Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 08/10/2024 | 09:30

Thứ ba, 08/10/2024 | 09:30

Chính sách

Cập nhật lúc 17:07 ngày 18/10/2015

Hoạt động nghiên cứu khoa học ở các trường cần có chiến lược lâu dài

Những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ (KHCN) ở các trường thuộc Bộ Công Thương  được các cấp lãnh đạo quan tâm sát sao, qua đó đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cho các trường. Tuy nhiên, những kết quả  đạt được chưa cao, đa số các đề tài nghiên cứu chưa phù hợp với quy mô, yêu cầu. Để góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động này, Vụ Phát triển nguồn nhân lực và Vụ Khoa học công nghệ thuộc Bộ Công Thương đã xây dựng chương trình hợp tác. Và đây được cho là bước cải tiến quan trọng.


Thực trạng hoạt động nghiên cứu KHCN ở các trường

Từ năm 2005 trở về trước, hầu hết các trường thuộc Bộ Công Thương đều không có hoạt động nghiên cứu khoa học và thường tập trung vào nghiên cứu đào tạo là chính. Nguyên nhân là vào thời điểm đó, hầu hết các trường đều ở bậc cao đẳng hoặc trung cấp, do đó không có thói quen và tác phong về nghiên cứu khoa học. Từ năm 2005 trở lại đây, hàng loạt trường được nâng cấp lên đại học hoặc cao đẳng, điều này đồng nghĩa với nhiều mặt hoạt động của các trường cũng được nâng lên, một mặt vừa do sự nỗ lực của các trường, mặt khác cũng là do sự quan tâm, đầu tư và chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương. Từ khi có sự chuyển đổi quan trọng này, xác định nghiên cứu khoa học có vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, Ban lãnh đạo các nhà trường đã quan tâm và tạo nhiều điều kiện thuận lợi để hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển.

Kết quả cho thấy, những năm gần đây, nhiều trường đã đạt được những bước tiến quan trọng, khẳng định được thương hiệu và uy tín trong hệ thống giáo dục Việt Nam như Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội; Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh; Trường CĐ Công nghiệp Thực phẩm… Hàng năm, có rất nhiều đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học của các trường được đánh giá cao và ứng dụng trong thực tế, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cho nhà trường. Từ năm 2013- 2014, tổng đề tài nghiên cứu của các trường là 868, trong đó 7 đề tài cấp Nhà nước, 62 đề tài cấp Bộ và 799 là cấp cơ sở.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động nghiên cứu khoa học ở nhiều trường vẫn đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế, chưa phát triển bởi chưa có sự quan tâm thực sự của lãnh đạo nhà trường; nhận thức của nhiều giáo viên, cán bộ vẫn không coi trọng hoạt động nghiên cứu khoa học, coi đó là không cần thiết; việc tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo còn thiếu tính hệ thống, thiếu tính hiệu quả; nội dung các đề tài chưa đúng hướng, chưa đúng với yêu cầu trọng tâm phát triển KHCN của Bộ Công Thương. Ngoài ra, cơ sở vật chất để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học còn nghèo nàn, lạc hậu; đặc biệt thiếu đội ngũ cán bộ nghiên cứu chất lượng cao. TS.Nguyễn Huy Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ Công Thương cho biết: Hàng năm, Bộ được Chính phủ giao hàng nghìn đề tài, trong đó có những đề án nghiên cứu lớn với các chủ đề đa dạng như: Phát triển nhiên liệu sinh học, đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng, phát triển ngành công nghiệp môi trường, thực thi rào cản kỹ thuật trong thương mại, môi trường quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm… Tuy nhiên, số trường tham gia nghiên cứu theo các đề án này rất ít, trong khi đó nhiều trường ngoài Ngành lại tham gia được. Mỗi năm, Bộ nhận được khoảng 300 tỷ cho hoạt động nghiên cứu thì ở cấp quốc gia 250 tỷ, cấp bộ 47 tỷ, khối đào tạo chỉ đạt 3 tỷ. Qua đó cho thấy, tỷ trọng đề tài các trường tham gia là quá ít, trong khi đó, khối các trường lại có lực lượng nghiên cứu khoa học là nhiều nhất so với các đơn vị khác.

Bước cải tiến

Muộn còn hơn không. Đã hết thời làm quen, chập chững trong nghiên cứu khoa học, các trường cần có hướng phát triển bền vững trong lĩnh vực này. Vừa qua, Bộ Công Thương đã có giải pháp được cho là bước cải tiến, nhằm thúc đẩy sự phát triển trong nghiên cứu KHCN ở các trường. Đó là Kế hoạch hành động chung giữa 2 đơn vị thuộc Bộ: Vụ Khoa học Công nghệ và Vụ Phát triển nguồn nhân lực nhằm tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động KHCN tại các trường đào tạo thuộc Bộ. Theo Kế hoạch này, rất nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động nghiên cứu KHCN ở các trường sẽ thường xuyên được giải quyết như về trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn xây dựng, lựa chọn và thực hiện các đề tài, hội thảo chuyên đề, cơ chế tài chính thuận tiện và minh bạch… Tất cả hướng tới mục tiêu là xây dựng cho các trường một lộ trình rõ ràng, một hướng phát triển hoạt động nghiên cứu KHCN bền vững. Vừa qua, tại Hội thảo về Hướng dẫn triển khai nhiệm vụ KHCN đối với các cơ sở đào thuộc Bộ, các chuyên gia cho rằng mỗi trường đều có  ngành đào tạo đặc thù, nên hãy phát triển nghiên cứu theo hướng đó; Bộ sẽ ưu tiên cho các đề tài do nhà trường đề xuất và hỗ trợ 50% kinh phí/đề tài; gắn việc nghiên cứu khoa học với các hoạt động của nhà trường, để các đề  tài đa dạng, phong phú và sát với thực tiễn hơn; các giáo viên cần tham gia nhiều hơn vào hoạt động nghiên cứu khoa học, bởi qua hoạt động này, tư duy và năng lực giảng dạy của giáo viên sẽ phát triển rất tốt; cần cho sinh viên cùng tham gia thực hiện đề tài, vừa  thuận tiện trong việc khai thác tư liệu, mặt khác rèn luyện cho các em có thói quen tư duy nghiên cứu trong công việc. Thầy Ngô Văn Tuấn – Khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, cho rằng: Trước đây, mạnh trường nào trường đó “chạy”, trường yếu thì đành thôi. Nhưng với cơ chế mới thì thấy công bằng hơn, thiết thực hơn. Còn trong nghiên cứu, thì nghiên cứu khoa học cơ bản dễ thực hiện và đem lại hiệu quả nhanh hơn, nhưng nghiên cứu ứng dụng thì rất khó, vì khi tiếp cận với các doanh nghiệp để tìm hiểu công nghệ không dễ dàng với lý do “bí mật kinh doanh”, ngoài ra, từ khi nghiên cứu đến khi thu được những thành quả thì rất lâu dài, thậm chí nhiều đề tài sẽ không bao giờ được ứng dụng vào thực tế, mặc dù đã chi phí rất tốn kém.

Những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học của nước ta đã có nhiều đổi mới. Đặc biệt từ khi Luật Khoa học và Công nghệ ra đời (có hiệu lực năm 2014), đã mở ra cho các ngành, các địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển. Tuy đây là cơ hội tốt, nhưng để hoạt động nghiên cứu khoa học ở các trường đạt hiệu quả cao và phát triển bền vững thì trước tiên rất cần sự nỗ lực thực sự của chính các trường.

Quang Tuấn

lên đầu trang