Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 17/05/2024 | 00:38

Thứ sáu, 17/05/2024 | 00:38

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 15:36 ngày 26/10/2015

Sáng kiến nhỏ, giá trị lớn của Khí Cà Mau

Từ một sáng kiến được đánh giá cao trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trải qua 2 năm triển khai, Công ty Khí Cà Mau (KCM) đã hoàn thành một kế hoạch bảo vệ đường ống dẫn khí trên biển hiệu quả và thiết thực.

Hiện nay, toàn bộ hệ thống các đường ống dẫn khí tại Việt Nam đều do các đơn vị của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) quản lý và vận hành, bao gồm 3 hệ thống đường ống với hơn 1.000 km trên vùng biển phía Nam Tổ quốc. Hệ thống này được đặt dưới đáy biển để dẫn nguồn khí từ các giàn khai thác dầu khí vào bờ, mỗi năm cung cấp cho các hộ tiêu thụ hơn 10 tỷ m3 khí, góp phần sản xuất ra hơn 40% lượng điện cho đất nước, 80% sản lượng phân đạm và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho các hộ công nghiệp, dân dụng khác. Việc đảm bảo cung cấp liên tục dòng năng lượng quý từ biển đến các hộ tiêu thụ có vai trò sống còn đối với an ninh năng lượng, an ninh lương thực cho đất nước. 

Với trình độ tay nghề của đội ngũ kỹ sư và công nhân của PV GAS ngày càng được nâng cao, cùng với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong vận hành, bảo dưỡng các công trình khí, hệ thống khí của PV GAS đã và đang hoạt động liên tục và an toàn suốt 20 năm qua. Tuy nhiên, có một thực tế vẫn xảy ra trên thế giới là có đến 50% các sự cố liên quan đến đường ống dẫn khí lại do tác động từ bên ngoài, nguyên nhân này nằm ngoài tầm kiểm soát của đơn vị chủ quản.

 

Theo kết quả khảo sát đường ống dẫn khí bằng robot lặn (ROV) định kỳ, PV GAS đã phát hiện rất nhiều lưới, mỏ neo móc vào đường ống dưới biển; không ít vụ làm hư hại lớp bảo vệ chống ăn mòn, làm móp đường ống, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của đường ống dẫn khí. Ở một số điểm bị xâm hại, nhà quản lý đường ống đã phải chi hàng chục tỷ đồng để sửa chữa các khuyết tật này, gây thiệt hại không chỉ về tiền mà còn là thời gian, công sức.

Nhận thức được các rủi ro do tác động từ bên ngoài đối với đường ống dẫn khí, PV GAS đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm thiểu rủi ro này như: phối hợp với các cơ quan ban ngành để tuyên truyền cho ngư dân, phối hợp tuần tra dọc theo tuyến ống, phát tờ rơi kêu gọi, tổ chức các lớp tập huấn… Tuy nhiên, việc đường ống bị xâm hại vẫn xảy ra, dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn đường ống rất cao. Thách thức đặt ra trước các cán bộ làm công tác an toàn, bảo vệ đường ống dẫn khí của PV GAS là phải tìm ra giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc xâm hại đường ống với chi phí thấp và phải thiết thực với chính ngư dân.

Anh Thái Doãn Ân, Trưởng Phòng An toàn – Môi trường KCM cho biết: “Việc tìm ra một cách hướng dẫn cho hàng ngàn tàu đánh cá hoạt động trên vùng biển có đường ống dẫn khí luôn là nỗi trăn trở của tất cả các công ty trực thuộc PV GAS, có trách nhiệm quản lý hệ thống này. Việc KCM tìm ra một hướng đi cũng bắt đầu từ các buổi tiếp cận, trao đổi trực tiếp với ngư dân, chủ tàu, chính quyền địa phương và các đơn vị bộ đội biên phòng, tìm hiểu cách thức hoạt động của ngư dân trên biển”. Những cán bộ KCM đã tập trung vào thông tin: các tàu đánh bắt xa bờ đã trang bị máy định vị để đánh dấu vị trí vùng đánh bắt, ranh giới trên biển, thông tin tọa độ với các tàu khác... Từ phát hiện này, Công ty Khí Cà Mau đã bàn bạc, thảo luận với lực lượng biên phòng, xây dựng và triển khai cả một kế hoạch quy mô rộng, với thời gian thực hiện liên tục và được kiểm soát hàng ngày.

 

Khi tàu cá đến Trạm kiểm soát, các chiến sỹ biên phòng sẽ dán một bản hướng dẫn cụ thể lên cabin của tàu, đồng thời cài các vị trí tọa độ đường ống lên máy định vị của tàu, tạo nên một “sơ đồ sống” của hệ thống đường ống dẫn khí theo sát mọi hoạt động lái tàu. Đồng thời, KCM vẫn tiếp tục đẩy mạnh các đợt tuyên truyền cho ngư dân về những quy định bảo vệ an ninh, an toàn tuyến ống dẫn khí để người dân không thả neo, đánh bắt bằng thuốc nổ, kích điện gần đường ống...

Để thực hiện đồng bộ kế hoạch trên toàn bộ vùng biển Tây Nam, Công ty Khí Cà Mau đã ký Kế hoạch phối hợp với 10 Đồn biên phòng có lưu lượng tàu đánh cá ra vào nhiều thuộc 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang, đồng thời với Chương trình phối hợp triển khai ở hầu khắp các tỉnh, Biên phòng Tây Nam bộ. Đến nay, đã thực hiện cài đặt và truyền thông 10.729 tàu cá trên tổng số khoảng 14.000 tàu (có công suất trên 90 CV) của tất cả 8 tỉnh miền Tây Nam Bộ. Dự kiến trong năm 2015, KCM sẽ phối hợp hoàn thành việc cài đặt cho số lượng tàu còn lại, cũng như các tàu phát sinh đến đánh bắt theo mùa. Danh sách các tàu cá, số hiệu và các thông tin khác đều được nhập vào máy tính và đưa lên mạng để có thể truy cập bất cứ lúc nào, dễ dàng quản lý cũng như chia sẻ với các đơn vị khác như Tổng công ty, Công ty Vận chuyển khí Đông Nam bộ, Công ty Điều hành đường ống Nam Côn Sơn...

Sáng kiến này đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ của Tổng Công ty Khí Việt Nam đánh giá ở mức cao nhất và được phổ biến trong toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từ giữa năm 2013. Các đơn vị bạn là Công ty Vận chuyển khí Đông Nam bộ, Công ty điều hành đường ống Nam Côn Sơn đã đến Công ty Khí Cà Mau để học hỏi mô hình và áp dụng cho các tỉnh ven biển từ miền Đông Nam Bộ ra đến Đà Nẵng. Ngoài ra, ý tưởng này cũng đang được Trung tâm ứng phó các sự cố khẩn cấp/Ban ATSKMT của Tập đoàn nghiên cứu để áp dụng trong việc quản lý các thiết bị ngoài khơi tại Việt Nam như: các giàn khoan di động; các thiết bị chứa nổi (FSO); các tàu vận tải, xà lan…

Một nỗ lực âm thầm của các cán bộ tận tụy vì sự nghiệp an toàn Dầu khí đã được ghi nhận bằng chính thực tế hàng ngày, trên vùng biển Tổ quốc yêu thương.

Hồ Cầm - Tạp chí Công Thương

lên đầu trang