Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 15/05/2024 | 20:22

Thứ tư, 15/05/2024 | 20:22

Tin KHCN

Cập nhật lúc 17:28 ngày 21/05/2021

Ngành Công Thương chung tay bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học

Ngành Công Thương với đặc thù sản xuất công nghiệp và thương mại, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế, song những hoạt động này cũng phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến môi trường. Tuy nhiên, những năm qua, toàn ngành đã nỗ lực xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường.
Từng bước kiểm soát nguồn thải
Theo ông Trần Anh Tấn - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương: Các doanh nghiệp (DN) ngành Công Thương đóng vai trò quan trọng trong xanh hóa nền công nghiệp, xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, cùng với đó cũng phát sinh những vấn đề về ô nhiễm môi trường cần được quan tâm giải quyết. Để đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường (BVMT), những năm qua, ngành Công Thương đã nỗ lực xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, những “điểm nóng” về môi trường và từng bước kiểm soát nguồn thải trong ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm như thép, nhiệt điện, hóa chất, khoảng sản, luyện kim... Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất nhưng các DN đã chấp hành tương đối nghiêm túc, đầy đủ quy định của pháp luật về BVMT.
Nhiều siêu thị hạn chế sử dụng túi nilon để bảo vệ môi trường
Tuy nhiên, trên thực tế, trình độ công nghệ, thiết bị của nhiều lĩnh vực công nghiệp còn lạc hậu; công tác BVMT tại các cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế, bất cập tại địa phương… Do vậy, để ngăn chặn, kiểm soát nguồn chất thải gây ô nhiễm và phòng ngừa sự cố môi trường; sử dụng hiệu quả tài nguyên, nâng cao tỷ trọng tái chế, tái sử dụng các loại phế liệu, sản phẩm phụ và chất thải, hướng tới xây dựng, phát triển, đảm bảo mục tiêu cơ cấu lại ngành Công Thương theo hướng bền vững, thân thiện môi trường… trong kế hoạch BVMT ngành Công Thương đến năm 2025 đã đặt ra mục tiêu: Hoàn thiện, ban hành các quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về quản lý khí thải, chất thải rắn, nước thải theo hướng tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng hiệu quả các loại tài nguyên và BVMT phù hợp với thực tiễn trong một số loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và một số hoạt động thương mại; 70% - 90% nguồn thải trong lĩnh vực công nghiệp trọng điểm được đánh giá, kiểm kê, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và ban hành chính sách, quy định kiểm soát; 80% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ nhà máy điện, hóa chất, phân bón được tái chế, tái sử dụng và xử lý làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp... đáp ứng yêu cầu BVMT; 100% DN trong ngành được tập huấn, phổ biến pháp luật về BVMT; đẩy mạnh sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt, tiến tới thay thế túi nilon khó phân hủy; xác định nguy cơ và đề xuất chính sách BVMT đối với các dự án năng lượng (như điện từ rác thải, điện gió, điện mặt trời) và một số lĩnh vực khác theo kế hoạch tái cơ cấu ngành công nghiệp...
Tạo sức lan tỏa đến người lao động
Nhằm lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa đến nhận thức của toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương chung tay BVMT, phục hồi hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5) năm 2021, ngành Công Thương tiếp tục có nhiều hoạt động hưởng ứng. Tuy nhiên, vì đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp đã ban hành Công văn số 688/ATMT-BVMT gửi các cơ quan, đơn vị, DN thuộc Bộ căn cứ vào tình hình thực tế để sáng tạo, đổi mới hình thức truyền thông và cách thức thực hiện, ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa lan tỏa mạnh mẽ đến nhận thức của toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương chung tay phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học.
Cụ thể, tuyên truyền rộng rãi tới toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, người lao động thông qua các buổi hội thảo, tọa đàm (khuyến khích theo hình thức trực tuyến) về các nội dung như: Phổ biến Luật BVMT năm 2020; giới thiệu các mô hình, giải pháp phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học…
Tổ chức các hoạt động hưởng ứng phù hợp với tình hình thực tế như: Làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải; tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng không sử dụng túi nilon khó phân huỷ và các sản phẩm nhựa dùng một lần. Tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình BVMT phục vụ lợi ích của cộng đồng.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong việc không săn bắt động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; không khai thác, đánh bắt, sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên; xây dựng nền kinh tế tuần hoàn chất thải, chống rác thải nhựa trên cạn và đại dương...
Biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong công tác BVMT, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, sản xuất tiêu dùng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Lễ ra mắt chính thức Thập kỷ về phục hồi hệ sinh thái sẽ được tổ chức vào Ngày Môi trường thế giới 2021, mở ra cơ hội tiếp cận hàng triệu người trên thế giới, tổ chức nhiều sự kiện liên quan nhằm hướng tới phục hồi hệ sinh thái. Giai đoạn 2021-2030 được Liên hợp quốc xác định là Thập kỷ về phục hồi hệ sinh thái, chú trọng nhân rộng trên quy mô lớn việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và phá hủy để ứng phó với khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước và đa dạng sinh học. Động thái này diễn ra khi các chuyên gia cảnh báo, hệ sinh thái trên khắp thế giới đang đối mặt với sự sụp đổ. Hành tinh đang mất đi 4,7 triệu ha rừng mỗi năm và trong thế kỷ qua, một nửa diện tích đất ngập nước trên toàn cầu đã bị cạn kiệt.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang