Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 09:03

Thứ bảy, 27/04/2024 | 09:03

Chính sách

Cập nhật lúc 18:21 ngày 30/08/2015

Tháo gỡ khó khăn trong công tác khoa học công nghệ

Nhằm tạo nguồn lực đẩy mạnh phát triển KHCN của ngành, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã thành lập Quỹ KHCN để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất ở tất cả các cơ sở nghiên cứu khoa học dầu khí một cách đồng bộ, tiên tiến nhằm đảm bảo cung cấp thông tin, luận cứ khoa học đầy đủ và tin cậy, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và quản lý sản xuất kinh doanh. Tuy đã có nhiều công trình nghiên cứu KHCN được triển khai, và có nhiều công trình đạt tầm cỡ khu vực và thế giới, nhưng các đơn vị trong PVN vẫn còn gặp một số vướng mắc trong quá trình triển khai công tác KHCN cần được tháo gỡ.

Giàn khoan tự nâng 90m nước – công trình khoa học thành công của trí tuệ Dầu khí hôm nay

Những công trình giá trị

Thành công của ngành Dầu khí nói chung và PVN nói riêng không chỉ đơn giản là đóng góp vào ngân sách nhà nước hay hoạt động an sinh xã hội mà còn có đóng góp to lớn trong việc định danh ngành Dầu khí Việt Nam trên thế giới. Điểm nhấn quan trọng đó qua những công trình khai thác, thăm dò, tìm kiếm, những công trình thi công cho các đối tác khó tính như Ấn Độ, Malaixia, Venezuela... Và những đóng góp to lớn đó không thể không nói đến những công trình KHCN của ngành như: Cụm công trình "Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoid trước Đệ tam, bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam" đạt  Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN năm 2010. Công trình này không những đánh dấu sự phát triển của KHCN trong nước mà còn thay đổi một quan niệm tìm kiếm, thăm dò dầu khí truyền thống trên thế giới.  

Cùng với đó là việc làm chủ công nghệ, thiết bị, PVN đã tiếp nhận và làm chủ công nghệ của các Hãng trong Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, xơ sợi Đình Vũ, các nhà máy ethanol... Nhận chuyển giao và tự thực hiện một số khâu thiết kế chi tiết trong dự án đóng giàn khoan tự nâng 90m nước; Đơn vị thành viên của PVN là PTSC làm tổng thầu Dự án Biển Đông; HRD...  các công trình nhà máy sản xuất NH3, NPK của  Đạm Phú Mỹ, Cà Mau... Và hầu hết các phương tiện mà trước đây lắp đặt ngoài khơi phải thuê chuyên gia nước ngoài thì bây giờ đều do đơn vị trong ngành thực hiện... Điều đó cho thấy PVN đã rất quan tâm đến hoạt động KHCN. Lãnh đạo Tập đoàn PVN cũng khẳng định “nếu không có KHCN thì PVN không thể phát triển được”. Bởi PVN đã và đang làm chủ những con tàu địa chấn 2D, 3D, hàng chục giàn khoan trên biển, đó  là những công trình phức tạp đang được công nhân Việt Nam vận hành trơn tru và an toàn. Ngoài ra, PVN chuẩn bị xây dựng các nhà máy chế biến khí với công suất lớn do PVN kết hợp với các nhà đầu tư nước ngoài để thiết kế, chế tạo....

Và những vướng mắc cần tháo gỡ

Một thực tế là hầu hết các đơn vị thành viên của PVN, thậm chí cả Viện Dầu khí cũng gặp khó khăn, vướng mắc về việc thực hiện Quỹ KHCN, Nghị định 115/2005/NĐ-CP Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Thông tư 105/2012/TT-BTC, ngày 25/6/2012 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15/2011/TT-BTC ngày 09/02/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp... Trước thực tế đó, mới đây, PVN đã tổ chức Hội nghị  về công tác quản lý KHCN lần thứ Nhất với mục đích tạo lập một diễn đàn, một cơ hội cho những người làm công tác quản lý KHCN trong toàn ngành được gặp gỡ, bàn thảo và trao đổi với nhau, nhằm góp phần làm tốt hơn công việc của mình, để có sáng kiến hay, công nghệ tốt được chia sẻ cũng như những vấn đề vướng mắc được nêu ra và cùng tháo gỡ. Hầu hết các đơn vị đều có ý kiến về việc sử dụng Quỹ KHCN. Mức trích lập quỹ 3-10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với ngành Dầu khí là con số rất lớn nhưng việc sử dụng lại gặp khó khăn.

