Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 09/10/2024 | 13:22

Thứ tư, 09/10/2024 | 13:22

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:04 ngày 26/01/2021

Việt Nam – Ucraina: Hợp tác kinh tế, thương mại phát triển tích cực

Bất chấp những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ucraina năm 2020 vẫn tăng so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, so với tiềm năng, mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai bên, tăng trưởng vẫn chưa tương xứng, còn nhiều dư địa phát triển thời gian tới.
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế, Thương mại và Nông nghiệp Ucraina Taras Kachka tại Khóa họp 15 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Ucraina về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học, kỹ thuật bằng hình thức trực tuyến, diễn ra ngày 25/1.
Khóa họp được tổ chức trong không khí hữu nghị và xây dựng, thể hiện kỳ vọng và mong mốn của hai bên trong việc phát triển hơn nữa hợp tác đôi bên cùng có lợi, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục kéo dài.
Phát biểu tại Khóa họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng An - cho biết, năm 2020 người dân và cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu phải gồng mình chống chọi với những khó khăn do đại dịch Covid-19; sản xuất kinh doanh bị đình đốn, tình trạng mất việc làm, giảm đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng của thế giới về vượt qua thách thực hiện thành công mục tiêu kép trong phòng chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế dương 2,9%.
Theo Thứ trưởng, kết thúc năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu (XK) được 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỷ 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ XK cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch. Đặc biệt, việc ký kết một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn, quan trọng như EVFTA, CPTPP cho thấy Việt Nam xứng đáng là trung tâm FTA và là cầu nối kinh doanh của thế giới cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đánh giá về quan hệ giữa Việt Nam và Ucraina, Thứ trưởng Đặng Hoàng An - nêu rõ: hai bên đã và đang có một nền tảng quan hệ kinh tế, chính trị tốt đẹp hơn bao giờ hết. Trong đó, về thương mại, thống kê từ Hải quan Việt Nam, năm 2020 XK từ Việt Nam sang Ucraina đạt 284,8 triệu USD (tăng 15,04%), nhập khẩu (NK) đạt 193,5 triệu USD (tăng 58,81%), tổng kim ngạch đạt 478,33 triệu USD (tăng 29,48%). Còn theo Cục Hải quan Ucraina, kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Ucraina và Việt Nam trong 11 tháng năm 2020 đạt 597,0 triệu USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ 2019, trong đó XK đạt 178,1 triệu USD, tăng gấp 2 lần, NK đạt 418,9 triệu USD, tăng 6,7%.
"Tuy nhiên, dù kim ngạch XNK tăng trở lại nhưng vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch ngoại thương của mỗi nước, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai bên, trong đó chỉ chiếm 0,1% kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới và 0,6% tổng kim ngạch thương mại của Ucraina với thế giới"- Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho hay.
Về đầu tư, cho đến nay, Ucraina mới có 27 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn khoảng 30,1 triệu USD, đứng thứ 67 trên tổng số 138 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các dự án tập trung chủ yếu trên các lĩnh vực vận tải kho bãi, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoa học công nghệ. Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 6 dự án tại Ucraina với tổng vốn đầu tư 4 triệu USD, phần lớn do doanh nghiệp Việt Nam sinh sống, làm ăn tại Ucraina đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm, bao bì, nhà hàng...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An
Ông Taras Kachka cũng nhấn mạnh, cho đến nay, dư địa hợp tác hai bên rất lớn, nhất là trên các lĩnh vực công nghiệp, hàng không, sản xuất ô tô, dụng cụ khai thác khoáng sản; dược phẩm, nông nghiệp.
Trên cơ sở kết quả hợp tác, mối quan hệ chính trị, kinh tế tốt đẹp của hai nước, hiện Ucraina đang rất quan tâm và thúc đẩy hợp tác với Việt Nam về nhiều lĩnh vực, trong đó mong muốn sớm thiết lập khuôn khổ hợp tác trong kiểm soát chất lượng của dược phẩm, tìm kiếm cơ hội mới để hợp tác về lĩnh vực này với Việt Nam. “Thông qua các nội dung hợp tác cũng như mở cửa đầu tư với Việt Nam, Ucraina luôn tin tưởng và cố gắng để đảm bảo tăng trưởng XNK hai chiều đạt kết quả tích cực; đồng thời tiếp tục tái khẳng định hợp tác với Việt Nam là ưu tiên của Chính phủ Ucraina”- ông Taras Kachka khẳng định.
Thông qua các trao đổi hợp tác song phương tại Khóa họp, hai đồng chủ tịch Khóa họp đã thống nhất: Hai bên cần tập trung vào việc thúc đẩy hơn nữa thương mại, đầu tư (các dự án hạ tầng, năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường), chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực hàng không, vũ trụ, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, công nghệ thông tin, công nghệ quốc phòng.
Cụ thể, về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, hai bên thống nhất trao đổi thông tin về chính sách thương mại; thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước nhằm triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư, cũng như tìm kiếm khả năng hợp tác mới. Về hợp tác công nghiệp, hai bên thống nhất kế hoạch thành lập Ngôi nhà Ucraina ở Việt Nam và Ngôi nhà Việt Nam tại Ucraina để giới thiệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam cũng như Ucraina tại thị trường của nhau. Đặc biệt, hai bên quan tâm đến xử lý da của Ucraina, trong đó có công nghệ da chống thấm nước có khả năng sử dụng trong nghiệp quốc phòng và công nghiệp da khác.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An ký kết Biên bản Khóa họp 15 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Ucraina
Trong lĩnh vực chế biến khoáng sản, phía Việt Nam đề nghị xem xét hợp tác trong việc nghiên cứu công nghệ chế biến sa khoáng ven biển, sản xuất pigment TiO2, bột titan kim loại và các sản phẩm đi từ bột titan kim loại chất lượng cao. Theo đó, hai bên đề nghị Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Viện Titan Ucraina trao đổi việc sử dụng phương pháp clor để chế biến quặng Ilmenit. Đồng thời, hai bên thống nhất khai thác khả năng để triển khai nâng cao hiệu quả chế biến quạng bô-xit Tây Nguyên và tái chế bùn đỏ và chiết xuất các thành phần giá trị từ bùn đỏ.
Đặc biệt, Việt Nam đề nghị phía Ucraina phối hợp triển khai nghiên cứu công nghệ làm giàu và chế biến quạng graphite nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu cho ngành công nghiệp công nghệ cao, cũng như công nghệ làm giàu khoáng sản có sử dụng vi sinh vật thay thế cho các phương pháp làm giàu bằng hóa chất. Phía Việt Nam cũng đề nghị Việt Nam xem xét khả năng hợp tác trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp. Để triển khai hợp tác này, phía Ucraina sẽ gửi danh mục sản phẩm các phương tiện kỹ thuật cần thiết cho ngành công nghiệp và nông nghiệp, đồng thời gửi đề xuất về khả năng cung cấp cho thị trường Việt Nam.

