Thứ sáu, 01/11/2024 | 07:17
Là một trong số ít ngành có trình độ công nghệ khá so với trình độ công nghệ của thế giới, những năm qua, ngành Sữa Việt Nam được đầu tư, trang bị hệ thống thiết bị, công nghệ với qui mô hoàn chỉnh, hiện đại để “đi tắt đón đầu”.
Vinamilk luôn tiên phong
Một trong những doanh nghiệp đi đầu là Công ty Vinamilk. Công ty hiện có 13 nhà máy sản xuất và 07 trang trại chăn nuôi nằm trên địa bàn khắp cả nước. Để góp phần thực hiện định hướng phát triển ngành chế biến thực phẩm giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn đến 2020 của Bộ Công Thương, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh để chủ động hội nhập với khu vực và thế giới, Vinamilk quyết tâm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm tăng chủng loại và tăng chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, lựa chọn công nghệ thích hợp đối với các sản phẩm mới được xem là nhiệm vụ quan trọng nhất. Nhờ vậy sẽ nâng cao trình độ cạnh tranh đối với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, tiếp tục thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO và hệ thống HACCP trong toàn Công ty.
Từ lâu nay, Vinamilk sử dụng công nghệ sản xuất và đóng gói hiện đại tại tất cả các nhà máy, nhập khẩu công nghệ từ các nước châu Âu như Đức, Ý và Thụy Sĩ để ứng dụng vào dây chuyền sản xuất. Là công ty duy nhất tại Việt Nam sở hữu hệ thống máy móc sử dụng công nghệ sấy phun do Niro của Đan Mạch - hãng dẫn đầu thế giới về công nghệ sấy công nghiệp - sản xuất, Vinamilk còn sử dụng các dây chuyền sản xuất đạt chuẩn quốc tế do Tetra Pak cung cấp để cho ra sản phẩm sữa và các sản phẩm giá trị cộng thêm khác.
Vinamilk rất coi trọng việc đầu tư đổi mới thiết bị tiên tiến, máy móc hiện đại của các hãng nổi tiếng trên thế giới. Hơn bao giờ hết, trên lĩnh vực chế biến thực phẩm, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn phải được đặt lên hàng đầu, vì vậy đầu tư công nghệ hiện đại là một yếu tố để khẳng định chất lượng và thương hiệu. Trong giai đoạn gần đây, Công ty đã đầu tư hơn 6.500 tỉ đồng từ nguồn vốn tự có để hiện đại hóa máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất. Nhiều dây chuyền tinh chế hiện đại xuất xứ từ các nước công nghiệp tiên tiến như Mỹ, Đan Mạch, Ý, Đức, Hà Lan... được lắp đặt cùng với các chuyên gia hàng đầu thế giới hướng dẫn vận hành và chuyển giao công nghệ. Các chủng loại sản phẩm, các sản phẩm đều đạt chất lượng cao, được các tổ chức quốc tế kiểm định như: sữa đặc có đường, sữa đậu nành, sữa chua, sữa bột Dielac của Vinamilk đã được xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Nam Phi, Trung Đông và nhiều nước châu Á.
Việc đầu tư phát triển xây dựng mở mang cơ sở vật chất còn được Công ty Vinamilk hiện thực hóa bằng việc đã hoàn thành đưa nhà máy tại Đà Nẵng với vốn đầu tư 30 triệu USD vào hoạt động với hai mặt hàng là sữa chua và sữa nước. Năm 2013, Công ty đã khánh thành, đưa vào hoạt động 2 nhà máy lớn là: Nhà máy sữa nước tại Bình Dương với vốn đầu tư là 2.300 tỷ đồng (công suất ban đầu là 400 triệu lít mỗi năm, giai đoạn 2 là 800 triệu lít), và Nhà máy sữa bột cho trẻ em với công suất 55.000 tấn/năm với vốn đầu tư trên 1.750 tỷ đồng.
