Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 16:38

Thứ hai, 06/05/2024 | 16:38

Chính sách

Cập nhật lúc 22:56 ngày 11/03/2021

Quản lý thị trường “mạng hóa” thông tin để quản lý địa bàn

Năm 2021, tất cả các cơ sở kinh doanh sẽ có trên hệ thống thông tin, các kiểm soát viên quản lý thị trường (QLTT) sẽ theo dõi từng cửa hàng buôn bán cái gì, như thế nào và ai là chủ cơ sở kinh doanh. Điều này giúp công tác kiểm tra, kiểm soát, nắm bắt các đối tượng kinh doanh của lực lượng QLTT chính xác hơn.
Mỗi đội phụ trách 3-5 huyện
QLTT tiếp tục là một trong những lực lượng chủ công trên mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Hiện nay, trong các lực lượng, QLTT là lực lượng có tuyến địa bàn rộng nhất, có trách nhiệm quản lý toàn bộ thị trường trong nước. Bởi về nguyên tắc, cứ ở đâu có hoạt động mua, bán hàng hóa thì lực lượng QLTT phải có mặt, kể ở hải đảo xa xôi hay là vùng cao, dân tộc ít người. Nhiệm vụ thì lớn, nhưng hiện lực lượng đang tồn tại khó khăn, đó là địa bàn rộng, nhưng người lại khá mỏng.
Công chức QLTT kiểm tra, kiểm soát thị trường
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, toàn lực lượng có hơn 6.000 kiểm soát viên và 376 đội. Trung bình mỗi đội phụ trách tối thiểu 2 huyện, có đội phụ trách 3, 4 huyện, thậm chí còn phụ trách 5 huyện. Trong khi đó, một số tỉnh miền Trung phía Bắc, có địa bàn bán kính 200 - 300 km, lực lượng rất mỏng, ít người, gặp nhiều khó khăn trong công tác bình ổn thị trường, chống gian lận thương mại. Ngoài ra, cơ sở vật chất của các đội cũng thiếu thốn, nhiều nơi phải đi xe máy làm việc hàng chục km, thậm chí hàng trăm km.
Trong khi đó, những đối tượng buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật thường có trình độ và am hiểu nhất định về công nghệ thông tin, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển cực mạnh như hiện nay.
Theo ông Trần Hữu Linh, trong bối cảnh người thì ít, trách nhiệm lớn, Tổng cục luôn xác định, một là phải nâng cao năng lực, trình độ cho kiểm soát viên. Thứ hai, phải ứng dụng công nghệ thông tin, phải hiện đại hóa trong công tác quản lý, nhất là đối với mô hình ngành dọc, xuyên suốt như Tổng cục thì việc điều hành, xử lý công việc ứng dụng công nghệ thông tin rất quan trọng.
Ứng dụng công nghệ vào quản lý địa bàn
Trong thời gian qua, Tổng cục QLTT đã thay đổi đáng kể cách thức quản lý trong quy trình nội bộ, hỗ trợ việc kiểm tra, kiểm soát tốt hơn. Gần như mỗi kiểm soát viên thị trường được trang bị máy tính để kết nối trong nội bộ. Hơn 6.400 cán bộ, nhân viên trong toàn lực lượng không dùng giấy tờ trong tất cả các hoạt động trao đổi, chỉ đạo, điều hành, mà đều được xử lý trên mạng.
Đặc biệt năm 2020, việc áp dụng “Hệ thống xử lý vi phạm hành chính” được coi là nét đột phá trong công tác nghiệp vụ QLTT. Áp dụng Hệ thống xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động nghiệp vụ giúp công chức QLTT có thể quản lý cá nhân, tổ chức; quản lý kế hoạch kiểm tra. Đồng thời, giúp quản lý tiếp nhận, xử lý thông tin; hồ sơ vụ việc; tra cứu; thống kê báo cáo và quản trị hệ thống. “Đây là hệ thống hoàn toàn mới đối với công chức thực thi, giúp xóa bỏ hoàn toàn những hạn chế so với cách xử lý thông thường trong việc quản lý, lưu trữ, thu thập thông tin, hoặc đánh giá, báo cáo mỗi khi công chức muốn tìm lại hồ sơ vụ việc cũng như trình phê duyệt” – ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Thông tin thêm về Hệ thống xử lý vi phạm hành chính, ông Trần Hữu Linh cho biết, từng thời điểm một, cơ sở kinh doanh nào bị phạt, ai là người mà cán bộ nào ra quyết định xử phạt, hành vi là gì, xử phạt bao nhiêu tiền? Thông tin này được trao đổi, chia sẻ trong lực lượng, để có thể dự báo, cảnh báo trong nội bộ lực lượng. Điều này rất tốt trong việc ngăn chặn, phòng ngừa hành vi gian lận thương mại.
Năm 2021, lực lượng sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý địa bàn. Tất cả các cơ sở kinh doanh sẽ có trên hệ thống, theo dõi từng cửa hàng buôn bán cái gì, như thế nào, ai. Điều này giúp công tác kiểm tra, kiểm soát, nắm bắt các đối tượng kinh doanh chính xác hơn. Ngoài ra, sẽ triển khai hệ thống nhận tin từ người dân phản ánh về hàng giả để cho lực lượng xử lý tức thời.
Bên cạnh đó, Tổng cục QLTT đã và đang triển khai từng bước xây dựng các hệ thống điện tử khác như quản lý nhân sự - thi đua, khen thưởng, hệ thống chứng từ điện tử, hệ thống phân biệt hàng thật, hàng giả, hệ thống tổng hợp dữ liệu phục vụ lãnh đạo ra quyết định, hệ thống thi sát hạch…
Sau hơn 2 năm hoạt động theo mô hình mới, khắc phục những khó khăn còn tồn tại, lực lượng QLTT đã và đang chuyển mình mạnh mẽ bằng việc áp dụng những điểm mới vào hoạt động chung của lực lượng. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu được Tổng cục QLTT chú trọng và triển khai.
Năm 2020, Tổng cục đẩy mạnh việc cập nhật, nâng cấp, đảm bảo duy trì hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt của các hệ thống từ Trung ương đến các địa phương; tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo công chức quản trị, sử dụng hệ thống cho các đơn vị để tổ chức triển khai ứng dụng hiệu quả.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang