Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 05/05/2024 | 11:58

Chủ nhật, 05/05/2024 | 11:58

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 10:46 ngày 30/05/2015

Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung

Ngày 29/5/2015, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Xây dựng và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức hội thảo Khởi động Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”. Đây là Dự án có tổng vốn đầu tư 38,88 triệu USD, trong đó 2,8 triệu USD được tài trợ bởi Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), còn lại là từ các nguồn tài trợ khác.

Cơ hội và thách thức

Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” sẽ triển khai trong 5 năm, với mục tiêu tổng thể là cắt giảm tỉ lệ phát thải khí nhà kính hàng năm bằng việc giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch thông qua tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung (GKN) ở Việt Nam. Mục tiêu của Dự án là giảm phát thải khí nhà kính trực tiếp ước tính là 383.000 tấn CO2 trong 5 năm thực hiện Dự án, mức giảm phát thải khí nhà kính gián tiếp ước tính đạt 13.409.000 tấn CO2 được tích lũy trong vòng 10 năm sau khi Dự án kết thúc.

Toàn cảnh hội thảo

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, để sản xuất 1 tỉ viên gạch đất sét nung theo phương pháp truyền thống, cần tiêu tốn 1,5 triệu m3 đất màu, tương đương 75 ha đất canh tác của nông dân (độ sâu khai thác là 2m); 150.000 tấn than để đốt lò và thải ra 570.000 tấn CO2 - gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường. Trong khi, nguồn nguyên liệu để sản xuất GKN bao gồm: Xi măng, vôi, thạch cao, phế tải công nghiệp (tro, xỉ, mạt đá…), cát, phụ gia. Nhận thức được tác hại của việc sản xuất gạch đất sét nung và những ưu điểm của việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung, trong 5 năm qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm hạn chế việc sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, tăng cường sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung. Ông Phạm Văn Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, nhu cầu vật liệu xây ở nước ta trong những năm qua tăng với tốc độ từ 10-12%/năm. Theo dự báo, nhu cầu vật liệu xây vào các năm 2015, 2020 tương ứng là 24 và 33 tỉ viên qui tiêu chuẩn (QTC). Và tỉ lệ vật liệu xây không nung vào các năm 2015 và 2020 tương ứng là 20-25%, 30-40%. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu cung cấp vật liệu xây dựng, cần phải duy trì sản xuất cả vật liệu nung và vật liệu không nung.

Để phát triển vật liệu xây không nung, Chính phủ đã có Quyết định 567/2010/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020; Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 15/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung; Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng; Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/08/2014 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030… Có thể thấy, cơ chế chính sách đã có, nhưng việc sản xuất và tiêu thụ GKN vẫn gặp nhiều khó khăn. Đó là ý kiến chung của các đại biểu tham dự Hội thảo. Họ cho rằng, với đà đầu tư sản xuất GKN hiện nay thì việc cung cấp các loại GKN cho thị trường là không thiếu, song quan trọng nhất là cần kích thích khâu tiêu thụ sản phẩm thì mới đảm bảo quá trình phát triển bền vững. Bởi hiện nay, tâm lý sử dụng gạch truyền thống vẫn ăn sâu trong tiềm thức người sử dụng, thậm chí, do không biết sử dụng, sai qui trình xây dựng nên một số công trình sử dụng GKN bị nứt, dẫn đến có những địa phương đã ra văn bản cấm sử dụng GKN, điều đó đã trở thành rào cản rất lớn trong việc phát triển GKN trong tương lai.

Chuyên gia quốc tế của Quỹ Môi trường toàn cầu - ông Roland Wong cho rằng, vai trò của cấp địa phương trong phát triển GKN là rất quan trọng. Hiện nay, do nhiều địa phương chưa thấy hết được tầm quan trọng của việc tiết kiệm tài nguyên đất sét và than, chưa ý thức được việc phải giảm ô nhiễm môi trường khi sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, nên chưa có biện pháp thích hợp để tăng cường sử dụng, khuyến khích sản xuất GKN. Do đó, cần tăng cường vai trò của cấp địa phương trong Dự án này. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cũng khẳng định, không lo ngại về chất lượng vì đã có những tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt đảm bảo tiêu chuẩn của các công trình, nhưng thách thức lớn nhất chính là thói quen tiêu dùng, là tâm lý của từ người sản xuất, sử dụng và của các cơ quan quản lý để chấp nhận sản phẩm này. 

