiêu lan tỏa, xây dựng được mạng lưới kết nối các chuyên gia cũng như các DN cần tư vấn, hỗ trợ thuộc ngành dệt-nhuộm-in hoa-may mặc. Đặc biệt, hỗ trợ các DN duy trì, cải tiến liên tục, không ngừng thúc đẩy hiệu quả, nâng cao sự thỏa mãn khách hàng, tạo điều kiện tìm kiếm các nhà sản xuất quốc tế và nội địa có giá trị cao, tạo ra các chiến lược phát triển DN dệt may phát triển bền vững. Đồng thời, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách và tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, tạo sức lan tỏa trong công đồng các DN dệt may nói riêng và công nghiệp hỗ trợ nói chung.
Trước đó, nhằm hỗ trợ DN dệt may đạt mục tiêu tăng 10% năng suất các hoạt động sản xuất; tăng 30% hiệu quả hoạt động của tài sản, thiết bị, nhà xưởng và tăng 10% doanh số, lợi nhuận… sáng ngày 24/10/2020, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã khai giảng lớp “Đào tạo quản lý, hỗ trợ kỹ thuật, cải tiến sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm và xử lý môi trường cho các doanh nghiệp ngành dệt may”.
Danh sách các 20 công ty tham gia cải tiến sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm: Công ty Cổ Phần Lai Cung Én Phúc Sang; Công ty TNHH in Thuận Phương; Công ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Dịch Vụ Minh Đạt; Công ty TNHH SX TM XNK Việt Hàn; Công ty TNHH SX & TM Yêu Trẻ; Công ty SG Hải Liên; Công ty Cổ phần May Việt Tiến; Công ty TNHH Dệt May Bảy Hiền; Công ty Cổ phần may Việt Tân; Công ty TNHH Dệt may Hưng Thái; Công ty TNHH Tân Duy Phát; Công ty Tnhh MTV Dệt Kim Đông Phương; Công ty TNHH Viking Việt Nam; Công ty Cổ phần Dệt may Thành Công; Công ty Cổ phần Công nghệ Tinh Thông; Công ty May mặc Thành Phát; Công ty TNHH Thương Mại và Kỹ Thuật Mộc Nhiên; Công ty TNHH Vải Sợi Cường Thuận Phát; Công ty TNHH TM DV & SX Tân Châu; Công ty TNHH MTV Vải Sợi Bảo Lân.
Theo: Báo Công Thương

lên đầu trang