Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 04/05/2024 | 04:35

Thứ bảy, 04/05/2024 | 04:35

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:53 ngày 25/01/2021

Tín hiệu lạc quan từ dòng vốn FDI

Tín hiệu vui

Trong xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, được các nhà đầu tư quan tâm vì sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện đất đai môi trường, nhân lực…

Minh chứng rõ nét là chỉ trong 13 ngày đầu năm 2021, tỉnh Đồng Nai đã “hút” 11 dự án FDI, trong đó 3 dự án cấp mới, 8 dự án tăng vốn với tổng số vốn hơn 226 triệu USD. Đây là con số cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua của tỉnh trong việc thu hút vốn FDI. Hay ngày 18/1/2020, 4 dự án FDI lớn với tổng vốn đầu tư gần 13.000 tỷ đồng đã “mở hàng” tại Bắc Giang. Đáng chú ý, trong số các dự án này có dự án “Nhà máy Fukang Technology” của nhà đầu tư “Foxconn Singapore PTE Ltd” (trụ sở chính tại Singapore), là hãng chế tạo linh kiện điện tử, máy tính lớn nhất thế giới đang sản xuất cho Macbook, iPhone, iPad cho Apple. Dự án này được đầu tư với mục tiêu sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay, quy mô công suất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư đăng ký 6.233 tỷ đồng, tương đương 270 triệu USD với diện tích hơn 22ha.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang dần hồi phục và duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh và mở rộng dự án. Nhiều “đại bàng”, thậm chí nhà đầu tư nước ngoài vừa và nhỏ đã thể hiện sự quan tâm, tin tưởng và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Mới đây, Tập đoàn Foxconn Việt Nam do Tổng giám đốc Zhuo Xiam Hong làm trưởng đoàn vừa tới Thanh Hóa khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất thiết bị điện tử. Theo đó, Foxconn Việt Nam mong muốn tỉnh Thanh Hóa giới thiệu địa điểm và ủng hộ tập đoàn đầu tư vào một khu công nghiệp quy mô khoảng 150 ha để xây dựng các nhà máy sản xuất với tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD, doanh thu xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD/năm, sử dụng khoảng 100.000 - 150.000 lao động.

Hay tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc với nhà đầu tư Hàn Quốc cuối năm 2020, lãnh đạo Vĩnh Phúc cho biết, đã có nhiều “đại bàng” quan tâm tìm hiểu về chính sách đầu tư nước ngoài tại địa phương sau 2 dự án FDI thuộc dạng “khủng” được tỉnh công bố sau đợt thực hiện giãn cách xã hội vì Covid-19.

Nhiều doanh nghiệp FDI đang sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam

Sẵn sàng đón dòng đầu tư mới

Với bức tranh sáng sủa mở màn ngay từ đầu năm 2021, TS. Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài rất kỳ vọng vào việc dịch chuyển đầu tư của các “ông lớn” từ các quốc gia khác sang Việt Nam trong năm 2021. Không chỉ có “đại bàng”, nhiều nhà đầu tư vừa và nhỏ đến từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... cũng rất quan trọng. Những dự án FDI nhỏ, tận dụng các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, sẽ tiếp tục vào Việt Nam trong năm tới. Dòng vốn FDI dự kiến sẽ tăng mạnh trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Tuy nhiên, để đạt được điều này, Việt Nam phải chuẩn bị rất nhiều việc. Đó là chuẩn bị mặt bằng cho phát triển sản xuất và nguồn nhân lực để đón dòng đầu tư mới. Ngoài ra, theo ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam còn phải chuẩn bị chiến lược thu hút đầu tư mới, với việc chuyển trọng điểm chính sách thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án tạo giá trị gia tăng cao, có mô hình quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ với khu vực kinh tế trong nước…

“Sẽ có những chính sách khuyến khích, ưu đãi vượt trội mang tính cạnh tranh quốc tế để thu hút các dự án lớn, quan trọng, các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia, nhưng cũng sẽ nói “không” với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên”- ông Đỗ Nhất Hoàng cho hay.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực vốn FDI, ngay từ đầu năm 2021, Luật Đầu tư sửa đổi (2020) chính thức có hiệu lực. Luật đã bổ sung quy định cho phép Thủ tướng Chính phủ áp dụng ưu đãi đặc biệt để tạo cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn, kịp thời thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, cho phép áp dụng ưu đãi tối đa thêm 50% so với mức cao nhất theo quy định của Luật hiện hành. Luật cũng sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhằm bảo đảm thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chất lượng như hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành; áp dụng ưu đãi có thời hạn, theo kết quả thực hiện dự án…

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), riêng năm 2020, đã có gần 300 doanh nghiệp từ các nước trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư/đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam. Điều này chứng tỏ, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư an toàn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Báo điện tử Công Thương

lên đầu trang