Lễ Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các cơ quan Việt Nam - Ucraina về lĩnh vực chứng khoán và lĩnh vực vũ trụ
Bên cạnh đó, hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; khoa học công nghệ, lĩnh vực vũ trụ; nhất trí về chương trình nghiên cứu địa chất, đánh giá, thăm dò, khai thác chế biến nguồn tài nguyên đất, nghiên cứu cơ sở khoa học và xây dựng chính sách phù hợp để quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản, đảm bảo phát triển bền vững.
Đáng giá cao kết quả của Khóa họp,Thứ trưởng Đặng Hoàng An - cho rằng, hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam- Ucraina sẽ có bước ngoặt mới, tạo nền tảng cho sự phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, những tồn tại, khó khăn, nhất là nhiều nội dung trong các thỏa thuận hợp tác của hai bên thực hiện chưa như mong đợi, do vậy việc thúc đẩy hợp tác để có hiệu quả cao hơn là hết sức quan trọng. “Bộ Công Thương sẽ phân công nhiệm vụ, đôn đốc, kiểm tra để đảm bảo hiệu quả mà hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong một số lĩnh vực quản lý. Mong rằng, Bộ Phát triển Kinh tế - Thương mại và Nông nghiệp Ucraina cũng cụ thể hóa thực hiện hóa hiệu quả hợp tác hai bên thời gian tới”- Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề nghị.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang