Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 03:01

Thứ sáu, 26/04/2024 | 03:01

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 14:38 ngày 18/01/2021

Viện nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa: tập trung tạo ra tri thức và công nghệ mới

Là đơn vị nghiên cứu, triển khai khoa học và công nghệ, trực tiếp thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực điện tử, tin học, tự động hoá, trong thời gian vừa qua Viện Nghiên cứu Điện tử - Tin học - Tự động hoá (VIELINA) đã không ngừng phát triển và ứng dụng các công nghệ khoa học vào trong sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh tư vấn, chuyển giao công nghệ và dịch vụ đào tạo, làm chủ và vận hành các công nghệ, thiết bị một cách hiệu quả.
Ảnh minh họa.
Với nhiệm vụ nghiên cứu và tham gia xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch, định mức kinh tế - kỹ thuật, quy phạm, tiêu chuẩn ngành Điện tử - Tin học - Tự động hoá; Tổ chức các hoạt động thông tin khoa học, công nghệ và kinh tế trong ngành; Giám định, thẩm định, kiểm tra chất lượng các công trình khoa học, quy trình công nghệ, thiết kế các dây chuyền thiết bị, máy phụ tùng các ngành công nghiệp;… Viện đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu mang tính thực tiễn cao, đồng thời ứng dụng được nghiên cứu vào các dự án.
Nhiều nghiên cứu đưa vào ứng dụng
Suốt quá trình 35 năm hình thành và phát triển, VIELINA đã và đang thực hiện 143 đề tài và dự án cấp Bộ, 54 đề tài và dự án cấp Nhà nước, 4 dự án quốc tế; biên soạn 85 tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn ngành; công bố hơn 320 công trình khoa học trên các tạp chí, hội nghị trong nước và quốc tế; đào tạo thành công gần 30 tiến sĩ. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2015 - 2019, Viện đã thực hiện được 34 nhiệm vụ các cấp; trong đó có 7 nhiệm vụ cấp Nhà nước và 27 nhiệm vụ cấp Bộ, với tổng kinh phí được cấp từ ngân sách nhà nước trên 52,4 tỷ đồng.
Một số kết quả nghiên cứu khoa học nổi bật đã được ứng dụng như: Hệ thống điều khiển, giám sát tập trung cho các mỏ hầm lò, đã được Công ty than Uông Bí, Nam Mẫu ứng dụng với tổng giá trị khoảng 25 tỷ đồng; hệ thống thông tin phục vụ công tác cứu hộ trong hầm lò (VIELINA-MRAS) đã được ứng dụng tại Trung tâm Cấp cứu mỏ - VINACOMIN, với tổng giá trị 2,2 tỷ đồng. Hay, hệ thống tự động hóa cho các nhà trồng cây thông minh đã được ứng dụng tại Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu, Công ty TNHH Agriteck Japan, Viện Ứng dụng công nghệ; hệ thống tự động hóa điều khiển trạm trộn bê tông nhựa nóng công suất 120 tấn/giờ đã được ứng dụng tại Công ty Cổ phần Thương mại và Cơ khí công trình (Bumec)… 
Đáng chú ý, Hệ thống điều khiển tích hợp trong khai thác hầm lò của Viện đã được Bộ Công Thương đưa vào danh mục bổ sung máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được tại Quyết định số 812/QĐ-BCT.
Đẩy mạnh hoạt động cung cấp dịch vụ KH&CN
Trong giai đoạn 2015 - 2019, VIELINA còn đẩy mạnh hoạt động cung cấp dịch vụ KH&CN cho nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực với tổng doanh thu đạt 180 tỷ đồng. Theo báo cáo tổng kết, kết quả đầu ra về khoa học giai đoạn 2016-2018, Viện có tổng số 43 công bố khoa học được công bố trong và ngoài nước, chiếm 7,5% tổng số công bố của 11 Viện. Số công bố lần lượt các năm từ 2016 đến 2018 là 25, 11 và 7 công bố. Trong đó, chủ yếu là bài phát biểu tại các hội thảo trong nước (19 bài), bài viết trên các tạp chí trong nước (7 bài), còn lại là bài đăng trên các tạp chí quốc tế (08 bài), bài trình bày tại hội thảo quốc tế (9 bài). Số lượng công bố quốc tế giai đoạn 2016-2018 là 17 bài đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài, chiếm 12,8% tổng số bài công bố trên tạp chí nước ngoài của 11 Viện, là Viện có số công bố quốc tế ở nhóm cao trong số các viện được khảo sát.
