Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 30/04/2024 | 04:09

Thứ ba, 30/04/2024 | 04:09

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:42 ngày 18/07/2013

Tác động của Nghị định 115/NĐ-CP tới hoạt động của các tổ chức KHCN

Hoạt động khoa học và công nghệ đã có những thay đổi cơ bản sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005, quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học công nghệ công lập.  

Việc quy định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao nhất cho các tổ chức khoa học công nghệ công lập, nhằm triển khai chính sách mới để đổi mới hoạt động khoa học công nghệ, phát triển tiềm lực khoa học công nghệ, đáp ứng mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.


Tính đến nay, không kể 02 tổ chức khoa học công nghệ hoạt động nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách phục vụ quản lý nhà nước, không thuộc diện bắt buộc chuyển đổi (Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp và Viện Nghiên cứu thương mại) và 02 viện đã thí điểm chuyển sang hoạt động theo mô hình Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp và Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá), còn lại  21 viện thuộc diện chuyển đổi theo Nghị định 115 (trong đó có 7 viện trực thuộc Bộ và 14 viện trực thuộc các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty) đã hoàn thành việc chuyển đổi theo quy định.

Đánh giá chung, phần lớn các viện sau khi chuyển đổi đã phát huy được những tiềm năng của mình trong hoạt động nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh. Số lượng nhiệm vụ, đề tài, đề án nghiên cứu khoa học đều được tăng thêm. Theo báo cáo của 22 viện, một số chỉ tiêu cơ bản trong 3 năm (2006-2008) như sau:

- Về qui mô, trung bình các viện có từ 150-180 CBCNV, cá biệt có những viện có số lượng CBCNV đông lên tới 300-400 người, điển hình là Viện Dầu khí tới 520 người.

- Về tài sản, có sự tăng đều qua các năm với tín hiệu khả quan. Bình quân các viện có giá trị tài sản khoảng 65 tỉ đồng. Lớn như Viện Dầu khí, tài sản tới xấp xỉ 230 tỉ đồng, nhưng cũng có viện nhỏ như Viện Nghiên cứu Thương mại tài sản chỉ có 4,1 tỉ đồng.

- Về nguồn thu, sau thời gian chuyển đổi, nguồn thu từ kinh phí do ngân sách và cơ quan chủ quản cấp bình quân rất ít, có xu hướng giảm từ 8,7% tổng nguồn thu (năm 2006) xuống còn 6,4% (năm 2008), nhưng, tổng nguồn thu của các viện trong 3 năm tăng trên 1,8 lần. Trong đó, nguồn thu từ các hợp đồng kinh tế, kỹ thuật trung bình hàng năm chiếm trên 50% tổng nguồn thu. Thu nhập bình quân ngày càng tăng và góp phần bảo đảm cho đời sống người làm nghiên cứu khoa học và sản xuất được ổn định.

Ngoài các kết quả cụ thể nêu trên, Nghị định 115 đã góp phần cho hoạt động khoa học công nghệ trong ngành Công Thương có nhiều chuyển biến tích cực. Bước đầu, các viện đã  phát huy được tiềm năng về cơ sở vật chất khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và nguồn vốn để hình thành mô hình hoạt động mới, đa chức năng, đa ngành nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm khoa học công nghệ và năng lực cạnh tranh trên thị trường. Việc gắn kết giữa kết quả nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất, kinh doanh được thúc đẩy đã tạo điều kiện cho các cơ sở nghiên cứu khoa học tiếp cận, thích ứng với đòi hỏi của cơ chế thị trường.

Một số sản phẩm của các đề tài nghiên cứu ứng dụng, công trình tư vấn thiết kế, chế tạo thiết bị chuyên dụng đã được đưa vào sản xuất, chiếm lĩnh thị trường (Viện Mỏ Luyện kim, Viện IMI, Viện Nghiên cứu Cơ khí, Viện Cơ khí năng lượng mỏ, Viện Công nghiệp thực phẩm, Viện Dệt may, Viện Dầu khí...)

Điều đáng chú ý là việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học công nghệ công lập đã phát huy tính tự chủ, năng động cũng như trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân. Cán bộ lãnh đạo các đơn vị đã chủ động đối với công việc của mình, tích cực hơn trong công tác nghiên cứu, tìm kiếm thị trường và chuyển giao công nghệ, bước đầu xoá bỏ tư tưởng bao cấp, đòi hỏi, chờ đợi.

Việc triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định 115 cho đến nay đã được gần 4 năm, về cơ bản, các viện nghiên cứu khoa học công nghệ đã hoàn thành các thủ tục hành chính và từng bước đi vào hoạt động theo cơ chế mới. Nghị đinh 115 mở ra những cơ hội, cơ chế khuyến khích để các tổ chức khoa học công nghệ hoạt động thuận lợi, nhưng vẫn còn một số vấn đề cần tháo gỡ và giải quyết đồng bộ cho các tổ chức khoa học công nghệ đã thực hiện chuyển đổi, thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đó là: vấn đề vay vốn tín dụng tại ngân hàng, giao quyền tự chủ về tài chính, đất đai, hướng dẫn đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động khoa học công nghệ, tăng cường quyền và phân cấp đối với các viện đã chuyển đổi, cơ chế trả lương để tăng thu nhập chính đáng cho đội ngũ cán bộ khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ và cán bộ mới ra trường, vấn đề thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao....

Để các tổ chức khoa học công nghệ công lập sau chuyển đổi theo Nghị định 115 thật sự phát huy được tiềm lực và vai trò quan trọng của mình trong các hoạt động khoa học công nghệ, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và ngành Công thương, các cơ quan hoạch định chính sách cần nhanh chóng, đồng bộ hoàn thiện thể chế, chính sách để giải quyết một số nội dung cụ thể sau:

- Bảo đảm các viện sau khi chuyển đổi thực sự phát huy được quyền của mình đó là tự chủ, tự chịu trách nhiệm phù hợp với quy định của pháp luật.

- Có quy định cụ thể về cơ chế ưu đãi khi chuyển viện đang thực hiện theo Nghị định 115 sang loại hình doanh nghiệp khoa học công nghệ theo Nghị định 80.

- Chính sách hỗ trợ về vốn, hỗ trợ kinh phí giải quyết lao động, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập.

- Xác định rõ mô hình, cơ cấu tổ chức  phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật và có cơ chế tháo gỡ các khó khăn khi chuyển đổi các viện trực thuộc Tập đoàn, Tổng công ty.

- Đối với các viện chuyển sang doanh nghiệp khoa học công nghệ và áp dụng mô hình công ty cổ phần, đề nghị có cơ chế riêng về quy định vốn điều lệ, về giá trị phần vốn nhà nước, về đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước sau khi chuyển sang công ty cổ phần, về xác định giá trị doanh nghiệp (cơ chế xác định giá trị phòng thí nghiệm, đất đai, tài sản, kết quả các công trình nghiên cứu khoa học...), mua cổ phần ưu đãi, xác định cổ đông chiến lược, cổ phiếu vàng, các ưu đãi về thuế...

Việc chuyển đổi các tổ chức khoa học công nghệ công lập theo Nghị định 115 trong thời gian qua thực sự đã đem lại động lực to lớn trong việc củng cố và phát triển các tổ chức khoa học công nghệ. Phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những mặt tồn tại, các tổ chức khoa học công nghệ công lập thuộc Bộ Công Thương đang tích cực triển khai, phấn đấu hoàn thành kế hoạch 2010, góp phần phát triển ngành Công Thương và đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước./.  

 Nguyễn Đình Hiệp

      Vụ trưởng Vụ KHCN   

 

                       

 

 

lên đầu trang