Lựa chọn công nghệ và tiếp cận nguồn vốn

Với các ưu điểm của GKN như ít phát thải khí nhà kính; sử dụng ít nhiên liệu; sử dụng phế thải làm nguyên liệu; nhẹ, có khả năng cách âm, cách nhiệt; đẩy nhanh tiến độ thi công, tạo điều kiện thúc đẩy công nghiệp hóa ngành xây dựng… sản xuất và sử dụng GKN đang là một xu hướng tất yếu của ngành xây dựng trong tương lai. Ông Nguyễn Đình Lợi, chuyên gia của Viện Vật liệu xây dựng cho biết, vật liệu xây không nung bao gồm: Gạch bê tông; Gạch vôi - tro xỉ; Gạch nhẹ (Bê tông khí chưng áp - AAC; Bê tông bọt; Bê tông khí không chưng áp) và Gạch silicat.

Giám đốc Dự án Nguyễn Đình Hậu trình bày dự án

Ông Lợi cũng đề xuất công nghệ phù hợp với Việt Nam theo một nghiên cứu của Viện, bao gồm: Về chủng loại, ưu tiên thứ tự gạch bê tông, gạch ÂC và gạch silicat, tấm tường, bê tông bọt. Về công nghệ, đối với gạch bê tông nên ưu tiên công nghệ rung - ép với qui mô công suất 20 triệu viên QTC/năm, khuyến khích ở các vùng xa với qui mô 2 triệu viên QTC/năm, tận dụng mạt đá, xỉ… làm cốt liệu thay thế cát hạt thô, kích thước lớn hơn 4 lần viên QTC. Đối với gạch AAC nên theo công nghệ truyền thống, qui mô công suất 200.000 m3/năm, kích thước lớn hơn 6 lần viên QTC. Đối với gạch Silicat, sử dụng công nghệ truyền thống,  thiết bị chỉ nhập máy nén chính, còn lại tận dụng năng lực chế tạo trong nước. Bên cạnh việc tận dụng mạt đá, xỉ… như gạch bê tông thì nên sử dụng tro bay thay thế cát và kết hợp với dây chuyền sản xuất AAC, kích thước lớn hơn 2 lần viên QTC. Riêng đối với tấm tường, ưu tiên công nghệ sản xuất tấm bê tông nhỏ lắp ghép, tấm thạch cao, dùng xi măng mạt đá theo công nghệ Acotec hoặc tấm AAC. Tuy nhiên, ông Lợi cũng khuyến cáo các nhà đầu tư trước khi đầu tư cần khảo sát thật kỹ nguồn nguyên liệu tại địa phương để lựa chọn sản phẩm và công nghệ phù hợp.

Ông Roland Wong cũng đưa ra một ví dụ về việc đầu tư cho qui mô 9 triệu viên QTC/năm thì mức vốn đầu tư là khoảng 6.000 USD và thời gian hòa vốn là 5 năm. Với Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”, các doanh nghiệp tham gia sẽ được hỗ trợ xây dựng nhà máy theo tiêu chuẩn quốc tế và đạt tỉ lệ lợi nhuận tối ưu để các ngân hàng và các tổ chức tài chính yên tâm đầu tư. Dự án cũng đã phối hợp với GEF và Vietinbank (cho vay vốn thương mại với tổng vốn 21,2 triệu USD), nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đủ điều kiện ứng cử xin tài trợ. Bên cạnh đó còn có các Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ Phát triển Khoa học công nghệ…

Vai trò của Dự án

Sau khi nghe các đại biểu đóng góp ý kiến, Giám đốc Dự án, ông Nguyễn Đình Hậu - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật ghi nhận, giải đáp các ý kiến. Ông Hậu cho biết, trong các vấn đề, quan trọng nhất là lòng tin. Mà lòng tin chỉ có được dựa trên chất lượng và giá bán của sản phẩm. Đa phần người dân do nhận thức chưa tốt, cho rằng GKN chất lượng không bằng gạch nung truyền thống. Do đó, trong thời gian tới, Dự án sẽ tăng cường việc nâng cao nhận thức về GKN từ khâu tư vấn, đến khâu xây dựng và người sử dụng. Nhưng các nhà sản xuất cũng phải cam kết đảm bảo chất lượng đồng đều, ổn định để xây dựng lòng tin của người tiêu dùng với sản phẩm GKN. Bên cạnh đó, Dự án cũng sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát lại các cơ chế để bổ sung, hoàn thiện, hy vọng Dự án sẽ giúp giảm bớt các rào cản và là cầu nối để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn phục vụ kế hoạch đầu tư của mình.

Ngoài việc truyền thông nâng cao nhận thức thì công tác đào tạo cũng sẽ là mảng quan trọng của Dự án. Đối tượng đào tạo sẽ bao gồm cả nhà quản lý, nhà đầu tư, đội ngũ tư vấn, công nhân trực tiếp sản xuất, công nhân xây dựng và người sử dụng. Mục đích là các kết quả của Dự án thực sự phục vụ được người dân và góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải, bảo vệ tài nguyên và hướng tới phát triển bền vững.

Hồ Nga - Tạp chí Công Thương

 

lên đầu trang