Nhờ vậy, Vinamilk hiện là thương hiệu sữa hàng đầu Việt Nam, hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các hãng sữa nước ngoài, không chỉ trên sân nhà mà còn cả ra thị trường quốc tế.
Đi tắt đón đầu
Không chỉ Vinamilk, các nhà máy trong ngành sữa những năm qua không ngừng được đầu tư, nâng cấp với hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ, khép kín, tự động hóa từ khâu nguyên liệu cho tới khâu thành phẩm, áp dụng công nghệ tiên tiến của các hãng có uy tín lớn về công nghiệp chế biến sữa trên thế giới như: Tetra Pak, Delaval (Thụy Điển); APV (Đan Mạch); DEA, Benco Pak (Italia); Combibloc (Đức), sản phẩm sản xuất ra có chất lượng ổn định và đạt chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.
Các doanh nghiệp trong ngành đã xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001- 2008. Hiện đa số các doanh nghiệp đã và đang triển khai hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm theo ISO 22000.
Cùng với các dự án đầu tư trong nước, các doanh nghiệp trong ngành cũng mở rộng đầu tư ra nước ngoài, điển hình là Vinamilk với các dự án: đầu tư tại Công ty Miraka Limited tại New Zealand với 19,3% vốn cổ phần (năm 2010); đầu tư vào Hoa Kỳ bằng cách góp vốn 7 triệu USD và nắm giữ 70% vốn chủ sở hữu của Công ty Driftwood Dairy Holding Corporation (tháng 12/2013); hợp tác với đối tác Campuchia Angkor Dairy xây dựng Nhà máy chế biến các sản phẩm sữa (đầu năm 2014); thành lập công ty con có vốn điều lệ 3 triệu USD tại Ba Lan (tháng 5/2014) để buôn bán động vật sống, nguyên liệu sản xuất sữa, sữa, các chế phẩm từ sữa, thực phẩm và đồ uống.
Một mục tiêu quan trọng nữa mà ngành Sữa Việt Nam đang tích cực hướng tới là tiêu chuẩn hóa chất lượng sữa. Theo Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Việt Nam (Codex Việt Nam), hiện nay, các sản phẩm sữa trước khi đưa ra thị trường đều phải được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xem xét và cấp phép. Chất lượng của các sản phẩm được Cục An toàn thực phẩm xem xét và quản lý thông qua hệ thống Quy chuẩn Việt Nam (QCVN). Các quy chuẩn này được xây dựng tương đối phù hợp dựa trên các tiêu chuẩn tương ứng của Ủy ban Codex, đưa Việt Nam hội nhập với quốc tế. Những quy chuẩn này hiện đang được các doanh nghiệp trên thị trường áp dụng và phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh hiện tại.
Chất lượng của các sản phẩm sữa ở Việt Nam được cơ quan quản lý kiểm soát quản lý thông qua hệ thống Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Việt Nam, ban hành năm 2010. Trước khi ban hành hệ thống Tiêu chuẩn và Quy chuẩn này, cơ quan soạn thảo đã lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức hội thảo tại VCCI. Thời điểm đó, cơ quan soạn thảo cũng phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Codex Việt Nam để phù hợp với Việt Nam và quốc tế. Thêm vào đó, trước khi ban hành còn gửi sang Bộ KHCN để thẩm định xem có phù hợp với điều kiện Việt Nam hay không. Mục đích hướng tới là Tiêu chuẩn và Quy chuẩn sữa Việt Nam phải phù hợp với tiêu chuẩn thế giới, nhằm hài hòa lợi ích của người dân chăn nuôi, của người tiêu dùng và nhà sản xuất.
Bằng việc liên tục đầu tư công nghệ mới, ngành Sữa Việt Nam đã khẳng định chỗ đứng của doanh nghiệp Việt, cùng chăm lo cho chiều cao, trí tuệ của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Hồng Hải