Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 16:14

Chủ nhật, 28/04/2024 | 16:14

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 16:22 ngày 21/10/2015

Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ khí hàng hải tổng kết 3,5 triệu giờ an toàn trên giàn khoan

Dịch vụ cơ khí hàng hải (PTSC M&C) tổng kết 3,5 triệu giờ làm việc an toàn, hoàn thành thi công chế tạo Dự án HRD, kết thúc hành trình 17 tháng nếm mật nằm gai trên giàn khoan lịch sử quả là một may mắn.

Lần đầu thắng thầu quốc tế

Khi được chiêm ngưỡng cái gọi là  “Dự án HRD” của PTSC M&C khổng lồ ba tầng màu vàng sậm xen lẫn màu đỏ với hàng ngàn tấn kết cấu thép sừng sững hiên ngang giữa biển xanh Vũng Tàu, cảm giác trong tôi vô cùng choáng ngợp. Đặt chân lên chiếc cầu thang sắt vững chãi, leo lên tầng cao nhất của giàn để rồi phóng tầm mắt nhìn xuống đại công trường, trước mắt tôi là hàng trăm kỹ sư, công nhân với trang bị bảo hộ màu trắng cùng các chuyên gia Ấn Độ trong bộ trang phục bảo hộ lao động màu đỏ đang tiến về vị trí làm Lễ tổng kết, khen thưởng, niềm xúc động trong tôi càng thêm dâng tràn. Phải, không tự hào sao được khi Dự án HRD là một dự án đấu thầu quốc tế đầu tiên của PTSC, là một công trình thi công quan trọng vào bậc nhất trong hơn 50 dự án cơ khí trên biển mà PTSC M&C đã thực hiện trong nhiều năm qua!

Nhớ lại cách đây gần 2 năm, vượt qua nhiều nhà thầu sừng sỏ nước ngoài, PTSC đã trúng thầu chế tạo Dự  án HRD nặng gần 11.000 tấn với giá trị hợp đồng 70 triệu USD. Chỉ riêng chuyện thắng thầu thôi cũng đã có thể… viết thành sách. Sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ khí hàng hải đã trở thành cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực chế tạo cơ khí dầu khí. Nhưng chế tạo và hạ thủy khối thượng tầng giàn công nghệ Trung tâm HDR là một thách thức vô cùng lớn, thử thách năng lực và trình độ của mọi nhà thầu tên tuổi trên thế giới, huống hồ với một PTSC M&C tuổi đời còn vô cùng non trẻ. Được biết, tham gia đấu thầu dự án này còn có các nhà thầu lớn dầy dặn kinh nghiệm quốc tế như McDermott (Mỹ), Huyndai Heavy Industries (Hàn Quốc), L&T (Ấn Độ/Trung Đông) và các đối thủ khác từ Ấn Độ, Indonesia, Malaysia… Vậy PTSC M&C phải chuẩn bị những gì?

Ông Đồng Xuân Thắng - Giám đốc PTSC M&C bồi hồi nhớ lại: Nhận thấy tầm cỡ đáng gờm của các đối thủ, PTSC M&C đã chọn giải pháp nghiên cứu, đánh giá chi tiết về các ưu điểm, nhược điểm của từng đối thủ để từ đó lựa chọn phương án cạnh tranh từ công nghệ, kỹ thuật thực hiện dự án cho tới giá cả. Trên cơ sở các phân tích, đánh giá đó, PTSC M&C đã xây dựng cho mình một hồ sơ thầu ưu việt hơn hẳn nhờ những phân tích hợp lý, đưa ra những phương án khai thác tối đa các điểm mạnh và hạn chế tối thiểu những nhược điểm, rủi ro. Tạm ổn về mặt hồ sơ!

Người nước ngoài rất thực tế, trong khoa học chỉ tin vào những gì họ đã thấy, những thành công đã có và những kinh nghiệm đã qua. Vậy thì vì sao họ tin vào PTSC M&C? Quả là không ngoa ngôn khi nhận định rằng: Đó là nhờ vào những thành công ở Dự án Biển đông 1. Và nếu không có Biển Đông 1 sẽ không có HRD!

