Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 13/05/2024 | 18:29

Thứ hai, 13/05/2024 | 18:29

Tin KHCN

Cập nhật lúc 16:53 ngày 18/05/2013

Hoạt động KHCN Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Ngày 02/12/2005, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 315/2005/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trên cơ sở Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội. Sau 5 năm phát triển trên tầm cao mới, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội luôn phấn đấu trưởng thành vững mạnh về mọi mặt, đặc biệt là thực hiện tốt cả hai nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.

 

Về đào tạo, Nhà trường đã thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá giáo dục của Đảng và Nhà nước. Huy động đa dạng các nguồn lực để phát triển qui mô, ngành nghề, cấp trình độ đào tạo. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã trở thành một trong những trường đào tạo nhiều cấp trình độ, nhiều ngành nghề, nhiều loại hình có qui mô lớn nhất cả nước. Năm học 2009-2010, Nhà trường đang thực hiện đào tạo trên 120 chương trình thuộc nhiều ngành, nghề ở các cấp trình độ, từ dạy nghề đến đại học, với số lượng trên 50 ngàn học sinh, sinh viên (HSSV). Hàng năm, Nhà trường cung cấp cho xã hội trên 10 ngàn lao động kỹ thuật được đào tạo ở các cấp trình độ. HSSV tốt nghiệp được các doanh nghiệp, các cở sở sử dụng lao động đánh giá tốt, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế. Chính nhờ sự phát triển nhanh và chất lượng đào tạo tốt, nên vị thế và uy tín của Trường trong xã hội ngày càng được nâng cao.

Cùng với kết quả đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội còn đạt được kết quả tốt trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Hàng năm, Nhà trường triển khai nghiên cứu và hoàn thành từ 4-5 đề tài, dự án cấp bộ, hàng chục đề tài, dự án cấp trường và cấp khoa. Các đề tài nghiên cứu tập trung giải quyết bài toán về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác, nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.  

Các đề tài cấp trường đã giải quyết được những vấn đề có ý nghĩa thiết thực trong hoạt động đào tạo, quản lý nhà trường. Nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo mới được đặc biệt chú ý. Đây được xem như nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của xã hội. Trong thời gian từ 2005-2010, Nhà trường đã xây dựng mới 32 chương trình đào tạo đại học; 11 chương trình đào tạo cao đẳng; 5 chương trình đào tạo cao đẳng nghề; xây dựng mới và chỉnh lý cho phù hợp với qui định của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội 33 chương trình đào tạo trung cấp; xây dựng mới và chỉnh lý 2.500 đề cương chi tiết môn học; viết, in 300 giáo trình, đề cương bài giảng, tài liệu hướng dẫn giảng dạy, học tập. Nghiên cứu chuyển đổi từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ 19 chương trình đào tạo đại học và 16 chương trình đào tạo cao đẳng chính qui dài hạn.

Các đề tài giải quyết các bài toán về công nghệ phục vụ đời sống dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội bước đầu được Nhà trường chú ý, như: Giải pháp tiết kiệm năng lượng; nghiên cứu vật liệu mới; xử lý nước thải các làng nghề và khu dân cư;…

Hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên cũng thu được kết quả bước đầu. Phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học tại các khoa  được duy trì và ngày càng phát triển. Các cuộc thi phần mềm sáng tạo cho sinh viên ngành Công nghệ thông tin, cuộc thi sáng tạo robot dành cho sinh viên các ngành kỹ thuật đã thực sự thu hút HSSV tham gia. Đặc biệt, cuộc thi sáng tạo Robot hàng năm do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức ngày càng có nhiều sinh viên tham gia, với thành tích ngày càng cao. Năm 2007, Đội ĐT03  đã đạt giải nhì vòng chung kết toàn quốc, là một trong hai đội của Việt Nam tham gia vòng chung kết Robotcon châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2008, Đội FEE02 đã giành chức Vô địch toàn quốc, được đại điện cho Việt Nam đi dự vòng chung kết tại Ấn Độ… Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là một trong những trường mạnh nhất trong các trường thuộc Bộ Công Thương về nghiên cứu chế tạo robot tham gia cuộc thi hiện nay.