 Chẳng hạn như, PVEP mới tập trung vào đối tượng 2 là cấp kinh phí để thực hiện các đề tài, dự án KHCN của đơn vị chứ chưa triển khai việc cấp kinh phí từ Quỹ cho các đối tượng 1 và 3. Bởi, PVEP không phải là đơn vị nghiên cứu KHCN nên PVEP tập trung nguồn lực vào sản xuất kinh doanh nhiều hơn. Hay như BSR nguồn kinh phí trích lập còn phụ thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh...

Đại diện lãnh đạo của PV Drilling cho biết, các nội dung liên quan đến việc doanh nghiệp được phép sử dụng quỹ theo Thông tư 105/2012/TT-BTC còn thiếu cụ thể là nguyên nhân khiến doanh nghiệp bị động, gặp lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Thực tế , những hoạt động liên quan đến KHCN như mua thiết kế, thuê chuyên gia, đào tạo cán bộ... không được Cục Thuế và Sở tài chính ở địa phương chấp thuận vì thiếu các hướng dẫn từ Bộ tài chính; Qui định về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ, thuê chuyên gia có sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ chưa rõ ràng, thiếu cụ thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xác định đào tạo nguồn nhân lực trong hay ngoài nước, dẫn đến doanh nghiệp bị động trong việc xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực.

Đối với Viện Dầu khí, hàng năm, PVN giao nhiệm vụ cho Viện thực hiện khoảng 50 đề tài, nhiệm vụ thông qua ký kết hợp đồng kinh tế. Từ 01/7/2014, các dự án, đề tài cũng nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu. Nghĩa là Tập đoàn không trực tiếp giao nhiệm vụ cho Viện mà phải thực hiện qui định đấu thầu bao gồm nhiều thủ tục dẫn đến làm giảm hiệu quả đầu tư cho các hoạt động KHCN và lãng phí thời gian, không đáp ứng kịp thời cho nhu cầu sản xuất của tập đoàn.

Một điều nữa là, hiện nay mối liên kết KHCN ngành dọc giữa Tập đoàn và các đơn vị còn tương đối mờ nhạt vì trong bối cảnh kinh tế thị trường thì phần lớn các đơn vị là công ty cổ phần, độc lập về tài chính. Ban KHCN của Tập đoàn chỉ mới dừng lại ở việc phổ biến các văn bản pháp luật về KHCN và đôn đốc thực hiện, chưa có chế tài mạnh hoặc hỗ trợ về kinh phí cho các đơn vị khó khăn, mặc dù nguồn vốn Quỹ Phát triển KHCN của Tập đoàn vẫn còn.

Từ năm 2010 -2014, PVN đã triển khai  260 đề tài, nhiệm vụ KHCN trên các lĩnh vực với số tiền lên tới trên 500 tỷ đồng. Năm 2014, lĩnh vực kinh tế -quản lý thực hiện 7 đề tài, E&P 10 đề tài, điện-khí 7 đề tài, an toàn-sức khỏe-môi trường 6 đề tài… với tổng kinh phí là 103 tỉ đồng.

Khi mà việc khai thác, chế biến khí ngày càng khó khăn, vì vậy PVN tập trung vào các nhiệm vụ KHCN như phát triển mỏ mới, gia tăng hệ số thu hồi dầu ở các mỏ cũ; Tăng hiệu quả của chế biến dầu khí; Tập trung chế biến sâu khí đồng hành; Tăng tiềm lực công tác nghiên cứu thiết kế công trình dầu khí. Và để KHCN  ngành Dầu khí được triển khai đồng bộ, PVN và các đơn vị cần cơ chế cụ thể trong việc sử dụng Quỹ KHCN, tạo động lực thúc đẩy ngành Dầu khí Việt Nam phát triển.  

Sông Thương




lên đầu trang