Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 15:34

Thứ hai, 29/04/2024 | 15:34

Chính sách

Cập nhật lúc 10:38 ngày 19/03/2021

Sớm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử

Báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đánh giá kết quả 2 năm triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP về định hướng phát triển chính phủ điện tử (CPĐT), chính phủ số giai đoạn mới cho biết, hầu hết chỉ tiêu cơ bản mà Nghị quyết số 17 về phát triển CPĐT đặt ra đến năm 2020 đã hoàn thành, một số chỉ tiêu hoàn thành vượt mức đề ra.
Ngoài nhóm chỉ tiêu về mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và chỉ tiêu về định danh và xác thực điện tử chưa hoàn thành, nhóm chỉ tiêu còn lại mà Nghị quyết 17 đặt ra đạt từ 98%-100% vào cuối năm 2020 và sẽ hoàn thành trong quý 1-2021. 
Đến hết năm 2020, hệ thống các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu đã được hình thành trên quy mô quốc gia theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; bao gồm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của mỗi bộ, tỉnh (LGSP) và các nền tảng này được kết nối với nhau thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh đã được phát triển nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu trong nội bộ của bộ, tỉnh và kết nối ra bên ngoài. Nếu như năm 2018 chỉ có 3 bộ, ngành, địa phương có LGSP, đạt tỷ lệ 3,2% thì đến năm 2020 đã có 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có LGSP và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Hiện trên 90% văn bản điện tử được trao đổi giữa các cơ quan nhà nước; trên 4,5 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Điều này giúp tiết kiệm chi phí hành chính không nhỏ và thời gian trao đổi giữa các cơ quan.  
Năm 2020 đã có 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có LGSP
Lợi ích kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp đã phục vụ xác minh thông tin doanh nghiệp; doanh nghiệp không phải điền lại thông tin về đăng ký kinh doanh vào biểu mẫu điện tử mỗi khi sử dụng dịch vụ công; công chức xử lý hồ sơ thuận tiện, không phải nhập dữ liệu trên các phần mềm khác nhau. Bộ Giao thông vận tải kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp như: cấp giấy phép kinh doanh vận tải; cấp đổi phù hiệu xe...
Theo công bố của Bộ TT&TT, hiện khoảng 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ hệ thống này, tiết kiệm một lượng lớn chi phí và thời gian công sức cho các thủ tục hành chính. 
Cũng trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và vận hành các ứng dụng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đến hết năm 2020, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã có Cổng dịch vụ công để cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Trên 55% dịch vụ công của các cơ quan nhà nước đã được cung cấp trực tuyến mức độ cao (mức độ 3, mức độ 4), cho phép người dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính và thanh toán qua mạng. Trong năm 2020, nhờ cách làm mới, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng mạnh mẽ. Cụ thể như năm 2016, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trung bình cả nước là 1,42% thì đến năm 2020, tỷ lệ này là 30,86% (vượt mục tiêu 30% năm 2020).
Năm 2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đạt 30,86%, vượt mục tiêu 30%.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, các chỉ tiêu Chính phủ điện tử sẽ cơ bản hoàn thành năm 2021 với trọng tâm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 100% còn Chính phủ số sẽ được hình thành vào năm 2025. Theo đó, các dịch vụ của Chính phủ được cung cấp tự động 24/24 theo nhu cầu, các dịch vụ công mới được cung cấp kịp thời và trên cơ sở dữ liệu mở.
Chiến lược Chính phủ số đặt ra 5 mục tiêu: Cung cấp dịch vụ công chất lượng cao cho người dân; huy động sự tham gia rộng rãi của người dân và doanh nghiệp; sự vận hành tối ưu của cơ quan nhà nước dựa trên công nghệ số; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế-xã hội như y tế, giáo dục, giao thông...
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số là chuyển đổi có tính căn bản, từ dịch vụ công trực tuyến thành dịch vụ số; khái niệm hệ thống CNTT được thay bằng nền tảng số; từ tiếp cận theo hướng dịch vụ trở thành tiếp cận theo hướng dữ liệu; từ sự tham gia của cơ quan nhà nước thành sự tham gia của nhà nước và người dân, doanh nghiệp; từ cải cách thủ tục hành chính thành thay đổi mô hình quản trị...
Chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số cũng sẽ đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng số quốc gia, phát triển nền tảng số quốc gia, phát triển dữ liệu quốc gia, phát triển các ứng dụng quốc gia và bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia. 
Thanh Thanh t/h
lên đầu trang