Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 20:16

Chủ nhật, 28/04/2024 | 20:16

Chính sách

Cập nhật lúc 07:54 ngày 29/03/2021

Thu hút, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực công nghệ

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ các định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, trong đó nhấn mạnh việc tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực chất lượng cao và thiếu cơ chế thu hút người tài luôn là “điểm nghẽn”, là “nút thắt” cần được khắc phục, khơi thông để có thể thực hiện thành công yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.
 
Dây chuyền sản xuất hiện đại của một doanh nghiệp được tự động hóa. 
Điểm nghẽn nguồn nhân lực chất lượng cao
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ các định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, trong đó nhấn mạnh việc tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, thực tiễn cho thấy vấn đề thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và thiếu cơ chế thu hút người tài luôn là “điểm nghẽn”, là “nút thắt” cần được khắc phục, khơi thông để có thể thực hiện thành công yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.
Trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, khi nền kinh tế chủ yếu dựa trên tri thức thì nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi được định hướng bởi tầm nhìn xa đến giữa thế kỷ XXI, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa trên cơ sở đặt ra mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể phải hoàn thành cho giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo bà Hoa, về cơ chế, cần tiếp tục tháo gỡ các “nút thắt” trong thể chế, chính sách; tập trung hoàn thiện hệ thống luật pháp, đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực. Xây dựng chiến lược “dài hơi” cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà trọng tâm là đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở, đảm bảo liên thông giữa các bậc học, cấp học, trình độ đào tạo; nhanh chóng hoàn thiện, đồng bộ thể chế về tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình đối với các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; xây dựng một xã hội học tập để tạo điều kiện cho người lao động tự học suốt đời.
Đặc biệt, bà Hoa nhấn mạnh việc đã thu hút được nhưng phải giữ được nhân tài để trọng dụng họ. Do đó, cần có sự nghiên cứu để có chính sách thu hút nhân tài, bao gồm chính sách hỗ trợ về lương bổng, phụ cấp, chỗ ở, tạo môi trường và điều kiện làm việc tốt nhất cho người tài thỏa sức sáng tạo, nuôi dưỡng khát vọng cống hiến vì mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh.
Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là kiều bào
Đối với việc thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, bà Hoa cho biết, với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài khi thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ tại Việt Nam cần được hưởng mức lương theo thỏa thuận.
Mức lương thỏa thuận được xác định bằng tính chất, quy mô và tầm ảnh hưởng của nhiệm vụ khoa học công nghệ. Thông qua trình độ, năng lực và hiệu quả đóng góp của cá nhân để có chế độ đãi ngộ phù hợp. Mức lương của các vị trí tương đương trong các tổ chức nước ngoài hoặc doanh nghiệp.
Bà Hoa cho rằng, với lĩnh vực công nghệ, con người là nhân tố quan trọng nhất. Trong thời gian tới, nước ta cần tập trung vào hoạt động huấn luyện - đào tạo, nhất là đào tạo thêm về các công nghệ, kỹ thuật mới, cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho nhân viên phát triển nghề nghiệp lâu dài. Cần xây dựng và duy trì môi trường làm việc chuyên nghiệp, có văn hóa riêng, khuyến khích cải tiến, sâu sát, cởi mở. Có thể trao quyền tự chủ phù hợp để thu hút nhân tài và giúp các tài năng có thể tự do sáng tạo, thể hiện bản thân.
Trao đổi với Lao Động, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ - cho biết, Đảng và Nhà nước luôn xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước. Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho việc chuyển đổi số, kinh tế số cần có chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài ở lĩnh vực công nghệ. Các doanh nghiệp mới hiện đang có sự cạnh tranh rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có đội ngũ kỹ sư. Chính sự cạnh tranh nguồn nhân lực giữa các doanh nghiệp tạo ra một môi trường tốt cho đổi mới sáng tạo.
Theo ông Xuân, để việc triển khai thực hiện tốt chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới, cần tiếp tục chiến lược quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao. Bắt đầu từ việc quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, gắn với công tác kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên theo quy định. Kế đến là xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ; thu hút và đãi ngộ nhân tài ở cả trong và ngoài nước.
Đánh giá cao tiềm năng của đội ngũ trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, đại biểu Xuân cho rằng cần có cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ xứng đáng để thu hút kiều bào về nước đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Chính sách thu hút, đãi ngộ này cần đảm bảo sự ổn định, bền vững để tạo sự tin tưởng và gắn bó của kiều bào với đất nước.
Theo: Báo Lao động

lên đầu trang