Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 17/05/2024 | 12:33

Thứ sáu, 17/05/2024 | 12:33

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:52 ngày 25/01/2021

Ngành Công Thương Vĩnh Phúc: Tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh

Những ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2020 đã làm giảm sự tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp và hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, một số ngành công nghiệp chủ lực tăng trưởng giảm so với dự kiến.

Công nghiệp, thương mại tăng trưởng khá

Theo Sở Công Thương Vĩnh Phúc, giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2020 của tỉnh dự kiến đạt 266.413,2 tỷ đồng, tăng 5,3% so với năm 2019 và đạt 97,3% so với kế hoạch năm. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục duy trì được tăng trưởng ổn định, một số ngành công nghiệp chủ lực tiếp tục được phát triển, nhiều sản phẩm công nghiệp tăng trưởng khá.

Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh thương mại cũng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong năm 2020 dự kiến đạt 51.701 tỷ đồng, tăng 1,8% so với năm 2019, đạt 91,5% so với kế hoạch năm 2020. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng năm 2020 tăng 3,93 % so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất, tăng 15,6% so với cùng kỳ, tiếp đến là nhóm hàng đồ uống và thuốc là tăng 3,96 %; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,43%; nhóm giáo dục tăng 4,46%. Các nhóm có chỉ số bình quân 11 tháng giảm so với năm 2019 là: May mặc, mũ nón và giày dép, giảm 1,78%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,38 %; nhóm giao thông giảm 12,42%; nhóm văn hóa giải trí và du lịch giảm 1,54%.

Ông Phan Anh Thông - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Vĩnh Phúc) - cho biết: tình hình công nghiệp thương mại trên địa bàn tỉnh năm 2020 còn nhiều hạn chế như hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, giãn tiến độ, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động. Tình hình kinh doanh của các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh cũng không nhộn nhịp như mọi năm.

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục duy trì được tăng trưởng ổn định

Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng có giảm nhưng lượng hàng hoá trên địa bàn tỉnh vẫn khá đa dạng, giá cả ổn định, các chương trình giảm giá, khuyến mại được tổ chức thường xuyên. Đáng chú ý, thị trường xuất khẩu của tỉnh vẫn duy trì ổn định, số doanh nghiệp xuất khẩu tăng, đóng góp thêm về chủng loại hàng hóa tham gia xuất khẩu và nâng cao giá trị xuất khẩu. Với khoảng trên 200 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 4.712 triệu USD, tăng 19,98% so với năm 2019. Thị trường xuất khẩu chủ yếu tập trung vào 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như ASEAN, Hoa Kỳ, EU, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... Kim ngạch nhập khẩu năm 2020 dự kiến đạt 8.822.98 triệu USD, tăng 14,98% so với năm 2019. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là các linh kiện phụ tùng ô tô xe máy, thiết bị, nguyên vật liệu, vải may mặc và nguyên phụ liệu, phụ liệu sản xuất giày dép, nguyên liệu khác phục vụ sản xuất, tân dược, thức ăn gia súc...

Nỗ lực phục hồi 

Xác định những ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2020 sẽ có thể kéo dài sang năm 2021 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp như phải tập trung phòng chống dịch, thiếu nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn… ngành Công Thương Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch, với những giải pháp nhằm khôi phục hoạt động sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tại địa phương. Trong đó, ngành Công Thương phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 dự kiến đạt 297.066 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2020. Các sản phẩm sản xuất chủ yếu trên địa bàn chủ yếu tập trung vào sản xuất ô tô, thức ăn gia súc gia cầm, quần áo, vật liệu xây dựng, linh kiện điện tử. Về hoạt động thương mại phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hoa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 dự kiến đạt 56.871 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Sở Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng, triển khai các định hướng về phát triển ngành Công Thương, trong đó, tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh trên tại địa phương. Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến tình hình, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; triển khai hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến công và phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy thị trường nội địa, hỗ trợ thông tin hội nhập kinh tế quốc tế. Song song, đẩy nhanh thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp và thương mại, đảm bảo cung ứng điện ổn định cho sản xuất và nhu cầu của người dân.

Ngành Công Thương tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại, quy hoạch khu, cụm công nghiệp… gắn với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và các quy hoạch ngành lĩnh vực khác phù hợp với phát triển chiến lược của ngành. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tuyên truyền chính sách, pháp luật về thương mại, công nghiệp, chương trình xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 – 2025 trong bối cảnh mới.

Theo Báo điện tử Công Thương

lên đầu trang