Chuyện là thế này. PTSC M&C là đơn vị đầu tiên trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam bắt đầu tự thực hiện thiết kế chi tiết tại văn phòng Vũng Tàu cho Dự án Hải Sư Trắng - Hải Sư Đen (của khách hàng Thăng Long JOC) và tiếp theo là tự thực hiện thiết kế chi tiết các Dự án Sư Tử Nâu và Sư Tử Vàng Tây Nam (đều của khách hàng Cửu Long JOC) bởi 100% nhân sự, kỹ sư người Việt Nam. Nhưng dấu ấn và bước đột phá lớn nhất có lẽ là ở Dự án Biển Đông 1 (còn được coi là con khủng long biển). Đây được coi là dự án phức tạp nhất của ngành Dầu khí về mọi mặt: tiến độ, công nghệ và quy mô. Toàn bộ thiết kế chi tiết, mua sắm và thi công chế tạo được người Việt Nam thực hiện trong vòng 30 tháng. Chỉ riêng việc gia cố mặt bằng sản xuất (nền bãi), tăng sức chịu tải từ 4 tấn lên 50 tấn/m2 để đặt lên đó các đường trượt hạ thủy chịu được trọng lượng 1.720 tấn/m (dài) đã là việc đầy cam go, phức tạp. Bằng trí tuệ và các giải pháp thi công tối ưu chưa được sử dụng ở Việt Nam, những kỹ sư và công nhân PTSC M&C đã tạo ra mặt bằng có sức chịu tải lớn nhất Việt Nam - 53 tấn/m2. Các cần cẩu siêu trọng tay với dài có sức nâng 1.200 tấn có thể hoạt động an toàn trên nền móng này. Đây là một kỷ lục mà không nhiều nhà thầu trên thế giới thực hiện được. Thành công ở Biển Đông 1 đã tạo dựng cho PTSC M&C vị thế của một trong những tổng thầu EPCI hàng đầu trong nước và vươn ra tầm khu vực. Và ngày hôm đó, nó đã trở thành điểm cộng lớn nhất, chiếm ưu thế nhất trên bàn cờ đấu thầu Dự án HRD.

Cuối cùng, sau đúng 8 tháng theo đuổi và đấu thầu với quyết tâm cao độ cùng với những đánh giá, phân tích để lựa chọn phương án hợp tác, hình thức hợp đồng, xây dựng đơn giá… PTSC M&C đã cùng các đối tác trong tổ hợp thắng thầu!

Chuyện nhặt trên dàn HRD

Nhắc lại kỷ niệm “ngày này năm xưa”, Giám đốc PTSC M&C Đồng Xuân Thắng chợt trầm ngâm: “Thắng thầu dự án HRD trước các nhà thầu sừng sỏ nước ngoài đã khó, nhưng thi công dự án đầy phức tạp cam go này còn khó hơn. Bởi vậy, lúc đầu không ít người đã hoài nghi về thành công của nó”.

Dự án gồm 3 hạng mục chính là: chân đế (Jacket), cầu dẫn (Link Bridge) và khối thượng tầng (Topside). Trong đó, PTSC M&C phụ trách thực hiện khối thượng tầng - là hạng mục lớn và phức tạp nhất. Đối với việc thi công giàn công nghệ trung tâm, các yêu cầu cần có là: cầu cảng nước sâu, đường trượt có tải trọng lớn để hạ thủy, nền bãi có sức chịu tải cao và hệ thống cẩu hạng nặng… Tuy vậy, đây cũng là lần thứ hai tại cảng hạ lưu PTSC, PTSC M&C thực hiện loại giàn công nghệ CPP và lắp đặt ngoài khơi bằng phương án Float over. Chính những yếu tố “vừa lạ vừa quen” này đã vô cùng kích thích dàn kỹ sư PTSC trên con đường thiết lập khối thượng tầng vĩ đại này.

Đối với việc thi công giàn công nghệ trung tâm, các yêu cầu cần có như: cầu cảng nước sâu, đường trượt có tải trọng lớn để hạ thủy, nền bãi có sức chịu tải cao và hệ thống cẩu hạng nặng… rất ít nhà thầu trên thế giới đáp ứng được. Trong khi đó, PTSC M&C có hệ thống cảng nước sâu từ 11-14m, đường trượt trên 25.000 tấn, nền bãi chịu được trên 50 tấn/m2, có đầy đủ các thiết bị thi công hiện đại và cẩu hạng nặng trên 500 tấn. Vì vậy, khả năng thực hiện và hạ thủy một lần hoàn chỉnh các dự án lên đến hơn 25.000 tấn của PTSC M&C chính là một lợi thế lớn. Bên cạnh hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư bài bản, PTSC M&C cũng đã xây dựng được một hệ thống quản lý an toàn chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, có đội ngũ kỹ sư, giám sát hùng hậu với chuyên môn cao, dày dạn kinh nghiệm cùng nguồn nhân lực thi công tay nghề giỏi… hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khắt khe của chủ đầu tư đề ra cho dự án này.

