Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 04:09

Thứ bảy, 27/04/2024 | 04:09

Chính sách

Cập nhật lúc 16:33 ngày 19/10/2015

Nhật Bản đầu tư cho đổi mới khoa học và công nghệ

Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới về GDP sau Mỹ và Trung Quốc. Nước này đã trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế kéo dài từ những năm 1990 và triển vọng tăng trưởng đang bị đe dọa bởi dân số già hóa, áp lực tài chính về chi tiêu an sinh xã hội, nợ quốc gia cao (trên 180% GDP) và do tác động của các cuộc khủng hoảng và thiên tai gần đây.


 

Hệ thống KHCN của Nhật Bản bị chi phối mạnh bởi các tập đoàn doanh nghiệp lớn, được xếp vào hạng các doanh nghiệp đầu tư R&D lớn nhất thế giới. Khu vực doanh nghiệp của Nhật Bản chiếm 77% tổng chi quốc gia cho hoạt động R&D (GERD) và thuộc loại có cường độ R&D cao nhất (2,49% GDP năm 2010) trong khối OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế). Các công ty thực hiện R&D chính, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực chế tạo công nghệ cao và công nghệ trung-cao: TV và thiết bị thông tin liên lạc (17% GERD), xe ôtô (16%) và dược phẩm (10%). Sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và mới thành lập trong hoạt động và thành tích R&D quốc gia tương đối hạn chế. Hoạt động đổi mới của các công ty lớn Nhật Đản không dựa nhiều vào nghiên cứu công theo hợp đồng và hợp tác quốc tế mà chủ yếu dựa vào đổi mới sáng tạo mở trong tập đoàn doanh nghiệp. Số lượng bằng sáng chế tính theo GDP thuộc loại cao nhất OECD. Nhật Bản chiếm 32% số bằng sáng chế của cả khối OECD, trong khi chỉ chiếm 14% GERD của OECD. Họ có ưu thế công nghệ hiện hữu mạnh và đang gia tăng về các công nghệ liên quan đến môi trường và công nghệ thông tin (CNTT). Nhật Bản có một cơ sở hạ tầng CNTT phổ cập rộng rãi, đặc biệt là truy cập băng thông rộng không dây, và một nền tảng kỹ năng mạnh. Tỷ lệ dân số trưởng thành có trình độ đại học 44%, cao hơn mức trung bình của EU (26%) và nhỉnh hơn Mỹ (41%). Với 17% số học sinh đạt thành tích dẫn đầu trong Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA), Nhật Bản đứng thứ ba trong OECD sau Phần Lan và New Zealand. Tuy nhiên, nước này có ít học vị tiến sĩ về khoa học và kỹ thuật, do giới trẻ ít tham gia (đặc biệt là phụ nữ) vào những chương trình tiến sĩ và số học sinh theo học các ngành khoa học và kỹ thuật thấp.


Những thay đổi gần đây trong chi tiêu cho KHCN

GERD của Nhật Bản đạt 3,26% GDP trong năm 2010 (141 tỷ USD), cao hơn tỷ lệ trung bình của OECD và EU, và tương đương với các nước có cường độ R&D cao nhất (như Thụy Điển, Đan Mạch, Hàn Quốc). Tuy nhiên, tính theo giá trị thực tế, tỷ lệ này bị đình trệ trong giai đoạn 2005-2010 do chi tiêu doanh nghiệp suy giảm mạnh trong cuộc khủng hoảng, khoản phân bổ của chính phủ 8,6 tỷ USD cấp cho KHCN như một phần của kế hoạch phục hồi không thể bù đắp được sự thâm hụt từ doanh nghiệp. Mặc dù ngân sách chi tiêu của chính phủ bị thắt chặt, nhưng ngân sách dành cho KHCN vẫn được duy trì. Một số nguồn ngân sách nhất định thậm chí còn được tăng (như năng lượng, công nghệ xanh, khoa học).

Chiến lược đổi mới KHCN tổng thể

Chiến lược tăng trưởng mới (2010) đặt ra mục tiêu GERD đạt 4% GDP vào năm 2020 và áp dụng những thay đổi đáng kể trong chính sách đổi mới KHCN chuyển đổi từ định hướng theo ngành sang cách tiếp cận theo chủ đề chi phối. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh và thúc đẩy đổi mới cuộc sống đã được xác định là ưu tiên chiến lược trong Kế hoạch cơ bản về khoa học và công nghệ lần thứ tư (2011-2015). Phục hồi và tái thiết sau trận động đất lớn miền Đông Nhật Bản đã tàn phá vùng Đông Bắc đảo Honshu vào năm 2011, với chi phí ước tính ít nhất là 210 tỷ USD, hiện đang được coi là trụ cột thứ ba của chính sách KHCN nước này.

Chính sách quản trị đổi mới KHCN

Nhật Bản đã tiến hành cải cách các tổ chức hành chính độc lập, bao gồm các viện nghiên cứu và các cơ quan tài trợ nghiên cứu, nhằm mục đích giảm số lượng và cải cách cơ cấu điều hành.