Về số công bố khoa học/cán bộ nghiên cứu, trong 03 năm 2016-2018, Viện đạt mức 0,48 công bố/mỗi cán bộ nghiên cứu. Số công bố quốc tế/cán bộ có trình độ tiến sĩ trở lên trong giai đoạn này là 4,25, cao hơn khá nhiều chỉ số trung bình của các Viện. Không chỉ vậy, kết quả đầu ra về công nghệ của Viện cũng rất cao với tổng số đầu ra công nghệ là 72 kết quả. Trong số các đầu ra công nghệ, có 10 kết quả là công nghệ mới do tổ chức phát triển; 28 công nghệ đang đăng ký SHTT; 24 công nghệ đã chuyển giao, 10 công nghệ đã thương mại hóa, các sản phẩm ứng dụng được khách hàng tín nhiệm sử dụng và đầu tư mở rộng. Chính cơ cấu tổ chức phù hợp với mô hình đơn vị nghiên cứu ứng dụng là yếu tố thuận lợi cho Viện trong việc đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Bên cạnh đó, hệ thống phân Viện nằm cả ở khu vực miền trung, và miền Nam giúp Viện mở rộng cơ hội tiếp cận khách hàng trên phạm vi cả nước.
Viện có mức kinh phí trung bình và tốc độ tăng kinh phí giai đoạn 2016 – 2018 cao; 87,4% kinh phí đến từ các đề tài, dự án, trong đó chỉ có 16,3% là các đề tài được chỉ định. Điều này cho thấy năng lực cạnh tranh của Viện và khả năng tìm kiếm các đề tài, dự án từ nguồn bên ngoài. 
VIELINA cũng là một trong số ít Viện thực hiện hoạt động đào tạo tiến sĩ. Hoạt động hợp tác quốc tế của viện cũng rất hiệu quả, gắn với các thỏa thuận hợp tác quốc tế với 02 hợp đồng hợp tác quốc tế, 15 hợp đồng hợp tác trong nước. Đảm bảo phát triển các quan hệ hợp tác về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đầu tư trực tiếp, liên doanh liên kết, dịch vụ khoa học, công nghệ về lĩnh vực Điện tử - Tin học - Tự động hoá với các tổ chức, đơn vị.
Tập trung tạo ra tri thức và công nghệ mới
Tuy vẫn còn một số hạn chế trong hoạt động nghiên cứu tư vấn chiến lược, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật; cung cấp dịch vụ giám định, kiểm tra chất lượng các công trình khoa học, quy trình công nghệ; hay như hoạt động đăng ký SHTT mới được quan tâm và đẩy mạnh trong những năm gần đây; hoạt động dịch vụ KH&CN chủ yếu là các hợp đồng bảo dưỡng, sửa chữa các hệ thống máy móc thiết bị trong 2 lĩnh vực nhiệt điện và hầm lò; nhưng Viện cũng đã triển khai các biện pháp đẩy mạnh hoạt động dịch vụ KH&CN, trong đó tập trung vào hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ. Đồng thời, đẩy mạnh dịch vụ đào tạo nhằm chuyển giao công nghệ, giúp doanh nghiệp làm chủ và vận hành các công nghệ, thiết bị được hiệu quả.
Trong thời gian tới, mục tiêu ưu tiên của Viện đó là tập trung vào việc tạo ra tri thức và công nghệ mới, đồng thời đẩy mạnh việc chuyển giao, thương mại hóa các kết quả này. Viện hướng đến xây dựng Chiến lược và các định hướng ưu tiên phát triển trong giai đoạn tiếp theo trên cơ sở đánh giá xu hướng phát triển công nghệ, nhu cầu của thị trường và đặc biệt là thế mạnh hiện có của Viện; xác định các lĩnh vực ưu tiên, sản phẩm khoa học công nghệ trọng điểm để nghiên cứu, chuyển giao, thương mại hóa làm căn cứ cơ cấu lại hệ thống đơn vị chuyên môn, phân bố nguồn nhân lực và tìm kiếm các nguồn lực tài chính phủ hợp. Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện kết quả phát triển và thương mại hóa công nghệ cũng như cải thiện kết quả nghiên cứu khoa học.
Doãn Tâm
lên đầu trang