Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 04:40

Thứ bảy, 27/04/2024 | 04:40

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 08:25 ngày 06/01/2021

Phát triển kinh tế số - cơ hội cải thiện năng suất lao động

Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội để cải thiện mạnh mẽ mức NSLĐ trong tổng thể nền kinh tế, từ đó kinh tế có đạt được phát triển bền vững, đồng thời chống đỡ được các cú sốc từ bên ngoài.
Theo nhận định từ các chuyên gia, dịch Covid-19 đã vô tình tạo ra một cơ hội thay đổi phương thức phát triển và cấu trúc kinh tế Việt Nam theo hướng áp dụng ngày càng nhiều hơn kinh tế số. Dự kiến kinh tế số Việt Nam sẽ vượt 43 tỷ USD vào năm 2025 và tăng trưởng nóng nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, gọi xe công nghệ.
Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội để cải thiện mạnh mẽ mức NSLĐ. Ảnh minh họa. 
Báo cáo Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2019 với chủ đề Cải thiện năng suất lao động (NSLĐ) trong bối cảnh kinh tế số do trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố mới đây chỉ rõ: Kinh tế số sẽ là một trong những động lực tăng năng suất mới. Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội để cải thiện mạnh mẽ mức NSLĐ trong tổng thể nền kinh tế, từ đó kinh tế đạt được phát triển bền vững và đồng thời chống đỡ được các cú sốc từ bên ngoài.
Báo cáo đưa ra bốn kịch bản của kinh tế số và dự báo NSLĐ đến năm 2030 trong bối cảnh kinh tế số. Nếu phát triển kinh tế số theo bốn kịch bản chuyển đổi số từ mức chậm đến các mức gia tăng ứng dụng công nghệ số khác nhau, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam sẽ đạt mức trung bình thấp nhất là 6,25%, cao nhất là 6,97%.
Cụ thể, ở kịch bản nền kinh tế chuyển đổi số chậm: Tốc độ tăng NSLĐ trung bình là 6,25%/năm. Trong đó, riêng kinh tế số đóng góp 0,43%. Ở kịch bản lạc quan nhất: Việt Nam đã hoàn thành xây dựng nền kinh tế số, gia tăng ứng dụng công nghệ số và phát triển ngành công nghệ thông tin, tốc độ tăng NSLĐ trung bình là 6,97%/năm. Trong đó, riêng kinh tế số đóng góp 1,15%.
Theo GS. TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế quốc dân, tuy có sự tăng trưởng về quy mô kinh tế số nhưng mức độ sẵn sàng cho số hóa của Việt Nam chỉ đứng ở mức trung bình, xếp thứ 70/141 quốc gia, có khoảng cách khá xa so với Malaysia (đứng thứ 38) và Thái Lan (đứng thứ 55).
Để tăng tốc phát triển kinh tế số, Việt Nam cần có chiến lược khung làm nền tảng cho các định hướng và hành lang pháp lý, thể chế cho việc chuyển đổi số. Đồng thời tạo điều kiện căn bản để thu hút được nguồn vốn dành cho đầu tư số hóa nền kinh tế, cụ thể là hạ tầng và dịch vụ số.
Đồng quan điểm, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh cho biết, sự phát triển khá nhanh của khoa học công nghệ, kinh tế số và các phương thức, mô hình kinh doanh mới đang khiến cơ quan quản lý khá lúng túng. Môi trường pháp lý và thể chế cho phát triển kinh tế số ở Việt Nam hiện chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, minh bạch và chưa mang tính kiến tạo. Do đó, trong các nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số, cần nhấn mạnh vấn đề kiến tạo thể chế, xây dựng chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, kinh tế số.
Ngoài ra, sự phát triển kinh tế số đặt ra những thách thức về an toàn, an ninh mạng, bảo vệ thông tin quốc gia và của người dân đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật để hạn chế những tác động tiêu cực của các vụ tấn công, lấy cắp thông tin mạng, tin tức giả… Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng hơn, các quy định về an ninh mạng cần phù hợp với các cam kết quốc tế…
Theo: VietQ.vn

lên đầu trang