Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 05/05/2024 | 09:41

Chủ nhật, 05/05/2024 | 09:41

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 15:32 ngày 26/09/2015

Hệ thống cảnh báo sớm - Hạn chế rủi ro

Trước xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng, nguy cơ các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị kiện chống bán phá giá ngày càng tăng thì việc sử dụng Hệ thống cảnh báo sớm do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) xây dựng sẽ giúp doanh nghiệp tránh được thiệt hại từ các vụ kiện chống bán phá giá từ các thị trường nhập khẩu.

Hệ thống Cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam do Cục Quản lý cạnh tranh xây dựng và vận hành đã được xếp trong danh sách 50 Công trình ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực dịch vụ công hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn 2012-2013. Hệ thống đứng thứ 2 trong danh sách 5 công trình có chức năng xây dựng trung tâm dữ liệu hiệu quả và đứng thứ 3 trong 5 công trình quản trị thông tin hiện đại. Giải thưởng này là kết quả bình chọn của Tạp chí FutureGove - Tạp chí uy tín của châu Á chuyên phân tích, đánh giá và cung cấp các thông tin liên quan đến ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực dịch vụ công.


Từ nhu cầu hạn chế rủi ro

Liên tiếp những thông tin Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do với các nước được đăng tải thì đồng thời nỗi lo về việc các biện pháp phòng vệ thương mại cũng ngày càng tăng lên khi nhiều nước sử dụng biện pháp này như một công cụ bảo hộ sản xuất trong nước. Nếu tính từ khi vận hành website cảnh báo sớm năm 2009 đến nay, số lượng vụ việc liên quan đến chống bán phá giá tăng từ 31 vụ lên hơn 50 vụ, trung bình tăng khoảng từ 3-4 vụ/năm.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, 8 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã bị các nước kiện chống bán phá giá gồm đá granite, ống thép hàn không gỉ cán nguội, sợi polyester, thép cuộn sơn phủ màu, sản phẩm bộ đồ ăn, đồ dùng nhà bếp bằng gốm sứ, ống thép dẫn dầu, mặt hàng gỗ dán. Gần đây nhất, ngày 7/6, Ấn Độ đã thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá mặt hàng gỗ tấm MDF của nước ta.

Theo cảnh báo của Cục Quản lý cạnh tranh, nếu như trước đây, những vụ kiện thường chỉ xảy ra với những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như: cá tra, basa, tôm và da giày… thì nay các sản phẩm có giá trị thấp cũng là đối tượng bị điều tra; trong đó, thép và sợi vẫn sẽ là đối tượng bị điều tra nhiều nhất. Không chỉ tăng lên về số vụ mà các biện pháp chống bán phá giá còn mở rộng phạm vi áp dụng sang những nước từ trước đến nay ít áp dụng, hơn nữa tần suất áp dụng lại rất lớn như Indonesia, Malaysia…

Đến tận dụng công cụ hữu ích

Với 2 địa chỉ: canhbaosom.vn và earlywarning.vn, Hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã cung cấp cho các doanh nghiệp công cụ tra cứu thông tin hữu ích, giúp dự báo trước nguy cơ xảy ra các vụ kiện chống bán phá giá trước khi chính thức có đơn khởi kiện từ các ngành sản xuất của nước ngoài. Nhờ vào hệ thống này, doanh nghiệp có thể chủ động ứng phó với các vụ kiện, có thể biết trước được mặt hàng nào có nguy cơ bị kiện cao để điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu vào thị trường đó, hoặc có thể xem xét điều chỉnh giá bán vào thị trường đó nhằm giảm thiểu thiệt hại do các vụ kiện chống bán phá giá gây ra cũng như có thêm thông tin về các thị trường xuất khẩu mục tiêu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể nghiên cứu những thị trường dự phòng, để khi có vụ kiện xảy ra, thì có sẵn thị trường thay thế… Riêng với cơ quan quản lý, hệ thống này đã hỗ trợ theo dõi hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, xúc tiến thương mại, đa dạng thị trường và ngành hàng, phối hợp hiệp hội và đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp.

Căn cứ trên mức điểm của mỗi mã hàng xuất khẩu, hệ thống cảnh báo sớm sẽ đưa ra 3 mức độ: Mức độ cảnh báo đèn xanh - thể hiện nguy cơ bị kiện ít; cảnh báo đèn vàng - có nguy cơ bị kiện nhưng chưa cao và cảnh báo đèn đỏ - nguy cơ bị kiện cao.

Hiện nay, Hệ thống cảnh báo đang tập trung vào 8 thị trường gồm: EU, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc Canada, Úc và Brazil. Cùng với đó, hệ thống cảnh báo sớm cho 13 ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gồm: Nhóm sản phẩm thép; Máy móc,Nội thất; Thủy hải sản; Da giày; Dệt may; Đồ gỗ; Dây cáp điện; Chất dẻo; Cao su; Giấy; Dụng cụ quang học đo lường và Thiết bị điện cũng đã được xây dựng.

Tuy hệ thống cảnh báo sớm đang được xem là biện pháp hữu dụng nhất hiện nay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tránh các vụ kiện chống bán phá giá, song nhiều doanh nghiệp cho rằng, hệ thống không đủ thông tin của các thị trường với rất nhiều mặt hàng mà doanh nghiệp đang giao dịch. Thời gian tới, hệ thống cảnh báo sớm sẽ bổ sung thêm thông tin thị trường của nhiều nước khác. Đặc biệt, mở rộng cảnh báo nhằm hạn chế 80% rủi ro của hàng hóa Việt Nam trong quá trình xuất khẩu. Nếu tận dụng tốt những lợi ích từ hệ thống cảnh báo sớm này mang lại, doanh nghiệp có thể để hạn chế thiệt hại do các vụ kiện này gây ra từ các nước nhập khẩu.

Hà An 

lên đầu trang