Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 15:39

Thứ hai, 29/04/2024 | 15:39

Chính sách

Cập nhật lúc 14:08 ngày 03/12/2014

Dự án nhà máy sản xuất vi mạch:Đặt nền móng cho công nghiệp vi mạch Việt Nam

Nhằm góp phần phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đến năm 2020, Bộ Công Thương vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án nhà máy sản xuất vi mạch (chip điện tử) của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn.

Nền móng cho công nghiệp vi mạch

Vi mạch là công nghệ rất quan vì có rất nhiều ứng dụng cần đến công nghệ này, từ các chip vi mạch trong dân sự (sim card điện thoại di động, chứng minh thư điện tử...) đến lĩnh vực an ninh quốc phòng. Đặc biệt, trong an ninh quốc phòng, mọi quốc gia đều muốn tự sản xuất chip để đảm bảo an toàn thông tin. Không nằm ngoài xu thế này, Việt Nam đã coi công nghiệp vi mạch là ngành ưu tiên số 1 trong danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao cần được ưu tiên đầu tư, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nhằm góp phần vào mục tiêu phát triển các ngành công nghệ cao, Bộ Công Thương vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án nhà máy sản xuất vi mạch (chip điện tử) của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn. Với vị thế là dự án sản xuất vi mạch đầu tiên của nước ta, dự án này được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn và tạo động lực cho ngành công nghiệp vi mạch của Việt Nam. Cụ thể, cùng với các đề án, dự án khác về nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực trong chương trình vi mạch, dự án có vị trí trung tâm trong việc hình thành hệ sinh thái ngành công nghiệp sản xuất vi mạch điện tử của khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và rộng hơn là Việt Nam. Khi đi vào hoạt động, các sản phẩm vi mạch điện tử của dự án sẽ cung cấp sản phẩm cho ngành công nghiệp hỗ trợ, không những đáp ứng nhu cầu thay thế nhập khẩu của thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu của ngành công nghiệp điện tử. Sản phẩm quốc gia vi mạch điện tử chỉ có thể phát triển khi nhà máy sản xuất vi mạch của doanh nghiệp trong nước đi vào hoạt động. Do đó, khi đi vào hoạt động, dự án cũng được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm để thực hiện các dự án khoa học và công nghệ trong nước, làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo sản phẩm vi mạch điện tử cũng như là cơ sở để triển khai những kết quả nghiên cứu về vi mạch điện tử vào thực tế trên quy mô công nghiệp.

Riêng về vấn đề nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch điện tử trong tương lai, với việc hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu hàng đầu trong nước về kỹ thuật điện tử, dự án khi hoạt động sẽ là trung tâm đầu tiên tại Việt Nam có môi trường thực tiễn phục vụ đào tạo, thực tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ cho đội ngũ các nhà khoa học, kỹ sư, sinh viên. Trong tương lai, đội ngũ này sẽ góp phần phục vụ các mục tiêu về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành công nghiệp điện tử nói chung, ngành công nghiệp sản xuất vi mạch nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Đặc biệt, đến năm 2020, các sản phẩm của Dự án cũng được kỳ vọng sẽ cung cấp các sản phẩm đòi hỏi mức độ bảo mật thông tin cao như thẻ định danh cá nhân, thẻ ngân hàng, hệ thống quản lý khí tài quân sự... Và sau năm 2020, Dự án sẽ từng bước đáp ứng nhu cầu về thiết kế, chế tạo các sản phẩm vi mạch cho thiết bị, khí tài quân sự.

Dự án đầu tư dây chuyền công nghệ thiết bị sản xuất vi mạch điện tử theo công nghệ node 180nm sử dụng wafer 200mm (công nghệ 180nm/200mm) với khả năng nâng cấp lên công nghệ 130nm/200mm cho giai đoạn mở rộng. Công suất giai đoạn I của nhà máy là 5.000-10.000 wafer/tháng và có khả năng nâng công suất lên gấp đôi cho giai đoạn mở rộng. Phương án lựa chọn công nghệ của dự án đã được tổ chuyên gia thẩm định công nghệ độc lập của Bộ Công Thương đánh giá và kết luận “là công nghệ hiện đại ở mức khá, đảm bảo tính tiên tiến và đang được sử dụng phổ biến trên thế giới, phù hợp với điều kiện Việt Nam, chiến lược kinh doanh của chủ đầu tư và kinh phí dự kiến đầu tư”. Sản phẩm chiến lược của Dự án bao gồm; chip RFID, chip năng lượng (power IC) và chip điện tử thông dụng (vi điều khiển 8, 16, 32 bit...).


Cần thêm hỗ trợ

Theo Bộ Công Thương, dự án có tổng mức đầu tư trên 5.300 tỷ đồng. Sau khi đi vào hoạt động, dự án sẽ hoàn vốn sau khoảng 9 năm. Đây sẽ là một trong những viên gạch đầu tiên góp phần xây dựng ngành công nghiệp vi mạch của Việt Nam. Do đó, để dự án được thực hiện thành công, chủ đầu tư dự án đã có một số kiến nghị. Thứ nhất, cho phép dự án được vay tín dụng đầu tư phát triển 60% tổng mức đầu tư dự án (tương đương 3.199.057 triệu đồng) từ Ngân hàng phát triển Việt Nam với lãi suất ưu đãi theo quy định và hỗ trợ toàn bộ lãi suất vay trong thời hạn 5 năm. Thứ hai, dự án được hỗ trợ kinh phí làm chủ, thích nghi và chuyển giao công nghệ, trang thiết bị phòng thử nghiệm theo Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao. Thứ ba, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn được nộp chậm trong thời hạn một năm 60% thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp trong năm 2015 (1.501 tỷ đồng) để có nguồn vốn đầu tư triển khai dự án trong giai đoạn đầu. Sau khi Dự án được Ngân hàng phát triển Việt Nam giải ngân nguồn vốn tín dụng phát triển, chủ đầu tư sẽ hoàn trả lại ngân sách nhà nước. Thứ tư, các trang thiết bị nhập khẩu của Dự án, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất thử nghiệm, hoạt động nghiên cứu và phát triển được miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng theo quy định hiện hành. Thứ năm, chủ đầu tư được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 10% trong 30 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Bộ Công Thương cho biết, Dự án “Nhà máy sản xuất vi mạch (chip điện tử)” của Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn là dự án tiên phong trong ngành công nghiệp sản xuất vi mạch tại Việt Nam. Cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ dự án có ý nghĩa quan trọng đối với dự án, đồng thời hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về phát triển công nghiệp công nghệ cao và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nhà máy sản xuất vi mạch khi hoạt động sẽ có tác động lan tỏa đến các ngành công nghiệp điện tử khác, đồng thời góp phần nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia. Dự án đã có sự phối hợp, thống nhất và hỗ trợ đồng bộ của cơ quản chủ quản chủ đầu tư là UBND Thành phố Hồ Chí Minh trong việc triển khai thực hiện. Những vấn đề về công nghệ, dây chuyền thiết bị và thị trường sản phẩm đầu ra của Dự án đã được chủ đầu tư đánh giá, phân tích đồng thời đưa ra những giải pháp thực hiện khả thi và phù hợp với quy định hiện hành. Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng dành cho dự án này những cơ chế chính sách ưu đãi đã được phê duyệt để dự án được triển khai thành công.

 Phương Lan

 

lên đầu trang