Là một trường đại học trẻ, có được kết quả như trên là một sự cố gắng và say mê khoa học của tập thể cán bộ, giáo viên (CBGV), trong đó nòng cốt là đội ngũ các nhà khoa học, đồng thời có sự quyết tâm và cam kết cao, luôn khuyến khích sáng tạo, khuyến khích đổi mới với phương châm “sáng tạo - chất lượng - hiệu quả - phát triển” của Lãnh đạo Nhà trường. Trước hết, điều này được thể hiện ở chủ trương xây dựng đội ngũ: Khuyến khích học tập nâng cao trình độ. Hàng năm, Nhà trường đã cử hàng chục CBGV đi học thạc sĩ, tiến sĩ tại các trường đại học ở trong và ngoài nước. Đến nay, tỷ lệ giảng viên có trình độ trên đại học của Nhà trường đã đạt gần 70%. Nhà trường cũng tận dụng nguồn nhân lực khoa học từ bên ngoài là đội ngũ các GS, PGS, TS từ các viện nghiên cứu, các trường đại học khác đến tham gia giảng dạy, nghiên cứu. Từ năm 2007, Trường và Viện Công nghệ Thông tin, thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam đã ký hợp tác về đào tạo, nghiên cứu. Đội ngũ cán bộ khoa học của Viện cùng CBGV Nhà trường quản lý tổ môn, tham gia Hội đồng Khoa học khoa, cùng triển khai nghiên cứu các đề tài của Trường, Viện. Đó thực sự là một mô hình hợp tác rất hiệu quả, mang lại lợi ích nhiều mặt.

Xây dựng môi trường và tạo điều kiện cho CBGV, HSSV học tập, nghiên cứu khoa học luôn được Nhà trường quan tâm, chú trọng. Hàng năm, Nhà trường đầu tư từ 10 - 15 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, xây dựng phòng thực hành, thí nghiệm. Nhiều phòng thí nghiệm hiện đại đã được xây dựng để phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu như: Phòng thí nghiệm đo lường; phòng thí nghiệm, thực hành cơ điện tử; phòng thực hành CAD/CAM/CNC; các phòng thí nghiệm về hoá phân tích;… Nhà trường đã đầu tư hệ thống máy chủ cấu hình cao, xây dựng hệ thống mạng nội bộ kết nối Internet tốc độ 20Mb/s để phục vụ CBGV, HSSV khai thác, trao đổi thông tin phục vụ học tập, nghiên cứu. Bên cạnh đó, Trường ĐH Công nghiệp đã xuất bản Tạp chí Khoa học & Công nghệ, nhằm tăng cường trao đổi, phổ biến kiến thức, thông tin KHCN và chủ động công bố các công trình nghiên cứu khoa học công nghệ của cán bộ, giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của Nhà trường.

Những kết quả đạt được trong những năm qua thể hiện sự cố gắng rất lớn của Nhà trường. Tuy nhiên, so với tiềm năng, vị thế của Nhà trường và yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, phát triển khoa học - công nghệ, thì hoạt động nghiên cứu khoa học trong Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội còn có thể và phải đạt kết quả cao hơn.

Với mục tiêu xây dựng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trở thành một “Trung tâm Nghiên cứu - Phát triển - Chuyển giao khoa học công nghệ mạnh, có uy tín và tin cậy, có đủ khả năng tiếp cận và phát triển các công nghệ tiên tiến, giải quyết các vấn đề bức xúc do thực tiễn sản xuất của đất nước đặt ra. Nguồn thu từ các hoạt động khoa học công nghệ và dịch vụ đạt tối thiểu 20% tổng thu của Trường vào năm 2020”, các công việc cần phải làm trong thời gian tới là:

- Nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa của hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường đại học.

- Đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ về nội dung, cũng như tài chính, tạo điều kiện và động lực cho cán bộ, giảng viên tham gia.  

- Xây dựng và đầu tư một số phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ học tập, nghiên cứu ứng dụng.

- Tăng cường liên kết, hợp tác với doanh nghiệp để nhận các đặt hàng nghiên cứu, cũng như khai thác các thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu.

- Thu hút các cán bộ khoa học có trình độ cao ngoài trường tham gia và hướng dẫn nghiên cứu.

- Phát triển hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học. 

Với kết quả và kinh nghiệm đã có, với đội ngũ đông đảo cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học có năng lực, nhất định hoạt động khoa học công nghệ của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh mẽ, đóng góp thiết thực vào mục tiêu xây dựng Nhà trường trở thành trường đại học đẳng cấp quốc tế.


           NGƯT. TS. Hà Xuân Quang

                   Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

 

lên đầu trang