Nền tảng khoa học

Hệ thống nghiên cứu công của Nhật Bản được định hướng mạnh mẽ theo hướng R&D ứng dụng và thử nghiệm (70% chi tiêu công) và dựa vào các phòng thí nghiệm công (41%). Nhật Bản có ít trường đại học tầm cỡ thế giới và số bài báo của các nhà nghiên cứu Nhật Bản đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu cũng thấp. Với mức chi tiêu công 0,71% GDP, con số này thấp hơn nhiều so với kỳ vọng và khá khiêm tốn so với mức trung bình của OECD. Ngân sách KHCN 2012 tăng tài trợ cho nghiên cứu cơ bản nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

R&D và đổi mới trong doanh nghiệp

Hỗ trợ tài chính công cho khu vực doanh nghiệp vẫn còn hạn chế do các công ty tự đầu tư đến 98% hoạt động R&D của họ. Các biện pháp khuyến khích bằng thuế là công cụ tài trợ chính, nhưng tài trợ trực tiếp đã tăng về giá trị tương đối từ năm 2005. Các khoản trợ cấp, cho vay và ký hợp đồng năm 2009 ước tính chiếm 35% hỗ trợ công cho R&D doanh nghiệp.

Chính sách cụm và khu vực

Sự trao quyền cho các vùng là một trong những vấn đề quan trọng nhất ở Nhật Bản, đặc biệt là đối với những nơi bị tàn phá gần đây. Trong năm 2011, một chương trình chiến lược hỗ trợ đổi mới vùng đã được khởi xướng nhằm hồi sinh các vùng thông qua chuyển giao tri thức giữa các trường đại học và ngành công nghiệp. Chương trình này cung cấp vốn xúc tiến các cụm ưu tiên như Xúc tiến cụm tri thức - kết thúc vào năm 2010. Cục Tái thiết cùng góp phần tiếp sinh lực cho ngành công nghiệp địa phương.

Dòng tri thức và thương mại hóa

Thương mại hóa nghiên cứu khoa học là một lĩnh vực ưu tiên của chính sách đổi mới KHCN Nhật Bản trong những thập kỷ gần đây, phản ánh qua các biện pháp được thực hiện từ giữa những năm 1990, nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ khối nghiên cứu tới ngành công nghiệp. Ví dụ, Chương trình A-step (Chương trình chuyển giao công nghệ thích ứng và liền mạch thông qua R&D định hướng mục tiêu) xác định các mục tiêu tổng thể để tạo điều kiện cho các hợp tác R&D trung và dài hạn, kết hợp một số chương trình tài trợ để tạo khả năng phát triển công nghệ ở các giai đoạn thương mại hóa khác nhau. Chiến lược lăng trưởng mới cũng khuyến khích việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ. Trong bối cảnh đổi mới sáng tạo ngày càng mở rộng, một hệ thống cấp phép và đồng sở hữu sáng chế mới đã được đưa vào thực hiện năm 2012.

Toàn cầu hóa

Chiến lược tăng trưởng mới đã đặt ra mục tiêu tăng gấp đôi luồng hàng hóa, tiền bạc và con người vào Nhật Bản trong vòng 10 năm. Hiện nay, Nhật Bản có tỷ lệ GERD tài trợ từ nước ngoài thấp nhất trong số các nước OECD (0,4%). Trong năm 2010, Chương trình Xúc tiến đầu tư hướng nội đã đề nghị thúc đẩy FDI thông qua cắt giảm thuế doanh nghiệp và điều tiết các thủ tục đầu tư. Chương trình cũng bao gồm một loạt các xúc tiến rộng hơn để thu hút các công ty toàn cầu xây dựng cơ sở R&D và trụ sở công ty tại Nhật Bản. Các biện pháp khuyến khích, như trợ cấp và miễn giảm thuế cũng được phát triển tuân theo hệ thống chứng nhận công ty.

Nguồn nhân lực

Chính phủ đã đầu tư vào học tập suốt đời bằng cách cải thiện các phương tiện Đại học Mở Nhật Bản, thúc đẩy đào tạo giáo dục đại học chuyên ngành và củng cố trình độ chuyên môn. Một diễn đàn quốc gia về mạng lưới học tập suốt đời đã được lập ra để giải quyết những thách thức xã hội thông qua các hoạt động học tập suốt đời.

Đổi mới xanh

Đổi mới sáng tạo xanh là một ưu tiên hàng đầu đối với Nhật Bản. Một chiến lược đổi mới sáng tạo xanh toàn diện đã được công bố để phát triển công nghệ môi trường và năng lượng. Chiến lược này nhằm mục đích tạo ra hơn 468 tỷ USD nhu cầu mới và 1,4 triệu việc làm trong lĩnh vực môi trường vào năm 2020, và giảm thiểu phát thải khí nhà kính 25% so với năm 1990 sử dụng công nghệ khu vực tư nhân của Nhật Bản. Sau trận đại động đất miền Đông Nhật Bản vào năm 2011, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh vào năm 2012.

Khoa học và Công nghệ Thế giới 2013

lên đầu trang