Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 15/05/2024 | 04:08

Thứ tư, 15/05/2024 | 04:08

Tin KHCN

Cập nhật lúc 07:52 ngày 26/07/2021

Thương mại điện tử: "Bạn đồng hành" của nhà sản xuất và người tiêu dùng

Dịch Covid-19 đã và đang tác động đến hoạt động mua bán, cung ứng, kinh doanh, phân phối và xuất khẩu hàng hóa. Chính vì vậy, trong điều kiện hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) đang là sự lựa chọn tất yếu của nhiều nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Bổ sung nguồn cung nhanh chóng
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, mới đây, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã khẩn trương phối hợp với các sàn TMĐT lớn triển khai các phương án đảm bảo cung ứng nông sản, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam qua TMĐT.
Cụ thể, Cục TMĐT và Kinh tế số đã ban hành Công văn số 687/ TMĐT-TTCNS gửi các sàn TMĐT về việc tổ chức đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu như: Ưu tiên hiển thị các mặt hàng nông sản, thực phẩm, nhu yếu phẩm trên nền tảng TMĐT; kết nối với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối bán lẻ uy tín để nhanh chóng đảm bảo nguồn cung, tạo điều kiện cho người dân đặt mua sản phẩm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên sàn TMĐT một cách thuận lợi.

Vải thiều Thanh Hà lên sàn TMĐT Lazada thành công
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền- Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số - cho biết, với lợi thế của TMĐT, trường hợp các hàng hóa thiết yếu thiếu hụt cục bộ ở một số địa phương, một số điểm, các nhà cung cấp có thể bổ sung nguồn cung một cách nhanh chóng và giao tới người dân kịp thời mà không nhất thiết phải tiếp xúc trực tiếp qua phương thức mua sắm tại siêu thị, chợ truyền thống, các hoạt động giao hàng đều đảm bảo các quy tắc về phòng, chống dịch. "Như vậy, việc mua thực phẩm tươi sống hay các đồ dùng thiết yếu sẽ không gặp nhiều khó khăn, các siêu thị và cửa hàng bách hóa sẽ giảm thiểu được tình trạng quá tải, hết hàng"- bà Nguyễn Thị Minh Huyền khẳng định.
Theo đó, trong những ngày gần đây, các sàn TMĐT lớn đã triển khai các chương trình ưu đãi về vận chuyển các mặt hàng nhu yếu phẩm, tạo điều kiện mua sắm cho người dân ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trên các kênh trực tuyến như: Chương trình "Đi chợ tại nhà" hay "Tuần lễ nông sản Việt" trên sàn TMĐT Sendo, hoặc "Đi chợ Online" các thực phẩm tươi sống từ sàn TMĐT Tiki; các sản phẩm nông sản tươi của ShopeeFarm và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm khác từ các sàn Voso, Lazada…
Thêm "lối ra" cho nông sản
Thực tế trong tháng 5, 6 vừa qua, vải thiều Thanh Hà của Hải Dương đã lên sàn TMĐT Lazada thành công. Cùng với vải thiều Thanh Hà, Hải Dương còn có 5 sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn TMĐT gồm: Trứng gà Cẩm Đông, gà đồi Chí Linh, ổi Thanh Hà, cải bắp, su hào Gia Lộc…
Nhận thấy những lợi thế tiềm năng từ sàn TMĐT tỉnh Bắc Giang cũng đã có công văn gửi Bộ Công Thương cùng Cục TMĐT và Kinh tế số về việc phối hợp hỗ trợ đẩy mạnh phân phối sản phẩm vải thiều tỉnh Bắc Giang qua "Gian hàng Việt trực tuyến" trên các sàn TMĐT và đạt được thành công ngoài sự mong đợi.
Cục TMĐT và Kinh tế số cũng đã phối hợp với sàn TMĐT Vỏ Sò tổ chức chương trình hỗ trợ tiêu thụ hành tím Vĩnh Châu. Chỉ sau gần 10 ngày chạy chương trình trên sàn TMĐT Voso và "Gian hàng Việt trực tuyến" đã hỗ trợ tiêu thụ được gần 30 tấn hành tím Vĩnh Châu.
Gần đây nhất, Hưng Yên cũng ký kết tiêu thụ nhãn và nông sản trên 4 sàn TMĐT; Lạng Sơn cũng đẩy mạnh tiêu thụ na Chi Lăng lên sàn TMĐT… Vĩnh Long, Đăk Lăk và Sơn La cũng đồng loạt đưa nông sản, đặc sản địa phương lên bán tại "Phiên chợ nông sản trực tuyến" trên sàn TMĐT…
Những trường hợp trên là minh chứng thiết thực và rõ nét nhất cho thấy, việc tham gia sàn TMĐT là hướng đi đúng đắn của các địa phương, doanh nghiệp trong vấn đề tiêu thụ nông sản. Một ưu điểm của hình thức này, đó chính là góp phần thúc đẩy hơn tiêu thụ nội địa, giúp giảm tải cho các sản phẩm nông sản khi đang gặp khó khăn trong vấn đề xuất khẩu giữa bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tuy nhiên, để duy trì chất lượng và đảm bảo quá trình tiêu thụ trên kênh online diễn ra thông suốt, theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành địa phương trong việc quy hoạch sản xuất, dự báo sản lượng nông sản tốt hơn. Từ đó, chuẩn bị sẵn phương án, kịch bản tiêu thụ nông sản cho cả kênh online và offline. Các doanh nghiệp cần nắm rõ các bước để đưa sản phẩm lên sàn điện tử, nhất là trong việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo sản phẩm cung cấp đúng và đủ thông tin đến tay người tiêu dùng.
"Bộ Công Thương sẽ khuyến khích các sàn TMĐT tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản và đào tạo kỹ năng bán hàng online cho người dân. Đây là hướng đi bền vững, giúp tiêu thụ nông sản ổn định ngay cả khi dịch Covid-19 làm tắc nghẽn thị trường"- bà Huyền nhấn mạnh.
Để phát huy thế mạnh của TMĐT, các địa phương, doanh nghiệp cần có sự chủ động tìm tòi, kết nối, liên hệ với các cơ quan nhà nước, đại diện các sàn TMĐT để trực tiếp làm việc, trao đổi, nhằm kết nối nông sản lên kênh tiêu thụ hiệu quả và tiện lợi này.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang