Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 07/01/2025 | 14:13

Thứ ba, 07/01/2025 | 14:13

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 15:44 ngày 04/05/2021

Siết chặt quản lý chất lượng thực phẩm chay

Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm chay Trí Dũng. Ảnh: HOÀNG HOA
Những năm gần đây, do nhu cầu đa dạng của xã hội, xu hướng ăn chay ngày càng thịnh hành, kéo theo thực phẩm chay ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, hiện nay công tác kiểm soát quản lý còn bị buông lỏng, nhiều sản phẩm không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ…, bày bán tràn lan trên thị trường và trên mạng xã hội…, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Mấy năm gần đây, cứ vào ngày rằm và mồng một âm lịch hằng tháng là chị Thu Minh, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy (Hà Nội) đều lựa chọn thực phẩm chay để chế biến món ăn cho gia đình. Chị Minh cho hay, ban đầu chị chỉ tập ăn chay và dần dần thấy thích. Còn bà Trần Thị Hiền ở Nguyễn Khánh Toàn, phường Quan Hoa (Cầu Giấy), là người ăn chay trường và là một khách hàng thường xuyên của quán ăn chay thực dưỡng tâm sự: “Tôi tìm hiểu được biết, thực phẩm chay chế biến từ thực vật có thể ngăn ngừa được nhiều bệnh. Tôi bị máu nhiễm mỡ, cho nên ăn chay để phòng bệnh”. Trên địa bàn Hà Nội xuất hiện nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm chay. Khảo sát tại các chợ đầu mối và dân sinh như chợ Hôm, chợ Ngọc Hà, chợ Châu Long…, không khó để tìm thấy những sản phẩm chay chế biến sẵn. 
Thực phẩm chay còn được đưa lên các mạng xã hội, như Zalo, Facebook… Trên thị trường cũng có nhiều thực phẩm chay nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... với mức giá cao từ ba đến bốn lần hàng trong nước sản xuất. Tuy đa dạng chủng loại, song điều đáng lo ngại là không ít sản phẩm chay giả mặn như các loại giò, chả, heo quay, đùi gà… được bọc gói sơ sài, bên ngoài không có nhãn hiệu hay bất cứ thông tin gì về thành phần sản phẩm hay hướng dẫn sử dụng chi tiết, nhất là ngày sản xuất và hạn sử dụng… Mặt khác, thực phẩm chay ở các chợ  dân sinh và trên mạng xã hội phần nhiều là sản phẩm do cá nhân và gia đình tự làm, không qua kiểm nghiệm, không có thông tin nhãn mác rõ ràng, khó bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. 
Mới đây, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh) tiếp nhận bốn trường hợp nghi ngộ độc pa-tê chay. Theo lời người nhà, cả bốn người đều ăn đồ chay (bún riêu chay, chả chay, pa-tê chay) tại miếu Chiêu Liêu (khu dân cư Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương). Trong số đó có pa-tê chay bị hỏng nắp, có vị chua. Sau khi ăn pa-tê chay, các bệnh nhân xuất hiện triệu chứng giống nhau: khó nói, yếu cơ, khó thở, diễn biến suy hô hấp nhanh. Trước đó, tháng 8-2020 cũng đã xảy ra vụ việc ngộ độc pa-tê Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới, khiến hàng chục người bị ngộ độc phải đưa vào các bệnh viện lớn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cấp cứu, điều trị. 
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, thị trường thực phẩm chay đang phát triển mạnh mẽ với sự phong phú về chủng loại. Tuy nhiên, công tác quản lý các sản phẩm này còn thiếu thống nhất, bộc lộ nhiều bất cập, cho nên chất lượng thực phẩm chay đang bị “thả nổi”. Trong khi đó, việc kiểm soát, thu hồi triệt để mặt hàng không bảo đảm an toàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn... là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm nêu trên. Để siết chặt quản lý an toàn thực phẩm chay, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, thời gian tới, cùng với việc tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay các ngành chức năng cần tăng cường các biện pháp mạnh trong công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với các công ty, nhà sản xuất thực phẩm nói chung, thực phẩm chay nói riêng… Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần tự trang bị các kiến thức về an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, ưu tiên lựa chọn sản phẩm từ các nhà sản xuất đáng tin cậy. 
Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần tự trang bị các kiến thức về an toàn thực phẩm. Nên lựa chọn các sản phẩm chay có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe sau khi sử dụng đồ ăn chay cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và theo dõi kịp thời.
TRẦN NGỌC TỤ
Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội
Thực phẩm chay nếu sử dụng đúng loại, đúng liều lượng, sẽ tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay, có nhiều cơ sở sản xuất vì chạy theo lợi nhuận cho nên sẵn sàng sử dụng các loại phụ gia không được phép dùng trong thực phẩm, có giá thành thấp để chế biến đồ ăn chay, hoặc nhập khẩu những sản phẩm chay không nhãn mác, không thời hạn sử dụng để kinh doanh..., gây ảnh hưởng sức khỏe và làm mất lòng tin của người tiêu dùng.
Bác sĩ PHẠM GIA KHÁNH
Chuyên gia dinh dưỡng
Theo Báo Nhân Dân
lên đầu trang