Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 21:11

Thứ hai, 29/04/2024 | 21:11

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 09:16 ngày 10/08/2021

Than Cao Sơn nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nhờ sáng kiến cải tiến kỹ thuật

Thời gian qua, phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất của Công ty Cổ phần than Cao Sơn - TKV được các công trường, phân xưởng hưởng ứng tích cực.
Với diện tích khai trường 1.390ha, tổng số cán bộ, công nhân lao động là 3.600 người, Than Cao Sơn là mỏ có quy mô khai thác lớn nhất ngành than. Sản lượng than nguyên khai hàng năm của mỏ là trên 6 triệu tấn, khối lượng đất đá bóc xúc trên 60 triệu m3.
Hiện nay, đơn vị đang quản lý, vận hành 361 thiết bị, gồm các loại máy khoan, máy xúc, máy gạt hiện đại và các chủng loại xe ô tô trọng tải lớn đến 100 tấn. Có thể nói, hiện nay, Than Cao Sơn đang sở hữu hạ tầng kỹ thuật và công nghệ hiện đại bậc nhất ngành khai thác mỏ nước ta, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất mang tính bền vững.
Than Cao Sơn đẩy mạnh hoạt động sản xuất, tiêu thụ than (Nguồn: Báo Quảng Ninh)
Để nâng cao chất lượng hoạt động, Than Cao Sơn đã nhanh chóng xây dựng cơ chế điều hành mới; khẩn trương sắp xếp lại bộ máy nhân sự tại các công trường, phân xưởng, phòng ban và ổn định tư tưởng cho cán bộ, công nhân lao động. Từ 2 bộ máy quản lý với 28 phòng, ban, đến nay Than Cao Sơn đã giảm còn 1 bộ máy quản lý với 14 phòng, ban. Số lao động quản lý giảm 36 người. Giảm nhân sự, giảm đầu mối nhưng bộ máy của Công ty đã thật sự tinh gọn và nâng cao được chất lượng hoạt động.
Bên cạnh đó, Công ty đã xây dựng lại phương án đổ thải cho toàn mỏ; điều chuyển các thiết bị phù hợp yêu cầu sản xuất và bố trí đủ việc làm cho người lao động; triển khai phương án giao ca ngoài khai trường cho khu Khe Chàm II để tăng năng suất thiết bị và tiết giảm chi phí; đồng thời quy hoạch lại các kho than.
Một trong những đổi thay lớn ở Than Cao Sơn sau hợp nhất là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào khâu quản lý, điều hành sản xuất.
Từ đầu năm 2021, Cao Sơn đã thí điểm công tác giao nhận ca bằng phần mềm nhật lệnh trực tuyến. Chỉ với máy tính hay điện thoại thông minh, các công trường, phân xưởng đã có thể triển khai công việc trong 5-10 phút, mà không cần phải tập trung đông người”. - Anh Bùi Thế Hùng, Trưởng Phòng Kỹ thuật - An toàn Than Cao Sơn, cho biết.
Áp dụng công nghệ hiện đại giúp Than Cao Sơn nâng cao năng suất(Nguồn: Báo Quảng Ninh)
Trong thời đại cách mạng công nghệ số, cải tiến phương pháp tổ chức sản xuất vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là giải pháp đa lợi ích cho doanh nghiệp. Mặt khác, cải tiến quản lý sản xuất một cách hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp có sự chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tối đa rủi ro, hạn chế được nhiều chi phí không đáng có.
Hiện nay, Than Cao Sơn đang duy trì 328 camera đặt tại 59 điểm quan sát, giúp tăng hiệu quả giám sát an ninh an toàn, quản lý tài nguyên ranh giới mỏ và điều hành sản xuất từ xa. Ngoài việc giao nhận ca, quản lý hệ thống văn bản bằng phần mềm và sử dụng chữ ký số, chứng thư con dấu số, Than Cao Sơn cũng đang từng bước tự động hóa một số công đoạn trong dây chuyền sản xuất.
Ông Phạm Quốc Việt, Phó Giám đốc Công ty, khẳng định: “Nhờ công nghệ thông tin và những biện pháp tổ chức, điều hành sản xuất hiệu quả, từ ngày 5/8/2020 đến 31/7/2021, sản lượng than khai thác của Than Cao Sơn đạt trên 5,5 triệu tấn, đất đá bốc xúc đạt trên 60,3 triệu m3, than tiêu thụ trên 6 triệu tấn, doanh thu bán than đạt 7.385 tỷ đồng”. 
Giai đoạn tới, đơn vị sẽ tiếp tục tập trung kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu kỹ thuật như hệ số bóc, cung độ vận chuyển, phẩm cấp than, tỷ lệ thu hồi than. Mỏ cũng sẽ cân đối và điều hòa sản lượng than khai thác, chế biến, phù hợp với yêu cầu tiêu thụ; tăng cường đầu tư thiết bị chuyên dụng, công suất lớn; sớm hoàn thành các dự án nâng công suất mỏ theo quy hoạch đã được TKV phê duyệt. 
Từ nay đến cuối năm 2021, Than Cao Sơn phấn đấu giảm thêm 3 phân xưởng và tinh giản từ 1-2% lao động gián tiếp; giảm tối đa các đầu mối công trường, phân xưởng; đào tạo lại, nâng cao trình độ, ý thức trách nhiệm cho người lao động.
Mai Anh t/h

lên đầu trang