Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 02:01

Thứ bảy, 27/04/2024 | 02:01

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:36 ngày 17/03/2021

Ngành điện chuyển đổi số: Người lao động không bị bỏ lại phía sau

Toàn ngành điện đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chăm sóc khách hàng. Theo đó, để người lao động (NLĐ) không bị bỏ lại phía sau trong công cuộc CĐS đang là vấn đề được các cấp Công đoàn Điện lực Việt Nam chú trọng.
Theo ông Đỗ Đức Hùng - Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam (CĐĐLVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang triển khai nghiên cứu, phát triển các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thực hiện CĐS trong mọi lĩnh vực. Quá trình đó rất cần sự đồng lòng của toàn thể cán bộ, công nhân viên (CBCNV), NLĐ và tổ chức công đoàn có trách nhiệm vận động, tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể đoàn viên, NLĐ.
EVN đặt mục tiêu đến năm 2022 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số
“Doanh nghiệp CĐS, NLĐ chuyển đổi nhận thức” - nghĩa là NLĐ cần thay đổi thói quen làm việc, nâng cao năng lực bản thân cả về thể chất lẫn trí lực để đáp ứng yêu cầu mới. Theo Chủ tịch CĐĐLVN, khi doanh nghiệp CĐS năng suất lao động sẽ tăng lên, hiệu quả công việc cao hơn, thu nhập của NLĐ từ đó được cải thiện. Tuy nhiên cũng sẽ có những thách thức đối với NLĐ, đó là NLĐ muốn bảo vệ công việc của chính mình bắt buộc phải nâng cao năng lực, trình độ, tay nghề.
Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, về phía công đoàn, chúng tôi sẽ phối hợp với các ban chuyên môn xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện tốt nhất cho NLĐ được nâng cao trình độ, đãi ngộ phù hợp. Trong quá trình CĐS, chắc chắn có lao động dôi dư, công đoàn sẽ cùng với bộ phận chuyên môn sắp xếp để NLĐ có được việc làm mới, phù hợp với trình độ.
“Chúng tôi cam kết, sẽ không để NLĐ nào ở lại phía sau trong cuộc CĐS của ngành điện” - ông Đỗ Đức Hùng khẳng định.Theo ông Đỗ Đức Hùng, CĐS bắt đầu từ những việc đơn giản nhất, gắn bó thân thiết với NLĐ. Đơn cử, CĐS giúp NLĐ làm tốt hơn công việc của mình, đảm bảo an toàn lao động cho NLĐ. Mục tiêu cụ thể của ngành trong năm 2021 là sẽ xóa bỏ hình ảnh người thợ điện vác cái thang tre, hay tại các thành phố lớn nhưư TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội phấn đấu bàn làm việc không giấy…
Là một trong những đơn vị CĐS tiêu biểu trong EVN và mới nhận giải “Doanh nghiệp CĐS xuất sắc” do Hội Truyền thông số Việt Nam trao tặng, đến hết năm 2020, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã cung cấp 100% dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 đối với 19/19 loại hình dịch vụ; trang bị hệ thống SCADA/DMS hiện đại tạo nền tảng của lưới điện thông minh... Năm 2020, EVNHCMC cũng đưa vào vận hành Trung tâm Dữ liệu hiện đại, đóng vai trò then chốt trong quá trình CĐS.
Kết quả đó có đóng góp công sức không nhỏ của tổ chức công đoàn. Cụ thể, Công đoàn EVNHCMC đã đồng hành, có những chính sách chăm lo, phát động các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, góp phần thúc đẩy tinh thần làm việc của NLĐ. Các hoạt động tiêu biểu nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần NLĐ thông qua những hoạt động nổi bật như: Kịp thời đề xuất trợ cấp khó khăn cho NLĐ bị bệnh hiểm nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn; chăm lo cho NLĐ trong đại dịch Covid-19; nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng CBCNV, NLĐ, qua đó đã kiến nghị lãnh đạo doanh nghiệp xem xét, giải quyết nhiều đề xuất hợp pháp chính đáng của NLĐ. Đặc biệt năm 2020, mặc dù chịu tác động lớn của dịch Covid-19, nhưng Công đoàn EVNHCMC đã phối hợp tốt với bộ phận chuyên môn, tạo việc làm ổn định, đảm bảo thu nhập cho NLĐ, giúp NLĐ ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.
Theo đánh giá sơ bộ của đơn vị tư vấn độc lập, hiện EVN đã hoàn thành trên 50% công việc theo lộ trình CĐS. EVN đặt mục tiêu đến năm 2022, hoàn thành CĐS, cơ bản hoàn thiện ứng dụng các thành quả của cuộc CMCN 4.0.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang