Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 05:22

Thứ hai, 29/04/2024 | 05:22

Chính sách

Cập nhật lúc 09:09 ngày 10/10/2015

Phấn đấu mục tiêu 5.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ

Theo yêu cầu của Chính phủ, đến năm 2020, Việt Nam phải có khoảng 5.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN). Các chuyên gia hy vọng, với những chính sách mới, quyết liệt và cởi mở hơn, số lượng doanh nghiệp KHCN ở Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng và có những đóng góp lớn hơn đối với sự phát triển của đất nước.

7 năm qua, Bộ KHCN đã hình thành một hệ thống khoảng 2.000 doanh nghiệp trên cả  nước đáp ứng được các tiêu chí về doanh nghiệp KHCN. Tuy nhiên, chưa đến 200 doanh nghiệp chính thức được công nhận. Lý do là còn nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được những chính sách ưu đãi của chính phủ, chưa có đủ thông tin về mô hình hoạt động này. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính còn rất nhiều vướng mắc, nhất là ở địa phương, cho nên việc cấp giấy chứng nhận chưa nhiều.

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình hỗ trợ các tổ chức KHCN chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hình thành các doanh nghiệp KHCN. Chương trình sẽ được khởi động trong năm nay. Theo đó, nhà nước sẽ hỗ trợ cho các tổ chức, các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học khi có kết quả nghiên cứu thì chuyển ngay sang thành lập các doanh nghiệp trực thuộc, hoặc chuyển đổi chính các tổ chức thành doanh nghiệp KHCN nhằm thương mại hóa, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào đời sống kinh tế - xã hội.Hiện nay ngành KHCN cũng đã xây dựng các chương trình, dự án hợp tác quốc tế nhằm tìm các nguồn lực hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi này. Trong đó phải kể đến dự án đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu KHCN do Ngân hàng thế giới tài trợ (dự án FIRST) đã dành một lượng kinh phí khoảng 30 triệu USD trên tổng số 100 triệu USD của dự án để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới, hướng tới trở thành doanh nghiệp KHCN; hay dự án hợp tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan IPP giai đoạn 2 với nguồn tài trợ khoảng 10 triệu EUR của Phần Lan… cũng hướng tới mục tiêu nói trên.

Để đạt được mục tiêu 5.000 doanh nghiệp KHCN, nhiệm vụ của ngành KHCN thời gian tới là xây dựng cơ chế, chính sách thiết thực và hiệu quả để thu hút các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia nước ngoài hợp tác tham gia hoạt động KHCN ở nước ta. Theo số liệu chưa đầy đủ, hiện nay có khoảng 400.000 trí thức Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, chiếm hơn 10% người Việt Nam ở nước ngoài. Trong số đó, có những chuyên gia giỏi đang làm việc ở những lĩnh vực công nghệ cao như: điện tử, sinh học, vật liệu mới, hàng không vũ trụ và các lĩnh vực quan trọng khác. Nhiều người nắm giữ những vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, công ty kinh doanh của các nước và các tổ chức quốc tế. Đây là tài sản quý giá của đất nước, rất cần được phát huy và tạo điều kiện để họ góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. 

 Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân:

Dự án FIRST với mục tiêu đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ của Bộ KHCN sẽ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó là các khoản tài trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp và chuyên gia Việt kiều nhằm khuyến khích, thu hút cộng đồng tri thức người Việt ở nước ngoài đóng góp vào sự phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam… 

Theo Báo Công Thương

lên đầu trang