Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 08/10/2024 | 09:31

Thứ ba, 08/10/2024 | 09:31

Chính sách

Cập nhật lúc 19:03 ngày 30/07/2015

Đầu tư cho khoa học công nghệ - đầu tư cho tương lai

“Đầu tư cho khoa học công nghệ (KHCN) là cực kỳ quan trọng, xã hội muốn phát triển và phát triển bền vững thì chúng ta phải biết dành phần đầu tư xứng đáng cho KHCN và đó cũng chính là sự đầu tư khôn ngoan cho tương lai” – đó là những chia sẻ của TS.Nguyễn Phú Cường – Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ Công Thương.


PV: Thưa ông, ông luôn cho rằng, đầu tư cho KHCN là đầu tư cho tương lai. Vậy ông có thể cho biết, với ngành Công Thương, điều đó thể hiện như thế nào?

TS. Nguyễn Phú Cường: Chúng ta đều thấy rõ một điều, không riêng gì ngành Công Thương mà cuộc sống của chúng ta hiện đang chịu sự ảnh hưởng rất lớn của KHCN. Các thành quả của KHCN thay đổi từng ngày, từng giờ, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống mà điển hình là sự thay đổi của công nghệ điện tử, liên tục cập nhật, hôm nay vừa là công nghệ mới, sản phẩm mới, mai đã thành lạc hậu, trở thành phiên bản cũ. Với ngành Công Thương, đó là những nghiên cứu dài hơi mà các ngành có khi đã phải đầu tư từ vài chục năm trước, bây giờ mới hưởng thành quả, hay bây giờ bắt đầu đầu tư để tính đến vài chục năm sau mới được gặt hái. Điển hình có thể kể đến như ngành Than, mỗi mét lò đào sâu trong lòng đất là chi phí tăng, nhưng nhờ sự nỗ lực đầu tư, ứng dụng các công nghệ mới nhằm cơ giới hóa khai thác than, nên sản lượng khai thác tăng, môi trường làm việc của thợ lò được cải thiện rõ rệt, đảm bảo năng suất, chất lượng và cả an toàn của người lao động. Hay như ngành Dầu khí, cách đây mấy chục năm, việc khai thác dầu khí hoàn toàn phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài, Chính phủ ta đã đầu tư quyết liệt để nhiều thế hệ cán bộ chuyên gia được đi học tập, đào tạo ở nước ngoài, trở về làm chủ công nghệ từ khai thác đến vận hành máy móc. Bây giờ không những làm chủ các công trình lớn, hiện đại không thua kém các nước trên thế giới, ngành Dầu khí còn có cả những đầu tư ra nước ngoài, khẳng định trình độ, tay nghề của người thợ dầu khí Việt Nam. Một ví dụ điển hình nữa là ngành Điện. Nếu như trước đây chúng ta không mạnh dạn đầu tư cho đường dây 500 kV Bắc Nam, thì nay không thể có một thành phố Hồ Chí Minh đầu tầu năng động, bởi muốn phát triển sản xuất thì nguồn năng lượng luôn được coi trọng hàng đầu. Hiện tại, ngành Điện đang tiếp tục đầu tư cho dự án phát triển điện hạt nhân và nay nhiều lượt cán bộ đã được cử đi học tại các nước có công nghệ điện hạt nhân phát triển hàng đầu thế giới như Pháp, Nhật Bản… Với dự án này, phải vài chục năm nữa chúng ta mới có thể hưởng thành quả, nhưng nếu như hôm nay chúng ta không đầu tư thì tương lai, khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, chúng ta sẽ không có nguồn năng lượng để sử dụng. Trong ngành công nghiệp nhẹ, tôi chỉ lấy một ví dụ điển hình nhất là ngành Sữa. Bằng việc đầu tư vùng nguyên liêu, đầu tư máy móc thiết bị mà từ khi chỉ có thể sản xuất được một loại sản phẩm duy nhất là sữa đặc có đường thì đến nay, ngành Sữa đã có vài chục loại sản phẩm các loại. Sữa đang dần trở thành một sản phẩm không thể thiếu trong cuộc sống, do đó, việc phát triển ngành Sữa tiên tiến, hiện đại, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài sẽ giúp ngày càng nhiều hơn người Việt Nam được sử dụng các sản phẩm chế biến từ sữa…

Nói vậy để thấy, đầu tư cho KHCN là cực kỳ quan trọng, xã hội muốn phát triển và phát triển bền vững thì chúng ta phải biết dành phần đầu tư xứng đáng cho KHCN và đó cũng chính là sự đầu tư khôn ngoan cho tương lai.