Thiết kế dự án này là do nhà thầu Technip India làm thiết kế chi tiết, nhưng cũng là lần đầu tiên họ thực hiện một công trình dầu khí có độ phức tạp cao như dự án HRD. Từ công tác tính toán, phát hành MTO cho mua sắm đến tiến độ phát hành bản vẽ AFC để đáp ứng trình tự cũng như tiến độ thi công, PTSC M&C với năng lực của mình đã đứng ra hỗ trợ và tư vấn rất nhiều cho Technip India. Trong 16 tháng gấp rút triển khai dự án, dù Tổng thầu AFCONS/Technip gặp khó khăn trong việc cung cấp đúng hạn các vật tư, thiết bị chính, PTSC M&C đã cố gắng tập trung nguồn lực và đặc biệt đã huy động tổng lực vào các tháng gần đây, đặt ra mục tiêu mỗi tháng phải hoàn thành 15% tổng tiến độ dự án.

Khi những khó khăn về công nghệ đã có lời giải đáp, thử thách thứ hai mà PTSC M&C vượt qua được là thời gian thi công. Chủ đầu tư đặt ra chỉ có 17 tháng, trong khi việc thực hiện chế tạo đối với khối thượng tầng giàn công nghệ (CPP) có khối lượng tương tự thường mất từ 20-22 tháng. Chính vì vậy, khi nhận thi công dự án cũng có nghĩa là PTSC M&C đã “cưỡi trên lưng hổ”. Do vậy, vào thời điểm giữa năm 2014, tại công trường thi công PTSC M&C đã xuất hiện câu chuyện “90 ngày đêm”. Đó là ngày 21/7/2014, Công đoàn Công ty đã phối hợp với Ban Dự án HRD phát động phong trào thi đua “90 ngày đêm hoàn thành công tác thi công, tiền chạy thử giàn công nghệ Dự án HRD”. Để cho thiết thực hơn nữa, “đánh mạnh” vào lòng người hơn nữa, Công đoàn Công ty phối hợp với Ban dự án HRD giám sát, tổng kết, báo cáo theo các cột mốc phát động và đề xuất Công ty thưởng “nóng” cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào thành công của Dự án. Một lần nữa, không khí thi đua lại náo nức, sục sôi. 1.300 người như một.

Nghĩ về những ngày tháng này, kỹ sư Phạm Hồng Chi, quê Nam Định mới gần 30 tuổi nhưng đã đảm nhận chức vụ giám sát trưởng phần thi công kết cấu cho biết: “Mặc dù đã đảm nhận nhiệm vụ Giám sát trưởng phần thi công kết cấu ở Dự án Biển Đông 1, nhưng ở dự án HRD lại đòi hỏi khó khăn, phức tạp khác bởi đây là dự án trúng thầu quốc tế đầu tiên của PTSC và thi công tàu chạy ở các vùng biển khác vùng biển Việt Nam. Với Dự án HRD có lẽ trọn đời tôi sẽ không quên, bởi nó gắn tới một kỷ niệm đẹp, một sự kiện lớn của cuộc đời tôi. Đặc biệt, ám ảnh mãi trong tôi là ánh mắt cảm phục của các chuyên gia Ấn Độ nhìn chúng tôi khi khối thượng tầng khổng lồ được hoàn thiện đúng tiến độ và đạt chất lượng trong ngày kết thúc hành trình!”

Vươn dài trên biển Đông

Cho đến nay, những tập đoàn, công ty có khả năng đảm đương thầu thầu EPCI và chế tạo giàn khoan dầu khí trên biển trên thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kinh nghiệm ở các nước như Mỹ, Italia, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... và thực tế ở Việt Nam mấy năm qua cho thấy, tổng thầu EPCI và chế tạo, đóng mới giàn khoan dầu khí đã mang lại cho doanh nghiệp và quốc gia lợi ích rất lớn. Nó không chỉ tận dụng tối đa các nguồn lực trong nước như vật tư, nhân công, máy móc, chi phí thiết kế, tư vấn, quản lý dự án so với tổng thầu nước ngoài, giảm chi phí, đào tạo được đội ngũ kỹ sư quản lý, điều hành dự án, công nhân chuyên nghiệp… mà còn giúp doanh nghiệp trong nước có tích lũy, thúc đẩy các ngành cơ khí, tự động hóa, luyện kim… cùng phát triển. Các doanh nghiệp muốn vươn lên trở thành các tập đoàn công nghiệp mạnh, nắm giữ những lĩnh vực xương sống của một nền công nghiệp phát triển thì không thể không thực hiện vai trò tổng thầu EPC, EPCI. Đó chính là ý chí quốc gia và tự hào dân tộc.

Làm được điều này, PTSC M&C đã trở thành niềm tự hào lớn của ngành cơ khí dầu khí Việt Nam. Giờ đây, giàn công nghệ HRD đang hiên ngang trên biển Đông đã khẳng định năng lực, ý chí, trí tuệ của nền công nghiệp dầu khí nước nhà trên bản đồ thế giới.

Trung Thụy – Lê Hằng

lên đầu trang