Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 21:59

Chủ nhật, 28/04/2024 | 21:59

Tin KHCN

Cập nhật lúc 12:03 ngày 20/07/2013

Định hướng hoạt động KHCN ngành Công Thương giai đoạn 2011 -2015

Ngành công thương Việt Nam đang phát triển trong bối cảnh xu thế toàn cầu hoá diễn ra ngày càng sâu rộng. Kinh tế thế giới chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, từ kinh tế vật thể sang kinh tế tri thức, tiềm lực khoa học và công nghệ là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Trong thập niên tới, nền kinh tế thế giới vẫn phát triển trong tình trạng khan hiếm tài nguyên, năng lượng, công nghệ, nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng trầm trọng. Những vấn đề toàn cầu như an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, thiên tai, dịch bệnh…sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng dự báo, giai đoạn 2011 – 2020, GDP toàn cầu sẽ tăng trung bình 3,5%/năm, tăng trưởng thương mại thế giới sẽ đạt tốc độ trung bình 7,5%/năm.

 

Với mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước giai đoạn 2011-2015 đạt bình quân 7-8%, tăng trưởng sản xuất công nghiệp bình quân 15,0%/năm, tăng trưởng GDP công nghiệp và xây dựng bình quân 9,32%/năm, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 44 - 45% trong GDP cả nước; tăng trưởng xuất khẩu bình quân 12%/năm, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ bình quân khoảng 17-18%/năm. Định hướng phát triển Công nghiêp- Thương mại trong giai đoạn tới là phát triển theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, tạo nền tảng cho một nước công nghiệp. Cơ cấu lại sản xuất công nghiệp, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị nội địa trong sản phẩm. Phát triển có chọn lọc công nghiệp chế biến, chế tác, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, khai khoáng, luyện kim, hoá chất, công nghiệp quốc phòng. Ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, thuộc các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cơ khí, công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp dực ... Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ. Chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và vật liệu mới đi đôi với áp dụng sản xuất sạch hơn, công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Từng bước phát triển công nghiệp sinh học và công nghiệp môi trường.

Khoa học và công nghệ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nhưng hứa hẹn sẽ có nhiều cơ hội đề phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực tin hoc, sinh học, vật liệu, năng lượng..., hoạt động khoa học và công nghệ 5 năm tới của ngành công thương trước hết phải khắc phục những yếu kém, tồn tại về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng trong giai đoạn trước để hướng vào thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch và mục tiêu phát triển ngành công thương giai đoạn 2011- 2015 và thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020.

Hoạt động KH&CN ngành công nghiệp và thương mại giai đoạn 2011 – 2015 hướng trọng tâm vào mục tiêu phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tập trung vào các nội dung ưu tiên, gắn với mục tiêu kinh tế - xã hội, khuyến khích các nghiên cứu trực tiếp phục vụ sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ thông qua chuyển giao công nghệ, tạo công nghệ nội sinh, nâng cao năng xuất lao động và chất lượng sản phẩm nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển của ngành Công Thương.

Định hướng hoạt động KH&CN ngành Công Thương giai đoạn 2011-2015 cần tập trung vào các nhiệm vụ sau chủ yếu sau:

- Tiếp tục hoàn thiện công tác đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý khoa học và công nghệ theo hướng nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm; hình thành, phát triển và hoàn thiện mô hình Doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhằm gắn kết tốt hơn hoạt động nghiên cứu với thực tế sản xuất, kinh doanh trong cơ chế thị trường.

- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực nghiên cứu cho các tổ chức khoa học và công nghệ, các phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu, xuất thử - thử nghiệm.

- Đẩy mạnh đào tạo nâng cao, đào tạo lại, thu hút các cán bộ khoa học trẻ có năng lực chuyên môn và trình độ ngoại ngữ tốt đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác nghiên cứu khoa học công nghệ.

- Phát triển thị trường khoa học và công nghệ, tạo cơ chế gắn kết chặt chẽ và cộng đồng trách nhiệm trong việc huy động nguồn lực cho khoa học công nghệ, áp dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

- Kết hợp chặt chẽ nghiên cứu và phát triển trong nước với chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, đẩy nhanh tốc độ đầu tư đổi mới công nghệ trong các  ngành công nghiệp, đặc biệt đối với các phân ngành cơ khí, cơ điện tử, tự động hóa, năng lượng, khoáng sản, luyện kim, hoá chất, công nghiệp tiêu dùng, thực phẩm và công nghiệp môi trường.

 - Đẩy mạnh hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam, các rào cản kỹ thuật trong thương mại nhằm bảo vệ hàng hoá sản xuất trong nước.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu triển khai, nghiên cứu ứng dụng để tiếp nhận, làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, đặc biệt công nghệ cao sử dụng trong sản xuất; phát triển công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ cơ điện tử, tự động hoá, công nghệ xử lý môi trường.

- Tập trung nguồn lực nghiên cứu triển khai để hoàn thành Quy hoạch tổng thể hạ tầng thương mại theo yêu cầu của công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước; quy hoạch phát triển thương mại theo vùng lãnh thổ đến năm 2020; hoàn thiện chính sách, cơ chế quản lý thương mại trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao khả năng tham gia vào hệ thống cung ứng toàn cầu để phát triển ngành công nghệ hỗ trợ; tăng cường năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thương hiệu đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực Việt Nam.

 - Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KHCN với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các nước ASEAN và các nước khác để nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo cán bộ.

Đối với một nước công nghiệp hóa đi sau, đang chủ động, tích cực hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, bên cạnh việc tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các định hướng hoạt động khoa hoc và công nghệ trung hạn và dài hạn trong nước, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế của các nước đi trước trong xây dựng, định hướng phát triển khoa học công nghệ là một yêu cầu cần thiết và có ý nghĩa đối với chúng ta trong việc lựa chọn ưu tiên, đầu tư có trọng điểm để phát triển trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế./

Nguyễn Đình Hiệp

Vụ trưởng Vụ KHCN- Bộ Công Thương

 

 

lên đầu trang