PV: Vậy trong giai đoạn này, ngành Công Thương đang có những dự án dài hơi nào cho tương lai, thưa ông?

TS. Nguyễn Phú Cường: Ngành Công Thương luôn là ngành có nhiều chương trình, đề án KHCN quan trọng. Hầu như ngành nào cũng đều có các đề tài, dự án cấp Nhà nước, cấp Bộ. Ngoài các chương trình, đề án giao cho các đơn vị cơ sở thực hiện, Vụ KHCN cũng đang trực tiếp triển khai thực hiện các đề án do Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì như: Ðề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020; Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025; Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025; Đề án đổi mới và hiện đại hoá công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025; Đề án Phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong công nghiệp đến năm 2020; Chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm; Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020; Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp”; Đề án thực hiện Hiệp định rào cản kỹ thuật trong thương mại. Ngoài ra, trong năm 2014, Vụ đã tích cực triển khai một số chương trình KHCN mới như: Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, Chiến lược sử dụng công nghệ sạch, Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng... Đây đều là các đề án dài hơi, hướng tới phát triển bền vững và mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Thực tế việc đầu tư cần được chú trọng từ máy móc thiết bị, công nghệ đến con người. Ngành Công Thương hiện cũng đang đi đúng theo hướng như vậy.

PV: Thời gian qua, các doanh nghiệp đã chú trọng tới việc đầu tư cho đổi mới trang thiết bị và công nghệ. Tuy nhiên, năng suất lao động của người Việt Nam vẫn bị đánh giá là thấp nhất trong khu vực. Vậy theo ông, đây có phải do yếu tố con người.

TS. Nguyễn Phú Cường: Đó chính là lý do vì sao chúng ta phải đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là nhân lực có trình độ cao. Với việc Việt Nam ký kết các hiệp định song phương, đa phương thời gian qua và sắp tới thì nguồn nhân công giá rẻ đã không còn là lợi thế của chúng ta, mà xã hội bây giờ cần những lao động có tay nghề cao, kỷ luật tốt và hơn hết là có tinh thần trách nhiệm với công việc. Việt Nam hiện đang có số người ở độ tuổi lao động nhưng không qua đào tạo tay nghề cao, do đó, khả năng kiếm được việc làm tốt, thu nhập khá là rất khó. Chưa kể, tính kỷ luật trong lao động còn kém, tinh thần trách nhiệm chưa cao, nên so với các nước trong khu vực, nếu được lựa chọn, các nhà đầu tư sẽ lựa chọn lao động ở các nước khác.

Các doanh nghiệp cũng đã rất nỗ lực trong việc đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, nhưng người công nhân muốn làm chủ máy móc ấy, muốn vận hành được công nghệ ấy thì phải có tri thức. Thực tế đã chứng minh, năng suất lao động muốn được nâng lên thì người lao động phải không ngừng sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến để cỗ máy ấy, dây chuyền ấy vận hành năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn. Muốn vậy, cần phải đầu tư để đào tạo những người cán bộ kỹ thuật, công nhân có trình độ, có tay nghề.

Vì thế, chúng ta phải dành nguồn kinh phí đầu tư cho các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề… Không nên mong việc đầu tư kinh phí vào các trường để đem lại lợi nhuận bằng tiền mà phải hiểu cái lãi ở đây chính là nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tham gia sản xuất, làm chủ công nghệ, vận hành được các loại máy móc tiên tiến hiện đại. Đầu tư để đội ngũ cán bộ giáo viên tham gia nghiên cứu khoa học vừa nâng cao trình độ giáo viên, vừa góp phần đào tạo đội ngũ sinh viên có điều kiện tiếp cận công nghệ mới, nâng cao cơ sở vật chất cho cơ sở đào tạo, thực hành về KHCN… Việc đầu tư không nhất thiết hoàn toàn từ ngân sách nhà nước mà có thể huy động bằng các nguồn khác nhau của xã hội, từ các quỹ đổi mới KHCN.

Ngành Công Thương trong những năm qua cũng dành khá nhiều sự quan tâm tớihoạt động nghiên cứu khoa học của khối đào tạo. Một số trường có hoạt động nghiên cứu khoa học mạnh có thể kể đến như ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghiệp TP.HCM…

Luật KHCN sửa đổi cũng đã có nhiều điểm mới, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị nghiên cứu khoa học, đồng thời tăng cường khuyến khích, đãi ngộ đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học. Hy vọng trong thời gian tới, hoạt động KHCN sẽ có nhiều thuận lợi, thu hút nhiều hơn sự quan tâm và đầu tư của xã hội nhằm gặt hái những thành quả trong tương lai.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hồ Nga 

lên đầu trang